Đất cho “người âm” cũng sốt
(ANTĐ) - Thời buổi đất chật người đông, tìm được nơi chôn cất cho người đã khuất cũng là cả một vấn đề. Ở Hà Nội, nghĩa trang Văn Điển giờ đã đóng cửa, người dân không muốn hỏa táng phải tìm lên tận những nơi như Yên Kỳ, Thanh Tước… Cơn sốt đất xây nhà cho “người âm” cũng vì thế mà nóng lên từng ngày.
Các khu đất đẹp đều đã có chủ được mua với giá rất cao |
“Nóng” từ Vĩnh Hằng…
Công viên Vĩnh Hằng tọa lạc trên phần đất cả hai xã Phú Sơn và Vật Lại, huyện Ba Vì, Hà Nội, cách trung tâm Hà Nội 70km về phía Tây. Với diện tích gần 20ha, có sức chứa lên đến hàng vạn ngôi mộ.
Có hai cách để được an táng tại Vĩnh Hằng. Nếu chỉ hung táng, thì khách hàng phải đăng ký ở 125 Phùng Hưng, sau đó 3 năm sẽ cải táng. Nếu muốn mai táng vĩnh cửu thì khách liên hệ trực tiếp với Công ty cổ phần Vĩnh Hằng để mua đất. Một ngày chịu khó đi từ sáng sớm đến Công viên Vĩnh Hằng có thể thấy rất nhiều người, phần lớn là người cao tuổi, có mặt tại đây. Không phải ngày có tang lễ ở đây vẫn đông. Phần lớn những người này đến để hỏi mua đất nghĩa trang để xây mộ, có người tìm cho người thân, người khác lại tìm cho bản thân mình.
Ông Nguyễn Đình Hoàn, đang ngắm nhìn thật kỹ lại mảnh đất mà ông chuẩn bị mua với vẻ mặt đầy lo toan: “Mảnh này chỉ 13m2, nhưng giá lên tới 77 triệu đồng, đã vậy còn hơi xiêu vẹo, không được vuông vắn, càng nghĩ lại càng xót”.
Sau khi nghe tin nghĩa trang Văn Điển đóng cửa, hai vợ chồng ông Hoàn vội hối hả nhờ con cháu đèo lên tận trên này để tìm mua đất. Vợ ông Hoàn chia sẻ: “Nào có ai nghĩ chuyện mua đất để an nghỉ lại phải bỏ ra gần 100 triệu thế này. Cả đời dành dụm tiết kiệm chỉ đủ để mua được mảnh đất nho nhỏ mà không làm gì được cho con cháu, khổ tâm lắm”.
Ở Công viên Vĩnh Hằng, đất nghĩa trang được chia làm hai khu, gọi là “khu biệt thự” và “khu chung cư”. Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết diện tích của “khu biệt thự” đã được mua hết, chỉ còn “khu chung cư” được xây hố theo hàng lối sẵn từ trước.
Nếu như giá cho một ngôi mộ “chung cư” trước đây là 11,5 triệu đồng khi chôn cất chỉ thêm 2 triệu đồng hoàn thiện thì giá tại thời điểm hiện tại đã gấp gần 3 lần. Những “khu biệt thự” chỉ riêng tiền đất đã có giá tới vài trăm triệu đồng.
Bác Tính, một người đi mua đất nghĩa trang cho biết: “Nếu có dịp tham quan “khu biệt thự” mới thấy dân mình nhiều người giàu thật. Mảnh đất vài trăm mét vuông ở khu này phải lên tới vài trăm triệu thậm chí tiền tỷ”. Theo quan sát của phóng viên, ở khu này, nhiều nơi được xây dựng như xây nhà cho người sống, có tường bao quanh, có cửa, kiến trúc hẳn hoi. Trang trí toàn bằng đá, cảm giác đứng ở đây không giống như đang ở nghĩa trang.
Tới… Yên Kỳ
Cứ đúng theo quy định, mỗi người dân khi qua đời đều được an táng (hoặc hung táng, điện táng...) tại địa điểm do thành phố quy định. Ở Yên Kỳ (còn gọi là Bất Bạt thuộc Ba Vì, Hà Nội), nghĩa trang lớn nhất Hà Nội chỉ cách Công viên Vĩnh Hằng vài cây số, tình trạng “sốt” đất cũng không thua kém.
Vừa dừng chân đứng lại, hàng loạt cò đã đổ tới bắt chuyện và đặt vấn đề. Từ hung táng, cải táng hay là nằm vĩnh viễn. Muốn là được, nhưng phải qua cò. Ở nghĩa trang này có rất nhiều loại “cò”. Mỗi loại “cò” đẳng cấp khác nhau. “Cò” dẫn mối chuyện nghiệp, rất ít khi chèo kéo mà thường tiếp cận và thuyết phục khách đến gặp chủ của mình để thương thảo mua bán. Còn những “cò” đẳng cấp cao hơn là trực tiếp mua bán đất.
Đề cập mong muốn được mua đất ở nghĩa trang này, có tới gần chục người hứa giúp chúng tôi mua đất chôn một cách dễ dàng mà không cần phải viết một đơn từ nào cả. Có những người còn lập hẳn một đội ngũ tập trung mối từ đầu thôn Yên Kỳ vào đến nghĩa trang.
“Cò” sẵn sàng ra giá đất cho người chết như bán nhà mình, mỗi ngôi mộ có giá lên đến 15-20 triệu đồng. Ở những khu đẹp giá cả phải thỏa thuận kỳ kèo hồi lâu. Có những khu mới xây xong phần thô mà đã được rao bán. Thanh Hà, một “cò mộ” ở đây cho biết: “Khu nào chúng em cũng có mộ cho bác, bác muốn hướng nào cũng có. Mà trần sao thì âm vậy, các cụ nằm chỗ thế đẹp, sau này còn phát cho con cháu ý chứ”.
Cơn sốt đất cho “người âm” sẽ còn nóng nếu không có biện pháp quản lý chặt chẽ, bởi số lượng người muốn tìm một chỗ để cho người thân hay cho bản thân mình thì ngày một nhiều lên. Bản thân các khu nghĩa trang giờ cũng đẹp hơn, sạch sẽ và hiện đại hơn. Chính vì thế nhu cầu ngày một tăng thì giá sẽ càng bị đội lên. Chỉ khổ cho những người ít tiền, cái chuyện chết cũng không hề đơn giản.
Bằng Kiều