Đặt tiền hoặc tài sản để thay thế tạm giam: Nhiều điểm cần làm rõ

ANTĐ - Việc chờ đợi Thông tư liên tịch (TTLT) hướng dẫn đặt tiền hoặc tài sản có giá trị thay thế biện pháp tạm giam là vấn đề đang được xã hội quan tâm. TTLT tuy mới chỉ là dự thảo nhưng nhiều nhà nghiên cứu, chuyên gia luật đã thẳng thắn chỉ ra những thiếu sót cần được cơ quan soạn thảo điều chỉnh.

Không nên dùng biện pháp đặt tiền hoặc tài sản thay thế biện pháp tạm giam đối với tội phạm ma túy 

(Nhân vật trong ảnh: “Bà trùm” ma túy  xuyên quốc gia Nguyễn Thị Dung)

Dễ bị “lạm quyền”

Luật sư Trịnh Anh Dũng - Trưởng VPLS Trịnh (thuộc Đoàn LSTP Hà Nội) cho rằng, nhìn chung, việc ban hành Thông tư này có ý nghĩa rất tích cực, đảm bảo hơn nữa quyền tự do thân thể của công dân, tuân thủ nguyên tắc nhân đạo XHCN theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, nội dung của Dự thảo Thông tư còn có một số điểm chưa thực sự hoàn thiện, gây khó khăn và có thể dẫn đến “lạm quyền” khi áp dụng vào thực tế. Đơn cử, trong nội dung của Dự thảo Thông tư quy định: “Cơ quan tiến hành tố tụng (THTT) có thể áp dụng biện pháp đặt tiền, tài sản bảo đảm đối với bị can, bị cáo đang bị tạm giam khi có căn cứ để “tin rằng”, bị can, bị cáo có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan THTT hoặc không tiêu hủy, che giấu chứng cứ hoặc có hành vi khác cản trở việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc việc cho bị can, bị cáo tại ngoại không gây ảnh hưởng lớn đến trật tự, an toàn xã hội”.

Như vậy, việc quyết định có áp dụng biện pháp đặt tiền, tài sản đảm bảo đối với bị can, bị cáo đang bị tạm giam lại dựa trên niềm tin của các cơ quan THTT mà không phải là một cơ sở cụ thể, rõ ràng. Quy định này dễ dẫn đến tình trạng “lạm quyền”. Bên cạnh đó, Dự thảo TTLT cũng quy định các trường hợp không được áp dụng biện pháp đặt tiền, tài sản đảm bảo cũng bộc lộ một số vấn đề tồn tại như đối với tội phạm về ma túy: “Chỉ những bị can, bị cáo phạm tội rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng về ma túy thì mới không được áp dụng biện pháp đặt tiền, tài sản bảo đảm...”. Theo tôi, quy định này là không phù hợp với thực tiễn đấu tranh phòng chống tội phạm ma túy. Như chúng ta đã biết, tội phạm ma túy dù tính chất, mức độ phạm tội như thế nào cũng luôn có hậu quả rất xấu về mọi mặt của đời sống xã hội. Loại tội phạm này rất khó bị phát hiện và thường chống trả quyết liệt. Nếu cho phép bị can, bị cáo được áp dụng biện pháp đặt tiền khi phạm tội về ma túy là vô cùng nguy hiểm cho xã hội. Vì vậy, riêng đối với loại tội phạm này thì không thể áp dụng biện pháp đặt tiền, tài sản đảm bảo. Ngoài ra, đối với toàn bộ nhóm tội phạm về xâm phạm quyền sở hữu và tội phạm về chức vụ cũng không nên áp dụng biện pháp này.

Vẫn quá rườm rà

Trước hết phải khẳng định, đây là biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự được áp dụng phổ biến ở nhiều nước trên thế giới và được coi là một biện pháp ngăn chặn văn minh trong những quốc gia có nền kinh tế phát triển, ý thức pháp luật, văn hóa pháp lý của công dân ở mức độ cao. Nếu Thông tư này ra đời với những quy định đầy đủ, chặt chẽ, hợp lý, khách quan, công bằng, chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ của nhân dân và khi áp dụng vào thực tiễn sẽ đem lại hiệu quả cao.

Tuy nhiên, theo Thượng tá, PGS.TS Nguyễn Minh Đức - Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm (Học viện CSND) thì một số nội dung quy định trong Dự thảo của Thông tư này khi áp dụng vào cuộc sống sẽ gặp không ít khó khăn, thiếu tính khả thi. Đơn cử, cần quy định rõ nguyên tắc áp dụng biện pháp đặt tiền, tài sản bảo đảm. Nếu quy định như Dự thảo thì rất chung chung, không thể hiện rõ sự thống nhất với nguyên tắc và mục đích của tố tụng hình sự (TTHS) bởi “Biện pháp đặt tiền, tài sản bảo đảm có thể được áp dụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hoặc xét xử phúc thẩm”, vậy khi áp dụng biện pháp này, cơ quan nào sẽ phê chuẩn yêu cầu của Viện kiểm sát (giai đoạn truy tố), trong khi hoạt động tạm giam từ giai đoạn điều tra đến xét xử phúc thẩm được thực hiện bởi cơ quan điều tra. Ngoài ra, các quy định tiếp theo về chủ thể tiến hành cũng rất chung chung “cơ quan đang tiến hành tố tụng”. Với quy định này sẽ khó xác định và ràng buộc trách nhiệm đối với chủ thể khi bị can trốn hay mất, hỏng, thất lạc tài sản đặt cọc.

Điểm đáng chú ý nữa là, cần phải tính đến mối quan hệ giữa nội dung các điều kiện áp dụng với mục đích của biện pháp tạm giam, cũng như nguyên tắc “tất cả các công dân đều bình đẳng trước pháp luật” trong xử lý người phạm tội mà Luật TTHS đã quy định. Theo nội dung Dự thảo, đối tượng quy định áp dụng biện pháp này là “người chưa thành niên và đang đi học” thì chưa thực sự công bằng. Vậy “người chưa thành niên không đi học thì sao” và “bị can, bị cáo là người chưa thành niên” là như thế nào?

“Chúng ta đang thực hiện quyết liệt Chương trình cải cách hành chính, do vậy, TTLT này chỉ nên quy định đặt cọc tài sản tồn tại dưới hình thức là tiền và vật, không nên quy định cho phép đặt cọc là giấy tờ có giá và các quyền tài sản khác (Điều 163 Bộ luật Dân sự). Theo quy định này sẽ kéo theo sự hệ lụy rất lớn về thủ tục hành chính, từ xác minh tài sản đến thành lập Hội đồng giám định tài sản, đến chi trả chi phí giám định, bảo quản tài sản (kho bạc và kho vật chứng), đến việc cơ quan THTT phải cử người, phương tiện áp giải bị can đi và về làm các thủ tục trên (nếu trốn thì trách nhiệm ra sao),... trong khi chức năng cơ bản của cơ quan TTHS là họ phải làm rõ sự thật của vụ án trong thời hạn luật định mà không thể đào tạo người, cũng như chi phí thời gian cho những việc trên - đây là điều bất hợp lý, phức tạp, trái với mục đích cải cách thủ tục hành chính và cải cách tư pháp mà Đảng và Nhà nước đặt ra”, Thượng tá Nguyễn Minh Đức nói.