Các lực lượng thuộc Ban chỉ đạo 389 TP. Hà Nội

‘Đánh’ mạnh thực phẩm không nguồn gốc, hàng hóa nhập lậu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Hàng loạt vụ tập kết, vận chuyển, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, hàng lậu đã bị các lực lượng chức năng thuộc Ban chỉ đạo (BCĐ) 389 TP. Hà Nội phát hiện, xử lý từ trung tuần tháng 8 đến nay.

‘Nóng” thực phẩm không rõ nguồn gốc

Đúng như nhận định của cơ quan chức năng, trước dịp Tết Trung thu, hoạt động mua bán, vận chuyển hàng hóa nhập lậu, mất an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ diễn biến phức tạp. Từ đó, các lực lượng chức năng thuộc BCĐ 389 TP. Hà Nội, với chủ công là CATP và Cục Quản lý thị trường đã xây dựng kế hoạch phối hợp phòng ngừa, đấu tranh, và đã thu được những kết quả tích cực.

Lực lượng chức năng kiểm đếm hàng hóa có dấu hiệu vi phạm

Lực lượng chức năng kiểm đếm hàng hóa có dấu hiệu vi phạm

Ngày 3-9, sau thời gian phát hiện nghi vấn, Đội QLTT số 17 - Cục QLTT Hà Nội phối hợp Đội 4 - Phòng Cảnh sát Môi trường CATP Hà Nội bất ngờ kiểm tra nơi tập kết hàng hóa tại địa chỉ xóm 4 Tự Lập, xã Yên Bài, huyện Mê Linh, do Lỗ Văn Nam làm chủ.

Thời điểm kiểm tra, lực lượng liên ngành lập biên bản tạm giữ gần 4.200 kg thực phẩm đóng gói – nguyên liệu pha chế đồ uống (trà, siro, mứt hoa quả các loại) xuất xứ nước ngoài, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, không rõ chất lượng. “Không ai dám chắc về độ an toàn của số thực phẩm này đối với người sử dụng”, chỉ huy Đội QLTT số 17 trao đổi với PV ngay tại thời điểm kiểm tra kho hàng.

Trước đó, ngày 21-8, Đội QLTT số 17 cũng đã phối hợp với Đội 4 - Phòng Cảnh sát Môi trường CATP Hà Nội kiểm tra cơ sở kinh doanh thực phẩm tại đường Đê Quai, tổ 16 Tứ Liên, quận Tây Hồ, do ông Nguyễn Như Mai làm chủ. Thời điểm kiểm tra, cơ quan chức năng đã tạm giữ gần 1.500 kg thực phẩm đóng gói gồm lườn vịt xông khói, cánh – kê gà, trứng non, nầm – tràng lợn… xuất xứ nước ngoài, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc, không rõ chất lượng. Toàn bộ số hàng đã tiêu hủy, và cơ quan chức năng đã ra quyết định xử phạt đối với cá nhân liên quan.

Cũng trong ngày hôm đó, Đội QLTT số 17 phối hợp cùng Đội 3 - Phòng Cảnh sát Môi trường kiểm tra cơ sở kinh doanh bánh kẹo thuộc Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Hoàng Minh Đức (địa chỉ số 8 ngách 51 ngõ 15 đường Ngọc Hồi, quận Hoàng Mai). Kết quả kiểm tra, lực lượng chức năng đã tạm giữ 22.000 sản phẩm bánh Trung Thu – bánh nướng nhãn hiệu MoonCake do nước ngoài sản xuất, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Phát hiện hàng hóa nghi nhập lậu trị giá nhiều tỷ đồng

Theo bộ phận thường trực BCĐ 389 TP. Hà Nội, “nóng” không kém thực phẩm mất an toàn vệ sinh, không rõ nguồn gốc, là hiện tượng kinh doanh, tập kết hàng nhập lậu.

Công an Hà Nội phát hiện, xử lý nhiều trường hợp kinh doanh hàng hòa có dấu hiệu nhập lậu

Công an Hà Nội phát hiện, xử lý nhiều trường hợp kinh doanh hàng hòa có dấu hiệu nhập lậu

Vụ vi phạm với giá trị hàng hoá lớn bị phát hiện, xử lý thời gian gần đây, là trường hợp một số cá nhân tập kết, kinh doanh hàng hóa tại Khu ký túc xá trường Đại học Mỏ địa chất, phường Cổ Nhuế 2, quận Bắc Từ Liêm. Trung tuần tháng 9 vừa qua, Đội QLTT số 28 - Cục QLTT TP. Hà Nội phối hợp với Đội Cảnh sát kinh tế – Công an quận Bắc Từ Liêm kiểm tra địa điểm trên, phát hiện các loại hàng hóa là rượu, mỹ phẩm và thực phẩm chức năng các loại do nước ngoài sản xuất.

Lô hàng ước tính trị giá trên 1 tỷ đồng này gồm 1.383 chai rượu các loại (ghi xuất xứ Nhật Bản); 5.433 sản phẩm mỹ phẩm và thực phẩm chức năng (ghi xuất xứ Nhật Bản). Toàn bộ số hàng hóa trên đều không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, và tại thời điểm kiểm tra, chủ kinh doanh chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ và giấy tờ liên quan chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa.

Trước đó, ngày 24-8, Đội QLTT số 14 phối hợp với Đội 7 – Phòng Cảnh sát kinh tế CATP Hà Nội kiểm tra cơ sở kinh doanh quần áo Liên Nguyễn tại iốt 18B tòa nhà Vinh Quang khu đô thị Tây Nam Linh Đàm, quận Hoàng Mai. Tại thời điểm kiểm tra, đoàn liên ngành phát hiện cơ sở đang kinh doanh hơn 1.000 sản phẩm có dấu hiệu giả mạo nhãn Louis Vuitton, Chanel, Dior, Hermes, Burberry, Nike… đang được bảo hộ tại Việt Nam và hơn 1.000 chiếc áo, váy là hàng hóa do nước ngoài sản xuất. Tổng giá trị số hàng ước tính trên 500 triệu đồng này được chủ cơ sở khai nhận mua trên thị trường về kinh doanh, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc.

Quá trình củng cố hồ sơ, xử lý trường hợp trên, Đội 7 – Phòng Cảnh sát kinh tế phối hợp với Đội QLTT số 4 tiến hành kiểm tra 2 kho chứa hàng hoá của Công ty TNHH thương mại và đầu tư Tân Nam Việt (địa chỉ số 88B Láng Hạ, và số 50 ngách 8/11 phố Lê Quang Đạo, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm), do bà Lê Phương Lan là Giám đốc.

Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện, tạm giữ trên 35.000 sản phẩm các loại bao gồm các mặt hàng thực phẩm, mỹ phẩm, đồ gia dụng do nước ngoài sản xuất, không có hoá đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc. Trị giá hàng hoá có dấu hiệu vi phạm trị giá khoảng 4,5 tỷ đồng.

Cùng với việc đấu tranh, ngăn chặn các hành vi kinh doanh, vận chuyển hàng lậu, các đơn vị thuộc BCĐ 389 TP. Hà Nội kiên quyết xử lý đối tượng mua bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm. Điển hình là cuối tháng 8 vừa qua, Cơ quan CSĐT - Công an quận Long Biên đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố đối tượng về tội Buôn bán hàng cấm là thuốc lá điếu do nước ngoài sản xuất, quy định tại Điều 190 BLHS. Tang vật thu giữ gồm 2.000 bao thuốc lá điếu do nước ngoài sản xuất, nhãn hiệu BLEND No.555 Gold.