Ngân hàng nhà nước mua vàng của dân: Khó hơn lên trời!

ANTĐ - Đầu năm đã có tin mừng, Chính phủ đã giao cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong năm 2014 này chuẩn bị các điều kiện kỹ thuật và pháp lý để huy động vàng trong dân, ước tính lên đến hàng trăm tấn, nhằm phục vụ phát triển kinh tế. Thú thật, mấy chục năm dành dụm, cả nhà tôi có hơn 2 cây vàng phòng thân. Trước thì cũng gửi ngân hàng lấy chút lãi còm, lãi là ví dụ nhưng bảo toàn vốn là quan trọng. 

Nhưng từ ngày được ngân hàng trả vàng do NHNN không cho huy động vốn bằng vàng nữa, ôm có hơn 2 cây vàng mà cả nhà tôi sống không yên. Này thì sợ trộm cắp, này thì sợ các con cái nó biết nó… vay mất, để trong người thì nguy hiểm, tủ thì vỗ nhẹ cũng bung cánh, chôn thì nhà chung cư, sàn bê tông, có đục cũng không thành lỗ… May quá, Nhà nước đã chính thức huy động vàng trong dân, số vàng lên đến 600 tấn chứ chả ít. 

Thế nhưng, đọc kỹ các chủ trương về huy động vàng, tôi bỗng toát mồ hôi. Toát mồ hôi vì lại phải tìm cách giấu đi đâu hơn 2 lượng vàng nhỏ như con thỏ mà đẫm mồ hôi mấy chục năm dành dụm.

Ngân hàng Nhà nước sẽ mua vàng của dân

Trong lúc chúng ta đang tạo mọi ưu đãi để thu hút vốn nước ngoài (FDI), thậm chí đôi lúc biết rõ các doanh nghiệp ngoại trốn thuế hàng trăm triệu USD mà cũng phải nhắm mắt cho qua, thì hàng tỷ, hàng chục tỷ USD đang nằm không trong các ống bơ nhà dân, tạo ra bao nhiêu phiền lụy. Nhưng thu hút thế nào? Về phương pháp huy động, NHNN đã khẳng định không huy động bằng hình thức truyền thống là thu hút dân gửi vàng lấy lãi tại các ngân hàng, vì nó sẽ làm trầm trọng thêm nạn vàng hóa; vì người dân sẽ có xu hướng chuyển sang đầu tư vào vàng rồi gửi vào hệ thống ngân hàng, vừa có lãi lại vừa bảo toàn được giá trị tài sản của mình trước biến động của lạm phát. Thay vào đó, NHNN chủ trương sẽ mua vàng trong dân.

Mua vàng của dân thì không có gì mới. Ngay bây giờ, nếu muốn bán, dân chúng tôi cũng có thể mang ra hàng vàng để bán. Cái vấn đề ở chỗ tỷ lệ lạm phát hàng năm của chúng ta nó vẫn cỡ 7-8%, mà lại không chắc chắn nó chỉ nằm ở mức ấy trong những năm tiếp theo. Bán để ôm tiền đồng thì lo hơn là giữ vàng. 

Như vậy, để dân bán vàng hoặc hy sinh quyền giữ vàng của mình chỉ có hai trường hợp. Một là đất nước cần đến nghĩa vụ đóng góp của mỗi người dân cho đất nước,  hai là Nhà nước phải có phương cách để bảo vệ lợi ích cho người dân. Trường hợp thứ nhất thì hiện nay không có, trường hợp thứ hai thì càng khó. Khó vì chính các chính sách đối với thị trường vàng.

Đang bán ra, mua vàng làm sao?

Vẫn biết việc thu hút vàng nhàn rỗi trong dân là đúng, nhưng NHNN vẫn không thể làm được. Lý do thì có quá nhiều. 

Nếu giả sử NHNN chủ trương mua vàng của dân sẽ có 2 khó khăn không thể vượt qua được. Thứ nhất là khi mua vàng của dân với khối lượng lớn, sẽ làm thị trường thiếu hụt và NHNN sẽ lại tăng lượng vàng đấu thầu. Như vậy là trái với chủ trương bình ổn thị trường vàng đã thực hiện suốt năm 2013 và đã đạt được thành tích lớn, không chỉ bình ổn mà còn tiêu diệt thị trường vàng. Chưa kể việc mua vàng của NHNN (với quy mô đáng kể) sẽ đẩy giá vàng lên theo. Như thế, tác động của việc bán vàng qua đấu thầu của NHNN để “bình ổn thị trường vàng”, nếu có, sẽ bị triệt tiêu hoàn toàn hoặc một phần bởi việc mua vàng trong dân của NHNN. Nếu quy mô mua vàng từ dân không nhiều thì sự thiếu cung (tương đối so với cầu về vàng đã tăng lên) sẽ không trầm trọng, và giá vàng trong nước sẽ chịu ít áp lực tăng hơn. Nhưng như thế, NHNN lại không hoàn thành tốt nhiệm vụ huy động vàng trong dân do Chính phủ giao, vì lượng vàng mua được là không đáng kể so với quy mô có thể huy động. Ngược lại, nếu quy mô mua vàng của NHNN ở mức đáng kể, ví dụ vài chục hoặc hàng trăm tấn, thì chắc chắn sẽ châm ngòi cho một đợt tăng giá phi mã của giá vàng trong nước, đẩy thị trường vàng trong nước vào tình trạng hỗn loạn, đầu cơ tái phát v.v... là những điều “kỵ” trong chính sách quản lý vàng hiện nay của NHNN, khi nhấn mạnh đến hai chữ “bình ổn”.

Còn một sự khó, sự khó đến mức không thể vượt qua, đó là NHNN sẽ mua vàng với giá nào? Hiện nay, giá bán vàng qua đấu thầu của NHNN cao hơn giá vàng thế giới đáng kể, cỡ khoảng 3 triệu đồng/lượng. Vậy NHNN có mua vàng của dân cao hơn giá vàng thế giới không, khi mà với vai trò độc quyền nhập khẩu vàng, lúc nào NHNN cũng có thể mua vàng trên thị trường thế giới? Với sự thiếu hụt ngân sách như hiện nay, rất khó để NHNN bỏ hàng trăm nghìn tỷ đồng bù lỗ cho việc mua vàng dự trữ trong dân. Có nghĩa là NHNN không thể bảo vệ được lợi ích của người đang giữ vàng. Kết quả chúng ta có thể thấy ngay: Không có mấy ai bán vàng với giá thấp để NHNN mua. Tóm lại, có thể thấy trước được tình trạng bất khả thi khi phải đáp ứng và giải quyết được những mục tiêu và vấn đề mâu thuẫn trong cơ chế quản lý và huy động vàng như hiện tại của NHNN. Giải pháp duy nhất là phải bỏ đi hoặc gác lại mục tiêu bình ổn thị trường vàng nếu muốn thực hiện mua vàng dự trữ trong dân.

Nhưng mà mua vàng của dân để làm gì?

Nhìn đống vàng trong dân thì tiếc thật, nhưng quả thật là nếu NHNN mua vàng thì cũng không biết dùng làm gì. Mua cao bán thấp ôm lỗ thì không thể được rồi. Mua vàng rầm rộ, bơm ra thị trường hàng triệu tỷ đồng, lạm phát không chỉ là nguy cơ mà sẽ thấy ngay tức thì. Điều ấy không cần phải là chuyên gia kinh tế cũng thấy. Nhưng quan trọng hơn là ôm số vàng đó làm gì? Bán đi để bơm vốn cho nền kinh tế ư? Không! Huy động vàng để bán ra lấy tiền đồng nhằm tăng cung tiền thì lúc này Ngân hàng Trung ương đâu có thiếu tiền. Hơn nữa, nền kinh tế lúc này khó mà hấp thụ được lượng vốn lớn, doanh nghiệp lại đang khó khăn, hàng tồn kho lớn, sức mua kém, tăng trưởng tín dụng vẫn vượt dốc, đầu tư công bị cắt giảm…Các ngân hàng thương mại đang thừa vốn, thậm chí đang đau khổ vì không biết mang tiền cho ai vay. Mặt khác, dự trữ ngoại hối của chúng ta cũng đang ở mức cao nhất trong hàng chục năm. Nghĩa là nền kinh tế chúng ta đang chưa cần đến vốn, nhất là để có số vốn đó chúng ta sẽ phải trả giá cao theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. 

Có một ví dụ rất cụ thể, hiện nay các ngân hàng thương mại đang nhận giữ hộ vàng có thu phí cho dân để người dân yên tâm không phải bảo quản tài sản tại nhà. Theo số liệu được thống kê thì số lượng này cũng không nhỏ tại thời điểm này.

Đã có ý kiến tư vấn từ chính các ngân hàng thương mại, nếu số vàng này Ngân hàng trung ương thu gom lại và chuyển môt phần qua vốn tiền đồng đưa vào lưu thông thì không những không phải trả lãi mà có được ngay lượng vốn rất lớn để phục vụ phát triển kinh tế. Nhưng NHNN đã lắc đầu: Không cần!

Vậy thì mong gì tôi thoát khỏi tình cảnh ngồi ôm 2 cây vàng như ôm mối lo vào người. Nhưng bây giờ đem gửi thì mất tiền, đã không ra mà lại mất thì cũng không ngủ được. 

Làm thế nào bây giờ?