Đập tan luận điệu xuyên tạc, sai trái lèo lái dư luận về 2 vụ đại án (2): Niềm tin vững chắc vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Việc các cơ quan tiến hành tố tụng nước ta khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án “chuyến bay giải cứu” và Việt Á cho thấy chủ trương và hành động nhất quán “kiên quyết, kiên trì, không ngừng nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Lật tẩy những chiêu trò xuyên tạc, chống phá

Phiên tòa sơ thẩm xét xử 54 bị cáo trong vụ án tổ chức những “chuyến bay giải cứu” và kết luận điều tra đề nghị truy tố 38 bị can trong vụ án Việt Á một lần nữa khẳng định quyết tâm của Đảng và Nhà nước ta trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, khẳng định sự nghiêm minh của pháp luật và không có vùng cấm, dù là ai vi phạm pháp luật đều bị xử lý. Tuy nhiên, lợi dụng việc xét xử vụ án, các thế lực thù địch, chống đối đã tung ra nhiều bài viết, phỏng vấn hòng lèo lái từ các vụ án hình sự sang vấn đề chính trị nhằm tạo cớ bôi đen, phủ nhận không chỉ phủ nhận thành quả phòng chống đại dịch Covid-19 mà nguy hiểm hơn là chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta; phủ nhận cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

Bất chấp thực tế vụ án “chuyến bay giải cứu” đã được đưa ra xét xử công khai với bản án nghiêm minh theo pháp luật cho các bị cáo hay kết luận điều tra theo “đúng người, đúng tội” với các bị can trong vụ án Việt Á, được đông đảo người dân cùng dư luận trong và ngoài nước quan tâm theo dõi sát sao, đồng tình và đánh giá cao, các thế lực xấu, chống phá vẫn tìm mọi cách để xuyên tạc, nhào nặn nhằm hướng dư luận tới cái đích đen tối chúng mong muốn. Đó là đánh đồng hiện tượng một số cán bộ thoái hóa, biến chất để quy kết thành bản chất “đã là quan chức là tham nhũng”; là xuyên tạc, phủ nhận cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực…

Lợi dụng một bộ phận cán bộ, đảng viên được phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong các vụ án “chuyến bay giải cứu”, kit test Việt Á, các thế lực xấu, phần tử phản động, chống phá, bất mãn, cơ hội chính trị… đã lập lờ đánh đồng hiện tượng thành bản chất, quy chụp rằng toàn bộ đội ngũ cán bộ của Đảng, Nhà nước “đang rơi vào tình trạng tham nhũng, tiêu cực, thoái hóa, biến chất”. Họ lớn tiếng vu cáo rằng, đó là bản chất, là “căn bệnh nan y, kinh niên” của chế độ độc đảng cầm quyền. “Đi đầu”, “xung kích” trên mặt trận xuyên tạc, chống phá vẫn là những “khuôn mặt” không hề xa lạ. Họ “đào bới” đời tư một số cán bộ đã bị xử lý để rồi cắt ghép hình ảnh với những ngôi biệt thự, xe sang rồi dựng lên đó là “chứng cứ” quan chức “ở nhà lầu đi xe sang”. Họ phán rằng “Phòng, chống tham nhũng vẫn theo cách cũ thì hiệu quả là nước đổ biển”. Trong đó, trang RFA thực hiện loạt bài viết sai lệch, xuyên tạc về tình hình đấu tranh phòng, chống tham nhũng tại nước ta, cho rằng việc chống tham nhũng chỉ là “tỉa nhánh”, “sâu mọt càng bắt càng nhiều”…

Chúng bóp méo, nhào nặn các vụ án “chuyến bay giải cứu”, Việt Á để quy chụp rằng đó là “lỗi hệ thống”, phủ nhận chủ trương và hành động nhất quán “kiên quyết, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng, Nhà nước ta. Thậm chí, một số trang mạng chống phá như “Tiếng Dân” còn có những bài viết sai trái, quy chụp rằng, tham nhũng là do thể chế, do chế độ “đẻ ra” để rồi lộ rõ dụng ý đen tối rằng việc chống tham nhũng, tiêu cực không thể theo cách thức hiện nay mà muốn chống được tham nhũng phải thay đổi cấu trúc bộ máy, phải “phá bỏ tính chuyên chế, trao quyền cho người dân”.

Đập tan luận điệu xuyên tạc, sai trái lèo lái dư luận về 2 vụ đại án (2): Niềm tin vững chắc vào cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực  ảnh 2

Chính những ý đồ xấu xa trong việc lợi dụng các vụ án “chuyến bay giải cứu”, Việt Á đã làm lộ rõ cái đích mà các thế lực thù địch, phản động, bất mãn và cơ hội chính trị muốn nhắm tới. Chúng muốn lợi dụng các vụ án này nhằm phủ nhận cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đang “rực lửa” ở nước ta; muốn hạ thấp uy tín, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng ta trong công cuộc đang được người dân cả nước tin tưởng, đánh giá cao, và nguy hiểm hơn là phủ định vai trò lãnh đạo của Đảng ta.

Nhất quán quan điểm “ba không” trong phòng, chống tham nhũng, tiêu cực

Những chiêu trò tung ra cùng ý đồ đen tối trong việc lợi dụng các vụ án tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng “chuyến bay giải cứu”, Việt Á thực ra chẳng có gì mới mẻ nếu nhìn vào những hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước ra xuyên suốt thời gian qua của các thế lực thù địch, phản động. Song thực tế sống động cũng đã khẳng định những toan tính, âm mưu ấy dù thâm hiểm hay tinh vi đến đâu cũng “chẳng nên cơm nên cháo gì”. Bởi những gì đang diễn ra hàng ngày, hàng giờ trên đất nước ta đã bác bỏ hoàn toàn và đầy thuyết phục những luận điệu xuyên tạc, vu cáo của những kẻ, thế lực cố tình quay ngược bánh xe lịch sử.

Đảng ta không hề né tránh mà từ lâu đã thẳng thắn nhìn nhận, tình hình tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, là thách thức lớn đối Đảng và Nhà nước; mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng vẫn chưa đạt được, nhất là sau Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI diễn ra tháng 1-2011. Với quyết tâm mạnh mẽ ngăn chặn và đẩy lùi tham nhũng, Ban chấp hành Trung ương - cơ quan lãnh đạo cao nhất giữa hai kỳ Đại hội Đảng - tại Hội nghị Trung ương lần thứ 5 diễn ra tháng 5-2012 đã thông qua chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Triển khai thực hiện chủ trương của Ban Chấp hành Trung ương, ngày 1-2-2013, Bộ Chính trị đã ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng để chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng trên cả nước. Chỉ 3 ngày sau khi Bộ Chính trị ký ban hành Quyết định, ngày 4-2-2013, tại Trụ sở Trung ương Đảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng gồm 16 thành viên do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm Trưởng ban đã ra mắt và họp Phiên thứ nhất.

Trong hơn 10 năm qua sau khi Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng được thành lập, hàng loạt vụ án, đại án tham nhũng đã được đưa ra xét xử với số lượng cán bộ đảng viên, nhất là cán bộ cấp cao, bị xử lý nhiều hơn bất cứ một giai đoạn nào trước đó. Phòng, chống tham nhũng giờ đây được thực hiện ở diện rộng hơn, đi vào chiều sâu và thực chất; từ bị động, đang dần chuyển sang trạng thái chủ động tấn công, nhất là vào những nguyên nhân căn cơ, gốc rễ, qua đó, củng cố niềm tin của đảng viên và nhân dân vào công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng, cũng như vai trò của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Với quyết tâm và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, công tác phòng, chống tham nhũng trong hơn 10 năm qua đã được đẩy mạnh chưa từng có, mang lại những kết quả mang tính bước ngoặt. Việc xử lý nhanh chóng, quyết liệt, dứt khoát với nguyên tắc “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không có điểm dừng”, bất kỳ ai dù giữ chức vụ cao đến đâu nếu vi phạm pháp luật đề bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật là minh chứng, là sự khẳng định mạnh mẽ quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng và Nhà nước ta.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, đã thi hành kỷ luật 270 tổ chức Đảng, gần 10 nghìn đảng viên, trong đó có gần 4.000 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống, vi phạm những điều đảng viên không được làm. Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã thi hành kỷ luật 91 cán bộ diện Trung ương quản lý, trong đó có 17 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 23 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang (tăng gần 2 lần so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII). Các cơ quan chức năng đã chuyển gần 1.200 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan điều tra để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật (tăng gần 2 lần so với cả nhiệm kỳ Đại hội XII).

Có thể khẳng định, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí đã thu được những kết quả rất quan trọng, góp phần vào thành tựu chung của đất nước, tạo không khí phấn khởi trong xã hội, tăng cường niềm tin trong nhân dân với Đảng và chế độ. Những nỗ lực trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Việt Nam là một trong những chủ đề thu hút nhiều sự quan tâm, ghi nhận của báo chí quốc tế. Thập kỷ qua, Việt Nam tăng hơn 30 bậc về chỉ số nhận thức tham nhũng, theo xếp hạng của Tổ chức Minh bạch thế giới (TI). Báo cáo Chỉ số cảm nhận tham nhũng (CPI) năm 2022 do TI công bố cuối tháng 1-2023, Việt Nam là 1 trong số 6 quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tiến bộ nổi trội nhất trong chống tham nhũng, với 42 điểm, tăng 9 điểm kể từ năm 2018. Đó chính là sự bác bỏ thuyết phục nhất với mọi toan tính muốn lợi dụng các vụ án “chuyến bay giải cứu”, Việt Á hay các vụ án tham nhũng, tiêu cực để chống phá Đảng, Nhà nước ta.

Xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng để tạo dựng niềm tin và thúc đẩy sự phát triển

“Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Điều này là không thể phủ nhận và là minh chứng rõ nhất để đập tan những thông tin sai sự thật, bóp méo, quy chụp, xuyên tạc” - Đó là khẳng định của luật sư Giang Hồng Thanh - Trưởng Văn phòng Luật sư Giang Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) và là luật sư đã, đang tham gia rất nhiều phiên xét xử “đại án” về tham nhũng, tiêu cực trong cuộc trao đổi với phóng viên An ninh Thủ đô.

- Phóng viên: Hiện nay, các cơ quan chức năng vẫn đang tích cực xử lý các vụ án về tham nhũng, điển hình là vụ án “chuyến bay giải cứu” và vụ án Việt Á. Tuy nhiên, những thế lực thù địch đã lợi dụng các vụ án này để thông tin sai sự thật, bóp méo, quy chụp, xuyên tạc về đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ta. Trong đó, có luận điệu cho rằng những vụ án tham nhũng lớn vừa qua phơi bày thực trạng xấu của cán bộ biến chất “hành dân”, nhân lúc hoạn nạn “bày trò” để vơ vét, đục khoét, trục lợi tiền của nhân dân. Xin luật sư cho biết quan điểm của ông về luận điệu xuyên tạc này?

- Luật sư Giang Hồng Thanh - Trưởng Văn phòng Luật sư Giang Thanh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội): Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân ta. Ngay từ khi nước nhà mới thành lập, vụ án tham nhũng nổi tiếng Trần Dụ Châu (năm 1950) đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu chỉ đạo điều tra và kiên quyết xử lý với mức hình phạt cao nhất. Hiện nay, hệ thống pháp luật ngày càng được hoàn thiện và kiện toàn. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực; được nhân dân hoan nghênh, đồng tình, ủng hộ; được các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá tích cực. Tham nhũng, tiêu cực từng bước được kiềm chế, ngăn chặn, góp phần quan trọng giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội. Điều này là không thể phủ nhận và là minh chứng rõ nhất để đập tan những thông tin sai sự thật, bóp méo, quy chụp, xuyên tạc.

Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được ví như là chống “giặc nội xâm”, đây là một nhiệm vụ khó khăn, lâu dài, phức tạp, không phải một sớm một chiều mà đạt được kết quả. Tuy nhiên, qua công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Đảng và Nhà nước đã loại bỏ được ra khỏi bộ máy những cán bộ, công chức thoái hóa, biến chất, suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống. Nếu những người này không bị phát hiện, xử lý mà họ vẫn còn tại vị, thì chắc chắn niềm tin của quần chúng đối với sự lãnh đạo của Đảng sẽ suy giảm. Nhưng khi Đảng kiên quyết, quyết liệt đấu tranh, thì đồng nghĩa với việc càng có nhiều người vi phạm bị đưa ra ánh sáng, thì sự tin tưởng của nhân dân sẽ càng gia tăng.

- Với các vụ án tham nhũng gần đây nói chung và với hai vụ án “chuyến bay giải cứu”, Việt Á nói riêng, ông có thể chia sẻ nhìn nhận, quan điểm của mình về sự quyết liệt, quyết tâm, “không có vùng cấm” của Đảng, Nhà nước ta cũng như các cơ quan tố tụng trong đấu tranh phòng, chống, xử lý tội phạm về tham nhũng?

- Sự nhất quán trong đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước ta đối với công tác phòng, chống tham nhũng là: “Không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, không chịu sức ép của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào”.

Về khuôn khổ pháp lý, chúng ta đã có các văn bản quy phạm pháp luật mang tính đặc thù trong công tác đấu tranh, phòng ngừa, xử lý tội phạm về tham nhũng như Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 (Chương XXIII - Nhóm các tội phạm tham nhũng và các tội phạm về chức vụ); Luật Phòng chống tham nhũng; Nghị định số 59/2019/NĐ-CP và Nghị định số 134/2021/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Phòng chống tham nhũng; Nghị quyết số 03/2020/NQ-HĐTP ngày 30-12-2020 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự trong xét xử tội phạm tham nhũng và tội phạm khác về chức vụ...

Về bộ máy lãnh đạo, chỉ đạo công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, có Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (hay còn gọi là Ban Chỉ đạo cấp tỉnh).

Về cơ quan trực tiếp thực thi pháp luật phòng, chống tham nhũng, có Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án các cấp. Với bộ máy hoạt động đồng bộ từ Trung ương đến địa phương như vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi ngày càng có nhiều vụ “đại án” về tham nhũng được đưa ra ánh sáng, có nhiều cán bộ lãnh đạo cấp cao trực tiếp hoặc gián tiếp liên quan đến tham nhũng bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự một cách nghiêm minh, nhanh chóng, kịp thời.

Bên cạnh việc trừng trị tội phạm về tham nhũng, Đảng và Nhà nước ta cũng có những chính sách nhân văn, nhân đạo đối với cán bộ vi phạm đã nhận thức được sai lầm, tích cực khắc phục hậu quả. Một điều dễ nhận thấy là đa phần người vi phạm khi bị xử lý đều tâm phục, khẩu phục, nói lời xin lỗi Đảng, Nhà nước, nhân dân vì hành vi trái pháp luật của bản thân. Bản án sơ thẩm sau khi được ban hành thì số lượng người kháng cáo chỉ chiếm thiểu số trong tổng số người bị xử lý, và lý do kháng cáo hầu hết là mong tiếp tục nhận được sự khoan hồng của pháp luật để giảm nhẹ hình phạt, ít có trường hợp kêu oan... Điều này cho thấy hiệu quả rõ rệt của công tác phòng, chống đi đôi với cảm hóa, vừa răn đe nhưng cũng vừa bao dung, nhân ái của pháp luật và của các cơ quan tố tụng.

- Vụ án “chuyến bay giải cứu” hiện đang chuẩn bị bước vào giai đoạn phúc thẩm tiếp theo; vụ án Việt Á đã hoàn tất kết luận điều tra; ở mỗi vụ án, căn cứ vào chức năng, thẩm quyền, các cơ quan tố tụng đều có những kiến nghị xác đáng hoặc quyết định tách, rút hồ sơ để tiếp tục đấu tranh, làm rõ, xử lý nghiêm minh ở giai đoạn tiếp theo. Theo ông, điều này có phù hợp với quy định pháp luật, phù hợp với thực tiễn để không bỏ sót, lọt tội phạm?

- Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã quy định rõ trình tự, thủ tục khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, nhằm đảm bảo việc phát hiện, xác định tội phạm và người phạm tội được chính xác, xử lý nghiêm minh, không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội, đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, của công dân.

Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 quy định rõ thẩm quyền của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát trong việc quyết định tách vụ án hình sự (khoản 2, Điều 170 và khoản 2, Điều 242, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015) để đảm bảo việc giải quyết các vụ án hình sự nhanh chóng, đúng quy định pháp luật nhưng không làm ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự, tùy từng trường hợp cụ thể Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát có thể tách vụ án hình sự.

Cơ quan điều tra chỉ được tách vụ án trong trường hợp cần thiết khi không thể hoàn thành sớm việc điều tra đối với tất cả các tội phạm và nếu việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện của vụ án. Viện kiểm sát quyết định tách vụ án nếu xét thấy việc tách đó không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan, toàn diện và đã có quyết định tạm đình chỉ vụ án đối với bị can bỏ trốn, bị can mắc bệnh hiểm nghèo, bị can bị áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

“Chuyến bay giải cứu” và Việt Á là hai vụ án rất lớn, tính chất tội phạm đặc biệt nghiêm trọng với diễn biến vô cùng phức tạp, hành vi xảy ra ở nhiều nơi, trong một thời gian dài, liên quan đến nhiều cá nhân, tổ chức, thuộc nhiều lĩnh vực. Vì vậy, việc cơ quan tiến hành tố tụng đưa ra những kiến nghị, quyết định tách, rút hồ sơ để tiếp tục đấu tranh, làm rõ, xử lý nghiêm minh đối với những cá nhân có dấu hiệu phạm tội nhưng chưa đủ căn cứ vững chắc để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử là hoàn toàn có cơ sở và phù hợp với thực tiễn khách quan khi giải quyết loại án này. Việc tách vụ án, rút hồ sơ để giải quyết tiếp ở giai đoạn sau là rất cần thiết, giúp cho quá trình giải quyết được triệt để, tránh bỏ lọt tội phạm và cũng không làm oan người vô tội.

- Trân trọng cảm ơn luật sư Giang Hồng Thanh!

Trịnh Tuyến (Thực hiện)

(Còn nữa)