Đề xuất thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia:

"Đánh thức" 500 tấn vàng đang "ngủ"

ANTĐ - Đề xuất thành lập Sở Giao dịch vàng quốc gia của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam nhằm huy động vàng trong dân đã nhận được ý kiến nhiều chiều từ các chuyên gia cũng như dư luận. Chính phủ cũng vừa đưa ra quan điểm trước đề xuất này. 

"Đánh thức" 500 tấn vàng đang "ngủ" ảnh 1Các chuyên gia cho rằng, 500 tấn vàng trong dân vẫn chỉ là con số ước tính 

Hai luồng ý kiến

Theo Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, trong nhiều năm qua, Việt Nam chủ yếu nhập khẩu vàng trong khi xuất khẩu không đáng kể. Do vậy, lượng vàng trong dân hiện nay còn rất lớn, ước tính khoảng 500 tấn. Để góp phần huy động vàng có hiệu quả, Ngân hàng Nhà nước cần nghiên cứu để sớm thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia. 

“Thông qua Sở giao dịch vàng quốc gia, Nhà nước có thể phát hành chứng chỉ vàng, hoặc trái phiếu vàng để huy động vàng trong dân. Ngoài ra, Sở giao dịch vàng quốc gia cũng góp phần giảm bớt nhu cầu giao dịch vàng vật chất, giảm đáng kể lượng ngoại tệ để nhập khẩu vàng; loại bỏ những loại hình giao dịch vàng bất hợp pháp…”, đại diện Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam phân tích. 

Đây không phải là một đề xuất mới, bởi từ năm 2010, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển (BIDV) đã đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia. Qua đó, sẽ xây dựng hệ thống và quy định về giao dịch, hệ thống thanh toán cũng như các vấn đề về lưu trữ, vận chuyển và đảm bảo chất lượng vàng. Các vấn đề về quản lý rủi ro, đảm bảo minh bạch trên thị trường cũng sẽ được tuân thủ. Đề xuất tương tự cũng đã từng được Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia nêu ra. 

Trước đề xuất của Hiệp hội Kinh doanh vàng Việt Nam, nhiều ý kiến đồng tình bởi việc thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia sẽ tạo điều kiện giúp thị trường minh bạch, giá vàng trong nước sẽ bắt nhịp với giá vàng thế giới, tránh tình trạng đầu cơ, làm giá... Đồng thời, định chế này cũng sẽ góp phần thu hút nguồn lực vàng đang “ngủ quên” trong dân chúng. 

Tuy nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng, việc thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia ở thời điểm hiện tại chưa khả thi. TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính, ngân hàng cho rằng, thành lập sàn vàng phải đáp ứng các điều kiện về quy mô, mức độ vàng hóa trong nền kinh tế, sự liên thông thị trường vàng trong nước và quốc tế. Thông thường mở sàn vàng phải theo lộ trình 2 giai đoạn, một là vàng vật chất và hai là vàng tài khoản, có nghĩa cho phép cả nước ngoài vào, vì vậy phải có tính liên thông với quốc tế. 

“Rõ ràng, khả năng đáp ứng những điều kiện này của chúng ta là chưa rõ ràng. Nếu chúng ta không cẩn thận, khi lập sàn vàng có thể quay lại hiện tượng vàng hóa cao hơn trong nền kinh tế, vì hiện tượng đầu cơ tích trữ ngày càng tăng hơn”, ông Cấn Văn Lực đánh giá.

Vốn vàng đang dịch chuyển

Liên quan tới đề xuất thành lập Sở giao dịch vàng quốc gia, Văn phòng Chính phủ cho biết, sau 4 năm Ngân hàng Nhà nước nỗ lực triển khai các giải pháp đồng bộ để quản lý thị trường vàng theo Nghị định 24/2012/NĐ-CP của Chính phủ, đến nay, thị trường vàng đang diễn biến ổn định, biến động của giá vàng không còn tác động lớn đến tỷ giá, thị trường ngoại tệ cũng như ổn định kinh tế vĩ mô. Nhu cầu về vàng miếng ngày càng giảm. Tình trạng “vàng hóa” trong nền kinh tế đã từng bước được ngăn chặn, nguồn vốn bằng vàng đang có xu hướng dịch chuyển sang các kênh đầu tư khác. Hiện nay, quản lý hoạt động mua, bán vàng miếng đã đi vào nề nếp và cơ bản đáp ứng nhu cầu của người dân.

Theo chỉ đạo của Chính phủ, hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu, đánh giá, tổng kết Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, có đề xuất giải pháp quản lý thị trường vàng hiệu quả hơn trong thời gian tới, theo hướng tiếp tục duy trì sự ổn định thị trường vàng, ngăn chặn tình trạng “vàng hoá” trong nền kinh tế, tạo tiền đề để tiếp tục chuyển hoá nguồn lực vàng, phục vụ phát triển kinh tế xã hội.

Tất cả các ý kiến đề xuất thành lập hay phản đối thành lập sàn vàng đều là những ý kiến để Ngân hàng Nhà nước phân tích, cân nhắc hết sức thận trọng trước khi đưa ra các biện pháp quản lý thị trường vàng theo đúng chủ trương của Chính phủ.

Được biết, Đề án lập sàn vàng quốc gia nằm trong kế hoạch chiến lược quản lý của Vụ Quản lý ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước). Tuy nhiên, để triển khai định chế này, phải theo từng bước và đúng thời điểm khi hội tụ đủ điều kiện. Các chuyên gia cũng cho rằng, hiện tại, cần đánh giá một cách chi tiết hơn về lượng vàng trong dân thay vì những phỏng đoán mơ hồ.