Đặt ra "nội quy" dùng Facebook trong trường học: Nên hay không?

ANTD.VN - Gần đây, sự việc một trường THPT ở Thanh Hóa đưa ra bản “Những yêu cầu khi sử dụng Facebook” để áp dụng cho các học sinh của trường này đã gây xôn xao dư luận. Nhiều luồng quan điểm trái chiều đã được ra. Vậy việc có một bản “nội quy dùng Facebook” là nên hay không?

“Những yêu cầu khi sử dụng Facebook”

Trong bản “nội quy” đặc biệt vừa đề cập, Ban giám hiệu (BGH) của một trường THPT ở Thanh Hóa đã đưa ra 6 yêu cầu đối với học sinh của trường khi dùng mạng xã hội Facebook.

Cụ thể, đó là:

1. Tuyệt đối không được nói tục, chửi bậy hoặc văng bậy, kể cả chửi bậy bằng những thứ viết tắt (…). Phải sử dụng ngôn ngữ trong sáng, thuần Việt.

2. Tuyệt đối không dùng Facebook để nói xấu bất kỳ ai.

3. Chỉ like Status khi đã đọc kỹ nội dung của nó. Nếu like những Status có nội dung xấu, chủ nhân facebook sẽ bị quy trách nhiệm. Bởi vậy, cần phải biết đấu tranh, bày tỏ quan điểm trước Status có nội dung xấu hoặc không lành mạnh.

4. Tuyệt đối, không được để bạn bè hiểu lầm khi đọc Status. Bởi vậy viết status phải rõ ràng.

5. Facebook cũng là nơi thể hiện được sự văn hóa của mỗi cá nhân, bởi vậy nên cân nhắc kỹ trước khi like vào một comment nào đó, hoặc viết status thể hiện tâm trạng của bản thân.

6. Facebook không phải là nhật ký, bởi thế mọi riêng tư không nên đưa lên Facebook.

Hình ảnh về bản yêu cầu dùng Facebook xuất hiện nhiều trên mạng

Ngay sau khi hình ảnh về bản “nội quy dùng Facebook” nói trên xuất hiện trên mạng internet, số lượt chia sẻ và lượng bình luận đã không ngừng tăng lên, với những quan điểm trái chiều nhau.

Trong khi một bộ phận người dùng internet thể hiện sự ủng hộ, cho rằng đó là “bản yêu cầu… có tâm” của các thầy cô, thì một số khác lại phản đối, vì cho đó là sự vi phạm vào quyền riêng tư cá nhân.

PV Báo ANTĐ đã thực hiện phỏng vấn một số gương mặt tiêu biểu trong mỗi luồng quan điểm để cung cấp ý kiến khách quan tới độc giả.

Nghe “yêu cầu” thì nặng nề, nhưng thực chất rất… có tâm!

 Anh Ngô Việt (Kỹ sư, 36 tuổi) bày tỏ sự ủng hộ đối với “bản nội quy dùng Facebook” nói trên.

“Khi nghe tên gọi là ‘những yêu cầu khi dùng Facebook’ thì cảm giác có vẻ nặng nề, nhưng thực tế, lúc đọc kỹ từng điều, thì tôi cho rằng đó là nội dung rất có tâm. Nó thiên về lời khuyên nhủ nhiều hơn, và thực sự cần thiết đối với các bạn trẻ đang ở độ tuổi tâm sinh lý có nhiều biến động lớn. Nếu đặc điểm đó kết hợp với hành vi dùng Facebook thiếu kiểm soát, hậu quả sẽ khó lường”, anh Việt chia sẻ.

Việc dùng phổ biến Facebook ở lứa tuổi thanh, thiếu niên có thể dẫn tới những hệ lụy không ngờ, nếu thiếu sự quan tâm

Đồng quan điểm nói trên, một người quản lý giáo dục ở Hà Nội đề nghị giấu tên bày tỏ: “Chúng tôi làm việc chủ yếu với các bạn sinh viên, tức là trên 18 tuổi rồi. Nhưng thực sự, trong rất nhiều trường hợp, các bạn ấy vẫn bộc lộ sự nông nổi, gây ra rắc rối khi dùng Facebook. Như ở một sự việc có thể coi là hết sức bình thường hằng ngày, có thể giải quyết thấu tình đạt lý, thì một người ngoài cuộc chứng kiến và quay một đoạn nhất định, rồi tung lên MXH, trải qua vài bình luận sai lệch, là sự việc đi tới mức độ nghiêm trọng hơn nhiều. Nói ra điều này, không phải ai cũng hiểu, trừ khi đã rơi vào những hoàn cảnh như vậy. Do đó, tôi cho rằng việc có một ‘bản nội quy’ để lưu ý học sinh là thực sự cần thiết”.

Trong khi đó, anh Lê Minh (Nhà báo, 45 tuổi) cho rằng, “Facebook là tài khoản cá nhân của mỗi người, việc yêu cầu không nói tục, chửi bậy trên đó sẽ khó trở thành một cơ chế mang tính bắt buộc. Tuy nhiên, Facebook không phải chốn riêng tư, việc dùng nó như thế nào cũng bộc lộ được phông văn hóa của người sử dụng”.

Facebook là mạng xã hội "ảo", nhưng hiệu quả tích cực và tác động tiêu cực là hoàn toàn thật

Sau khi đọc 6 điều khoản, chuyên gia truyền thông Nguyễn Ngọc Long phân tích cụ thể: “Tôi ủng hộ điều khoản số 5 và 6, vì nó mang tính chất khuyến nghị. Còn các điều khoản còn lại, tôi cho rằng về mặt lý là không đúng, vì có tính ép buộc, phải làm cái này hay cái kia, không được làm cái này… Khi học sinh dùng Facebook, họ cần phải tuân thủ quy định của Facebook, chứ không phải của những bên nào khác. Tuy nhiên, nhà trường là nơi giáo dục học sinh, nên tôi nghĩ nhà trường nên đưa ra những thông tin dưới dạng khuyến nghị, hướng dẫn để các em học sinh biết và hiểu vấn đề, có gì lợi – hại, tích cực – tiêu cực, được gì - mất gì, để chính bản thân các em nhận thức rõ về mạng xã hội. Như thế, theo tôi là phương án tốt nhất!”

Qua những quan điểm được chia sẻ kể trên, hy vọng độc giả đã có riêng cho mình ý kiến phù hợp để góp phần xây dựng một mạng xã hội lành mạnh và hiệu quả.