Đánh nứt sọ đồng nghiệp bằng ghế sắt

ANTĐ - Y sĩ Đô dùng cái ghế sắt đó đánh liên tiếp 3 phát vào đầu tôi. Choáng quá, tôi ngã gục xuống nền nhà của phòng làm việc. Thấy tôi ngã xuống, y sĩ Đô lại tiếp tục lao vào đấm đá vào người tôi. Đau quá, tôi cũng không biết phải làm sao...

Một nữ dược sĩ tố cáo một số cán bộ Phòng Giám định y khoa (GĐYK) tỉnh Bình Phước tham nhũng, tiêu cực và đã có thông báo kết quả của Đảng ủy khối cơ quan dân chính Đảng là tố cáo đúng. Điều này khiến nhiều người bị tố cáo hậm hực. Một đồng nghiệp nam đã dùng ghế sắt đánh vào đầu nữ dược sĩ này dẫn đến nứt sọ trán.

Đánh nứt sọ trán đồng nghiệp

Ngày 26/6/2012, tại phòng làm việc của Phòng GĐYK tỉnh Bình Phước đã xảy ra vụ đánh đồng nghiệp phải đi cấp cứu. Nạn nhân là chị Trần Thị Kiều Oanh, dược sĩ - nhân viên của phòng bị nam y sĩ Nguyễn Xuân Đô dùng ghế sắt đánh vào đầu tại phòng làm việc. Ngày 28/6, theo kết quả chụp CT ban đầu tại Bệnh viện Đa khoa Thánh Tâm (tỉnh Bình Phước), chị Trần Thị Kiều Oanh, nạn nhân bị đánh vào chiều 26/6 bị nữ sọ trán.

 

Lúc chúng tôi đến Bệnh viện Thánh Tâm, chị Oanh đang được người nhà chăm sóc vì vết thương nứt sọ trán khiến chị cảm giác khó thở và đau đầu. Phải mất nhiều lần lấy sức cùng sự cắn răng chịu đựng, chị Oanh mới nói chuyện được với chúng tôi trong hơi thở ngắt quãng, vẫn chưa hết bàng hoàng, chị Oanh kể lại: "Khoảng 16 giờ 30 phút ngày 26/6, trong phòng làm việc chỉ có tôi, chị Quyên và y sĩ Nguyễn Xuân Đô, lúc đó tôi đang định đứng dậy đi về thì nghe tiếng chửi nhỏ: "đồ chó". Thấy vậy, tôi quay lại nhìn thì thấy y sĩ Đô đang ra hiệu cho chị Quyên đứng dậy ra ngoài. Khi chị Quyên đứng dậy, vừa đi ra ngoài thì y sĩ Đô đá mạnh chân vào cái ghế sắt mà chị Quyên mới đứng dậy.

Ngay sau đó, y sĩ Đô dùng cái ghế sắt đó đánh liên tiếp 3 phát vào đầu tôi. Choáng quá, tôi ngã gục xuống nền nhà của phòng làm việc. Thấy tôi ngã xuống, y sĩ Đô lại tiếp tục lao vào đấm đá vào người tôi. Đau quá, tôi cũng không biết phải làm sao, không thể di chuyển được mà chỉ biết nằm im chịu trận rồi ngất xỉu. Khi tỉnh dậy thì không có ai ở trong phòng, tôi liền kêu cứu, gọi điện thoại cho cha mình và gọi điện cho Công an xã Tiến Thành (vì Phòng GĐYK thuộc Sở Y tế tỉnh Bình Phước nhưng nằm trong trụ sở Bệnh viện Đa khoa Bình Phước tại xã Tiến Thành, thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước - PV). Sau đó, Công an xã Tiến Thành đến, mời chúng tôi về trụ sở làm việc. Lúc này cậu tôi cũng vừa đến nơi, đưa tôi lên Công an xã Tiến Thành".

"Khi tôi đến nơi, thấy cháu Oanh đang nằm co ro trên ghế với vẻ mặt tái mét, hoảng loạn. Lúc đó Công an xã Tiến Thành yêu cầu Oanh về trụ sở làm việc nên tôi bắt taxi cho cháu Oanh, còn mình chạy xe máy theo sau. Sau khi làm việc xong, hai cậu cháu tính về nhà thì cháu Oanh kêu đau đầu quá nên tôi bắt taxi xuống Bệnh viện Thánh Tâm (đóng trên địa xã Tiến Hưng, thị xã Đồng Xoài - PV) cấp cứu. Lúc này, bác sĩ Đoàn Đức Loát – Trưởng phòng GĐYK nói phải để cháu Oanh khám và điều trị tại bệnh viện tỉnh. Tuy nhiên, tôi nói thẳng với bác sĩ Loát: "Chúng tôi muốn đưa cháu Oanh về dưới bệnh viện Thánh Tâm điều trị ở đó, sao lại bắt cháu chữa trị theo yêu cầu của ông?", ông Đỗ Ngọc Viễn - cậu chị Oanh bức xúc cho biết thêm.

Cũng theo chị Oanh, chị đã nhiều lần bị y sĩ Đô đánh đập ngay tại phòng làm việc, đồng thời bị những đồng nghiệp khác nhục mạ vì chị dám tố họ. Những y bác sĩ Phòng GĐYK này câu kết với bác sĩ Đoàn Đức Loát nhận tiền đút lót của bệnh nhân, đồng thời tham những số tiền 143 triệu đồng xin từ các công ty cao su trên địa bàn tỉnh Bình Phước và tiền chênh lệch từ việc bán giấy khám sức khỏe.

Hàng loạt tiêu cực tại Phòng GĐYK

Trước đó, chị Oanh liên tục nhận được những lời chửi bới, đe dọa vì nữ dược sĩ này đã tố cáo cấp trên cùng đồng nghiệp của mình sai phạm trong quá trình công tác tại Phòng GĐYK như thu chi sai quy đinh, đuổi việc cấp dưới sai thẩm quyền và tham nhũng...

Liên quan đến việc nữ dược sĩ Oanh tố cáo hàng loạt tiêu cực, tham nhũng xảy ra tại Phòng GĐYK tỉnh Bình Phước, Ban thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh Bình Phước về phòng chống tham những đã đề nghị Giám đốc Sở Y tế Bình Phước chỉ đạo các đơn vị chức năng thẩm tra, xác minh, xử lý dứt điểm những tố cáo của nữ dược sĩ Oanh, đồng thời báo cáo về Văn phòng Ban chỉ đạo tỉnh Bình Phước trước ngày 6/7.

Ngày 14/11/2011, nữ dược sĩ Trần Thị Kiều Oanh đã bị cấp trên là bác sĩ Đoàn Đức Loát ngang nhiên ra Thông báo số 115/GĐYK về việc không tiếp tục sử dụng lao động đối với chị. Trước đó vào các năm 2008, 2009, dược sĩ Oanh được Sở Y tế tỉnh Bình Phước ký hợp đồng lao động với thời hạn từng năm một đối với chị và điều chị về công tác tại Phòng GĐYK tỉnh Bình Phước. Sau khi hợp đồng lao động năm 2009 hết hạn vào ngày 6/10/2010, nhưng mãi đến ngày 5/1/2011, Sở Y tế tỉnh Bình Phước mới ra quyết định về việc hợp đồng tiếp viên chức đối với chị Oanh nhưng chỉ có thời hạn 1 năm.

Như vậy, căn cứ theo Điều 27 Bộ luật Lao động (sủa đổi bổ sung ngày 2/4/2002) và khoản 4 Nghị định số 44/2003/NĐ-CP ngày 9/5/2003 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động thì hợp đồng của chị Oanh là hợp đồng không xác định thời hạn. Điều 27 Bộ luật Lao động nêu rõ: "... Trong thời gian chưa ký được hợp đồng lao động mới, hai bên phải tuân theo hợp đồng lao động đã giao kết. Khi hết thời hạn 30 ngày mà không ký hợp đồng lao động mới, hợp đồng lao động đã giao kết trở thành hợp đồng không xác định thời hạn...".

Dù sao đi chăng nữa thì Quyết định số 18/QĐ-TC của Sở Y tế về việc hợp đồng tiếp viên chức đối với dược sĩ Trần Thị Kiều Oanh trong vòng một năm (đến hết ngày 5/1/2012) là vẫn còn hiệu lực cho đến ngày 24/11/2011. Việc ra thông báo không tiếp tục sử dụng lao động đối với nữ dược sĩ Trần Thị Kiều Oanh của bác sĩ Trưởng phòng GĐYK Đoàn Đức Loát là trái quy định và vi phạm Bộ luật Lao động. Chính vì vậy, ngày 22/11/2011, Sở Y tế có Công văn số 755/SYT-TCCB yêu cầu Phòng GĐYK tiếp tục sử dụng lao động đối với chị Trần Thị Kiều Oanh.

 

Tiếp đến, chị Oanh cũng nhiều lần tố cáo những hành vi tham nhũng của một số cán bộ, y bác sĩ Phòng GĐYK như nhận tiền của các đối tượng đến khám để hưởng chế độ chính sách, nghỉ hưu trước tuổi, nạn nhân chất độc da cam, thương binh, bệnh binh... Ngoài ra, bác sĩ Đoàn Đức Loát cũng chỉ đạo cấp dưới làm công văn gửi các công ty cao su trên địa bàn tỉnh Bình Phước để xin kinh phí ủng hộ hội nghị của phòng. Tuy nhiên, theo dược sĩ Oanh thì từ khi vào làm việc đến nay chưa khi nào chị thấy Phòng GĐYK tổ chức hội nghị nào cả. Và số tiền khoảng 41 triệu đồng thực chất là chia vào túi những cán bộ chung xuồng với bác sĩ Đoàn Đức Loát. Ngoài ra, bác sĩ Loát và kế toán Trần Thị Lâm còn bán giấy khám sức khỏe để thu lời chênh lệch cho các đơn vị y tế khác mà không yêu cầu các đơn vị này sử dụng mẫu giấy khám sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế.

Những sai phạm mà nữ dược sĩ Oanh tố cáo đều được Đảng ủy khối Cơ quan Dân chính Đảng kết luận là đúng. Cụ thể gồm: việc nhũng nhiễu nhận tiền sau khi khám cho người bệnh của bác sĩ Đoàn Đức Loát; việc bác sĩ Loát làm văn bản xin tiền các công ty cao su trên địa bàn tỉnh với số tiền 41 triệu đồng; việc bán giấy khám sức khỏe thu tiền chênh lệch 102 triệu đồng; việc thu chi sai mục đích của bác sĩ Đoàn Đức Loát.

Đối với việc y sĩ Nguyễn Xuân Đô dùng ghế sắt đánh vào đầu đồng nghiệp nữ dược sĩ Trần Thị Kiều Oanh cũng đang được cơ quan điều tra Công an thị xã Đồng Xoài tiến hành điều tra, làm rõ.