Đánh mạnh tội phạm buôn thuốc lá lậu

ANTD.VN - Thời gian qua, trình trạng buôn lậu thuốc lá lại gia tăng và diễn biến phức tạp, đặc biệt tại địa bàn các tỉnh biên giới Tây Nam, trong khi công tác chống buôn lậu chưa hiệu quả, chế tài xử lý thuốc lá lậu chưa nhất quán dẫn đến nguy cơ thuốc lá nhập lậu lộng hành.

Đánh mạnh tội phạm buôn thuốc lá lậu ảnh 1Lực lượng chức năng kiểm tra thuốc lá được buôn lậu vào nội địa

Buôn lậu thuốc lá có chiều hướng tăng mạnh

Theo Ban chỉ đạo 389 tỉnh Long An, thời gian qua buôn lậu thuốc lá có chiều hướng tăng mạnh, lực lượng chức năng trên địa bàn liên tục bắt giữ các vụ vận chuyển số lượng lớn. Cụ thể ngày 26-7, CAH Đức Huệ, tỉnh Long An phối hợp với CAX Mỹ Quý Đông bắt giữ 1 xe vận chuyển hơn 16.200 bao thuốc lá ngoại các loại.

Trước đó, từ ngày 7 đến 13-6, CAH Đức Huệ bắt giữ 28.700 gói thuốc lá ngoại nhập lậu các loại cùng phương tiện vận chuyển. Ban chỉ đạo 389 Long An thông tin, đây chỉ là 2 trong số rất nhiều vụ vận chuyển thuốc lá nhập lậu trong thời gian qua. Mặc dù các lực lượng chức năng đã mạnh tay xử lý các đối tượng buôn lậu thuốc lá, nhưng vì lợi nhuận cao, sức hút mạnh từ thị trường, nên tình trạng buôn lậu thuốc lá vẫn diễn biến phức tạp với tính chất, quy mô ngày càng nghiêm trọng bằng các thủ đoạn hết sức tinh vi.

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tình hình số vụ buôn lậu thuốc lá mà các cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ chỉ chiếm tỉ lệ khiêm tốn so với thực trạng hiện nay. Nguyên nhân buôn lậu là vì thuốc lá có sức hấp dẫn do gọn nhẹ, dễ vận chuyển, lợi nhuận 350%, trốn tất cả các loại thuế. Đặc biệt, do các văn bản pháp luật không thống nhất việc xử lý hình sự đối với hành vi mua bán, vận chuyển thuốc lá lậu đã gây khó khăn cho các cơ quan trong việc xử lý là cơ hội cho các đối tượng tranh thủ đưa thuốc lá lậu qua biên giới. 

Ngày 20-6, Quốc hội đã thông qua sửa đổi Bộ luật Hình sự năm 2015, theo đó sửa đổi Điều 190, Điều 191 theo hướng thuốc lá lậu là hàng cấm, truy cứu trách nhiệm hình sự, phạt tù từ 1 năm đến 5 năm đối với các trường hợp buôn bán, vận chuyển thuốc lá nhập lậu từ 1.500 bao đến 3000 bao; phạt tù từ  5-10 năm đối với các trường hợp vận chuyển từ 3.000 bao đến dưới 4.500 bao; và phạt tù tới 15 năm khi buôn bán, vận chuyển 4.500 bao thuốc lá điếu nhập lậu trở lên…

Tuy nhiên, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn 154/TANDTC-PC về hướng dẫn xử lý hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trong nội địa. Theo đó, từ ngày 1-7-2015 đến 1-1-2018, không xác định thuốc lá điếu nhập lậu là hàng cấm và không xử lý hình sự đối với hành vi tàng trữ, vận chuyển, buôn bán thuốc lá điếu nhập lậu trong nội địa theo quy định tại Điều 155, Bộ luật Hình sự. Nhiều ý kiến lo ngại, trong khoảng thời gian từ nay tới cuối năm 2017, việc chưa nhất quán trong việc xử lý hình sự đối với hành vi mua bán, vận chuyển thuốc lá lậu sẽ tạo ra kẽ hở lớn để các đối tượng buôn lậu thuốc lá tìm cách tràn vào Việt Nam.

Tăng cường các biện pháp kiểm soát

Trước nguy cơ thuốc lá lậu ngày càng tăng mạnh trong thời điểm cuối năm, ngày 19-6, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình, Trưởng ban chỉ đạo 389 quốc gia đã có văn bản 6326/VPCP-VI đề nghị Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo lực lượng Bộ đội Biên phòng, lực lượng Công an mở đợt cao điểm đấu tranh chống buôn lậu đối với mặt hàng thuốc lá và đường cát; tăng cường kiểm tra, phối hợp công tác, quyết liệt triệt phá các đường dây, ổ nhóm, các đầu nậu lớn tại các địa bàn trọng điểm như An Giang, Long An, Tây Ninh, Đồng Tháp, Quảng Trị và TP.HCM.

Bộ Công Thương cũng đã ban hành Chỉ thị số 7127 về tăng cường công tác chống buôn lậu thuốc lá điếu, mặt hàng đường nhập lậu. Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nghiêm chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 quốc gia, Bộ Công Thương về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.

Bộ Công Thương chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tăng cường công tác quản lý địa bàn, chủ động phối hợp với lực lượng chức năng lập chốt kiểm tra lưu động tại các tuyến đường thường xuyên có hoạt động vận chuyển thuốc lá điếu, mặt hàng đường nhập lậu; kiểm tra các phương tiện vận tải đường bộ và đường sông nhằm ngăn chặn việc vận chuyển, nhập lậu vào thị trường nội địa tiêu thụ.

Sở Công Thương các tỉnh Quảng Trị, Tây Ninh, Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, các tỉnh biên giới phía Bắc và các tỉnh lân cận chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng Công an, Hải quan, Bộ đội Biên phòng kiểm soát chặt chẽ các khu vực giáp biên giới, các tuyến đường từ biên giới vào nội địa, các địa bàn giáp ranh liên huyện, liên tỉnh.

Tại các tỉnh, thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng, Cần Thơ, Quảng Ninh, Hải Phòng và các địa bàn tiêu thụ thuốc lá điếu, mặt  hàng đường, chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường tiến hành kiểm tra các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, các điểm tàng trữ, cơ sở đóng gói, buôn bán kinh doanh nhằm phát hiện, ngăn chặn mặt hàng thuốc lá, đường nhập lậu và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.