Đánh giá thực trạng các cơ sở tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Xác định tầm quan trọng của nhiệm vụ phòng, chống cháy nổ, Đội Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an huyện Hoài Đức, Hà Nội đã chủ động phối hợp với Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH - Công an thành phố Hà Nội đánh giá thực trạng hoạt động của lực lượng dân phòng và PCCC cơ sở, nhất là việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCC.
Lực lượng Cảnh sát PCCC - CNCH Công an huyện Hoài Đức hướng dẫn cơ sở sử dụng máy bơm chữa cháy

Lực lượng Cảnh sát PCCC - CNCH Công an huyện Hoài Đức hướng dẫn cơ sở sử dụng máy bơm chữa cháy

Cần trang bị phương tiện cho lực lượng cơ sở

Theo số liệu điều tra cơ bản của Công an huyện Hoài Đức, trên địa bàn huyện có 69.229 nhà ở hộ gia đình, trong đó có khoảng 4.610 nhà ở kết hợp với sản xuất, kinh doanh. Trong đó, số làng nghề trên địa bàn có 5 làng nghề truyền thống với 337 nhà ở hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh.

Có thể thấy, nhà ở hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh trong làng nghề và làng nghề truyền thống là mô hình đã tồn tại lâu đời ở thành phố Hà Nội nói chung và huyện Hoài Đức nói riêng và đây được coi là mô hình kinh tế truyền thống.

Xu hướng phát triển các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong làng nghề về cả số lượng và quy mô những năm qua đang diễn ra mạnh mẽ. Do đó, tình hình số vụ cháy và các vụ cháy gây thiệt hại nghiêm trọng về người, tài sản tại nhà ở hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh đã và đang diễn ra phức tạp, khó lường. Nhìn từ góc độ quản lý Nhà nước về PCCC đối với loại hình này cho thấy còn rất nhiều bất cập, khó khăn, vướng mắc...

Thượng tá Nguyễn Thành Vinh, Phó trưởng CAH Hoài Đức cho biết: “Với thực trạng như các làng nghề ở huyện Hoài Đức, việc quan tâm phát huy lực lượng chữa cháy cơ sở và tại chỗ là rất quan trọng. Khi lực lượng này được nhân rộng và phát huy hiệu quả, thì không chỉ cho thấy tính hiệu quả về tuyên truyền mà còn xử lý hữu hiệu các vụ cháy ngay từ ban đầu. Do đó, Công an huyện Hoài Đức luôn tập trung xây dựng đội ngũ này để phát huy hiệu quả phương châm "4 tại chỗ" trong công tác PCCC”.

Qua tìm hiểu của PV An ninh Thủ đô, được biết hiện tại huyện Hoài Đức đã trang bị máy bơm nước tăng áp cho tất cả các xã, thị trấn để phục vụ công tác chữa cháy. Công tác tập huấn, sử dụng máy bơm, khảo sát đường nước gần nhất, thực tập các phương án, tình huống với lực lượng PCCC cơ sở, tại chỗ đã được Công an huyện thường xuyên triển khai. Qua tập huấn, kiểm tra, hướng dẫn sử dụng phương tiện, các lực lượng đều đã thành thạo, triển khai phối hợp hiệu quả vào một số vụ cháy cụ thể và phát huy tác dụng.

Nêu cao vai trò người đứng đầu cơ sở

Thời gian qua, không chỉ ở Hoài Đức mà trên địa bàn thành phố đã xảy ra các vụ cháy nhà ở hộ gia đình kết hợp sản xuất, kinh doanh trong khu dân cư và trong làng nghề truyền thống. Các vụ cháy ngày càng có chiều hướng gia tăng về cả số lượng và mức độ thiệt hại về người và tài sản, để lại hậu quả hết sức nghiêm trọng.

Nguyên nhân do nhiều cơ sở đã tồn tại từ lâu đời, nên kết cấu xây dựng xuống cấp trầm trọng. Đa số các nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh trong làng nghề đều được xây dựng theo mô hình nhà ống vừa để ở, vừa làm nơi sản xuất kinh doanh, tận dụng tối đa diện tích để phát triển kinh tế tư nhân. Do đó, các cơ sở này thường nhỏ, hẹp và chỉ có 1 lối ra vào duy nhất, không có lối thoát nạn dự phòng, cũng như không có giải pháp ngăn cháy lan, chống tụ khói.

Lực lượng PCCC cơ sở thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCC

Lực lượng PCCC cơ sở thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCC

Bên cạnh đó, thực hiện công tác phân cấp quản lý về PCCC, nên loại hình cơ sở này vừa được tiến hành bàn giao cho UBND cấp xã, phường quản lý. Do đó, trong công tác điều tra cơ bản, nắm địa bàn của các cấp quản lý chưa thực hiện được đầy đủ, chưa nắm vững được cơ sở về số lượng, loại hình hoạt động, đặc điểm tính chất, quy mô hoạt động của loại hình cơ sở này.

Ngoài ra, lực lượng làm công tác quản lý Nhà nước về PCCC tại các cấp xã, phường còn thiếu, mỏng và yếu về cả số lượng, chuyên môn kỹ thuật, do đó trong công tác tham mưu cho cấp quản lý, thực hiện công tác quản lý Nhà nước về PCCC được phân cấp đối với loại hình cơ sở này còn nhiều thiếu sót. Đây cũng là khó khăn trong công tác quản lý Nhà nước về PCCC đối với loại hình này.

Theo ông Nguyễn Trung Thuận, Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Đức: “Để phòng ngừa cháy, nổ hiệu quả, việc đầu tiên là nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý Nhà nước về PCCC&CNCH của các cấp, ngành; ý thức, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở và quần chúng nhân dân trong công tác phòng ngừa cháy, nổ, tai nạn, sự cố tại nơi làm việc, hộ gia đình, nhằm hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy cháy, nổ và giúp cho lực lượng PCCC thực hiện tốt công tác chuẩn bị các điều kiện chữa cháy, CNCH. Sẵn sàng, chủ động xử lý các tình huống cháy, nổ, tai nạn, thảm họa xảy ra, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản. Lực lượng Cảnh sát PCCC nắm chắc tình hình địa bàn, cơ sở; triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, các mặt công tác quản lý Nhà nước trên từng lĩnh vực PCCC&CNCH có hiệu lực, hiệu quả. Chủ động sẵn sàng về lực lượng, phương tiện, chuẩn bị các điều kiện chữa cháy, CNCH, xử lý kịp thời các vụ cháy, nổ, tai nạn từ khi mới phát sinh. Các cơ quan, đơn vị tổ chức phổ biến, quán triệt đến toàn thể cán bộ, nhân viên thực hiện nghiêm túc Kế hoạch này của UBND huyện; cần phải xác định đây là nhiệm vụ công tác trọng tâm, thực hiện thường xuyên, liên tục. Đồng thời, phân công, phân cấp cụ thể, rõ ràng, gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chỉ huy các cơ quan, đơn vị triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp, giải pháp đảm bảo an toàn PCCC&CNCH".

Để khắc phục những tồn tại và phát huy hiệu quả phương châm 4 tại chỗ, trong thời gian tới Cơ quan Cảnh sát PCCC&CNCH tiếp tục kết hợp với UBND cấp xã, phường được phân cấp quản lý loại hình cơ sở nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, làng nghề. Thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản, nắm địa bàn, lập hồ sơ quản lý về PCCC đối với những cơ sở trong loại hình này.

"Thường xuyên tiến hành công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện thiếu sót về PCCC tại các cơ sở này, từ đó hướng dẫn thực hiện tốt công tác PCCC tại cơ sở. Cử cán bộ Công an cấp xã có chuyên môn về PCCC thực hiện chuyên môn hóa nội dung quản lý Nhà nước về PCCC đối với loại hình này. Thường xuyên tổ chức học tập, bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn về PCCC đối với cán bộ Công an cấp xã, để từ đó lực lượng làm công tác quản lý có thể bám sát cơ sở trong thực hiện quản lý Nhà nước về PCCC đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trong các làng nghề" - Chỉ huy Công an huyện Hoài Đức nhìn nhận.