Đánh giá chất lượng bệnh viện: Đừng cào bằng!

ANTĐ - Bộ Y tế đã ban hành, bổ sung, điều chỉnh nhiều nội dung kiểm tra, đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2015 nhằm thay đổi hình ảnh, thái độ, chất lượng bệnh viện, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh.

Đánh giá chất lượng bệnh viện: Đừng cào bằng! ảnh 1Tận tình chăm sóc, điều trị bệnh nhân sốt xuất huyết tại Bệnh viện Đa khoa y học cổ truyền Hà Nội

Cách đánh giá chưa công bằng

Sau 2 năm áp dụng thí điểm, Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện do Bộ Y tế ban hành, nhiều bệnh viện trên cả nước, đặc biệt là các bệnh viện tuyến dưới vẫn đang lúng túng không đáp ứng được. PGS.TS Nguyễn Thái Sơn - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) chia sẻ, dù 2 năm qua bệnh viện đã được đầu tư cải thiện rất nhiều về cơ sở hạ tầng song nhiều tiêu chí khó thay đổi ngay, đồng nghĩa với việc không được “chấm điểm” ở mức cao. PGS.TS Nguyễn Thái Sơn phân tích, khi xây dựng bệnh viện, chúng ta quy hoạch không đồng bộ nhưng Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện lại đòi hỏi thực hiện quy củ.

Đơn cử, Bộ tiêu chí đòi hỏi các bệnh viện phải đáp ứng tiêu chí về hệ thống xử lý rác thải, song không thể muốn đầu tư xây hệ thống xử lý rác thải là xây ngay được vì nó liên quan đến kết cấu chung toàn cơ sở bệnh viện. 

Chung mối băn khoăn này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn - Bệnh viện Đa khoa Hưng Yên cho rằng, muốn tăng chất lượng bệnh viện đòi hỏi phải có lộ trình, trong khi Bộ tiêu chí hiện tại lại đưa ra những tiêu chí quá cao, thậm chí hướng tới tiêu chuẩn quốc tế. “Bệnh viện mỗi tuyến có những điều kiện khác nhau, nếu áp dụng cào bằng chung một bộ tiêu chí thì không phù hợp. Chẳng hạn tiêu chí phòng chờ bệnh viện phải có điều hòa 2 chiều hoạt động thường xuyên và bảo đảm nhiệt độ thích hợp cho người bệnh, bệnh viện tuyến tỉnh khó thực hiện bởi ngay nguồn kinh phí mua điều hòa cho phòng của lãnh đạo bệnh viện, các khoa, phòng hiện nay cũng không có. Không thể chốc lát đòi cải tiến chất lượng bệnh viện lên mức hoàn hảo (mức 5) ngay được mà trước mắt cần hạn chế dần các tiêu chí đạt mức 1, 2 (mức kém), tăng số tiêu chí đạt mức 3, 4 (tốt)” - ông Nguyễn Anh Tuấn nói. 

Bệnh viện phải thay đổi toàn diện

Trước thực trạng trên, ngày 6-11 vừa qua, Bộ Y tế đã ban hành Bộ tiêu chí quốc gia chất lượng bệnh viện Việt Nam 2015-2016 với quan điểm chủ đạo “lấy người bệnh là trung tâm của hoạt động điều trị và chăm sóc, nhân viên y tế là then chốt”, trong đó đã thay đổi đến 32 tiểu mục so với Bộ tiêu chí cũ năm 2013. Trao đổi với báo chí ngày 13-11, PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh - Bộ Y tế cho biết, trong Bộ tiêu chí mới này, Bộ Y tế đã đưa ra các mức phấn đấu (5 mức) cụ thể, chi tiết hơn và yêu cầu các bệnh viện phải thay đổi toàn diện nếu muốn được xếp hạng cao. Theo đó, sự hài lòng ở mỗi bệnh viện sẽ được đánh giá qua sự thay đổi từ người bảo vệ, nhân viên đón tiếp người bệnh đến cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn các bước thủ tục khám, chữa bệnh... 

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, kết quả kiểm tra, đánh giá sự hài lòng của người bệnh thời gian vừa qua cho thấy có sự khác biệt theo từng tuyến, từng hạng bệnh viện. Chẳng hạn, ở bệnh viện tuyến Trung ương, khảo sát cho thấy người bệnh hài lòng về trang thiết bị, kỹ thuật cao, trình độ chuyên môn nhưng chưa hài lòng về thái độ của nhân viên bệnh viện, về sự quá tải bệnh viện. Trong khi đó, ở bệnh viện tuyến dưới, người bệnh khá hài lòng về thời gian chờ đợi khám chữa bệnh, thái độ đón tiếp của nhân viên bệnh viện nhưng năng lực chuyên môn lại chưa đáp ứng mong đợi.

Để giúp đánh giá đúng, khách quan và toàn diện chất lượng bệnh viện trong thời gian tới, Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện năm 2015-2016 sẽ gồm bộ câu hỏi dựa trên kiểm tra đánh giá sự hài lòng ở các bệnh viện được tiến hành rộng rãi, thường xuyên theo từng tháng, từng quý và số mẫu khảo sát lớn hơn. 

 Cũng theo Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, từ tháng 11-2015, các bệnh viện sẽ tự tổ chức kiểm tra, đánh giá. Sau đó, tháng 12-2015, Bộ Y tế, các cơ quan quản lý y tế sẽ tổ chức giám sát, xem xét tính chính xác. Những bệnh viện nào đạt sự hài lòng cao sẽ được tôn vinh và công bố trước công luận. 

Điều trị tốt sốt xuất huyết bằng thuốc y học cổ truyền

Do thời tiết năm nay diễn biến bất thường nên số người mắc bệnh sốt xuất huyết phải vào Bệnh viện Đa khoa y học cổ truyền Hà Nội điều trị từ đầu năm đến nay là 286 bệnh nhân. Để phục vụ tốt việc điều trị, bệnh viện đã triển khai Khoa Nội tổng hợp chuyên tiếp nhận điều trị bệnh nhân bị sốt xuất huyết với 30 giường chỉ tiêu, đồng thời kê thêm 12 giường ngoài hành lang đảm bảo dù đông thì bệnh nhân vẫn được nằm 1 người 1 giường.

Bác sỹ chuyên khoa 1 Nguyễn Thị Hải Yến, Trưởng khoa Nội tổng hợp cho biết, tính đến ngày 20-11, hiện khoa có 43 bệnh nhân sốt xuất huyết đang nằm điều trị. Bệnh nhân nằm viện được sử dụng kết hợp các thuốc cổ truyền do bệnh viện tự sản xuất như thuốc sắc, cao uống. Thời gian điều trị trung bình mỗi bệnh nhân là 10 ngày. Nhiều bệnh nhân ra viện đã tỏ lời khen ngợi vì các bài thuốc y học cổ truyền đã đem lại kết quả điều trị tốt.