Đánh đu với tử thần mỗi ngày để mưu sinh

ANTĐ -Tại các huyện Buôn Đôn, Krông Bông (Đắc Lắc), hằng chục năm nay, nhiều hộ dân đã phải đánh đu với tử thần khi phải đu dây qua sông để làm nương rẫy.

Do 2.000 ha rẫy của người dân thôn 7 và 8, xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn, nằm bên kia sông Ba Tư, nên hàng ngày bà con phải vượt sông, để đi từ nơi ở sang nơi canh tác. Trong điều kiện không có cầu, người dân đưa ra sáng kiến dùng bộ cáp treo, có cấu tạo gồm sợi dây cáp cố định ở 2 đầu và 1 sọt sắt được nối trực tiếp với dây cáp bằng dây và bánh xe. Muốn qua sông, người dân phải ngồi trên sọt sắt, rồi trượt dài từ đầu dây bờ bên này sang đến cuối dây bờ bên kia.

Trong những ngày đầu tháng 8 này, chúng tôi đã có mặt tại xã Ea Huar và chứng kiến mỗi ngày có khoảng 200 trăm lượt người gồm già trẻ, lớn bé đu dây vượt sông đi làm rẫy.

 

Người dân xã Hòa Lễ đu dây vượt “sông dữ”, rất nguy hiểm đến tính mạng 


Anh Phạm Thành Luân (thôn 7, xã Ea Huar), cho biết, sáng kiến đu dây qua sông chẳng qua cũng là “cái khó ló cái khôn”. Lòng sông Ba Tư rộng khoảng 10m, nước chảy xiết nên người dân không thể bơi thuyền qua, buộc phải góp tiền chế tạo bộ cáp treo để đu dây.

“Đu dây qua sông rất nguy hiểm, lỡ đứt dây cáp thì sẽ rơi xuống sông, lúc đó rất dễ mất mạng. Biết thế, nhưng nếu không đu dây thì không đi làm rẫy được, lúc đó chỉ có chết đói thôi”, anh Luân nói.

Tương tự xã Ea Huar, huyện Buôn Đôn, nhiều năm nay, hơn 100 hộ dân ở xã vùng sâu Hòa Lễ, huyện Krông Bông, cũng dùng ròng rọc tự chế để đu qua sông Krông Ana để canh tác. Quãng sông rộng, nước chảy xiết vẫn luôn là nguy cơ tiềm ẩn, đe dọa tính mạng của người dân nơi đây. Đi dọc bờ sông Krông Ana đoạn chảy qua địa bàn xã Hòa Lễ vào mùa này, không khó để được chứng kiến cảnh nhiều người đu dây qua sông, hay vận chuyển hàng hóa bằng các dây cáp bắc ngang sông.

Theo quan sát, những chiếc “cáp treo” ở đây được thiết kế khá đơn giản, chỉ gồm 1 sợi dây cáp thép (to nhỏ khác nhau) và một số cọc tự chế (bằng gỗ hoặc sắt), đóng cố định ở 2 bờ. Tùy theo địa hình từng quãng sông mà dây cáp được bố trí cao thấp khác nhau, nhằm thuận lợi cho việc qua lại và vận chuyển hàng hóa. Và thêm 1 con ròng rọc (khoảng 40.000 nghìn đồng), 1 sợi dây nữa là người dân có thể đu qua sông.

Để qua sông, người dân xã Hòa Lễ cột mình vào dây rồi trượt dài trên sợi dây cáp 

Anh Trương Công Lý, sinh năm 1962, trú tại thôn 5, xã Hòa Lễ cho biết: Gia đình tôi ở bên này sông nhưng canh tác 2,7 ha (0,5ha lúa và 0,7ha bắp, 1,5ha điều) ở bên kia bờ sông. Hơn chục năm nay, chúng tôi đã sử dụng cây cáp treo này để qua lại, vận chuyển phân bón, thuốc trừ sâu… sang chăm sóc cây và vận chuyển nông sản thu được về nhà. Mỗi dây cáp treo này khoảng vài triệu đồng, được nhiều nhà dân có đất gần đó tự nguyện đóng góp, xây dựng và sử dụng. Riêng khoản ròng rọc thì các gia đình phải tự túc, thiết kế hàn sao cho phù hợp với mục đích sử dụng của mình.

Cũng giống như anh Lý, cuộc sống của gia đình chị Võ Thị Hoa, sinh năm 1973, trú tại thôn 8, xã Hòa Lễ, phụ thuộc vào 3 ha trồng cà phê, bắp và lúa ở bên kia sông. Ngày nào cũng hai buổi sáng chiều, anh chị lại đu dây qua lại sông để chăm sóc vườn tược. Chứng kiến cảnh chị Lý “đu dây” qua sông, chúng tôi không khỏi thót tim bởi “màn trình diễn” hết sức nguy hiểm, nhưng đối với người dân nơi đây là chuyện thường ngày.

“Đây là dây cáp mới được làm gần 1 tháng để các hộ dân đưa phân bón sang chăm sóc cây, đồng thời thu hoạch và đưa bắp về nhà. Tôi biết việc này rất nguy hiểm và đã có 1 lần, tôi đu dây cáp đến gần bờ thì ròng rọc bị hỏng nên rơi xuống sông, rất may nước sông cạn nên không sao. Bây giờ đang là mùa mưa, lượng nước lớn nhưng đối với các hộ dân như chúng tôi, vì miếng cơm manh áo nên vẫn phải cố gắng đu qua” – chị Hoa tâm sự.

Dù biết là nguy hiểm nhưng người dân xã Ea Huar vẫn đu dây qua sông

Xã Hòa Lễ có khoảng 300 ha đất canh tác bên kia sông. Diện tích này do người dân xâm canh dọc bờ sông Krông Ana, thuộc địa phận xã Cư Kty, huyện Krông Bông và 2 xã Ea Yiêng, Vụ Bổn, thuộc huyện Krông Pắk. Trước đây, người dân thường dùng ghe, thuyền hoặc cầu khỉ để đi lại và vận chuyển hàng hóa qua sông. Về sau, những cây cầu này bị lũ lớn cuốn trôi nên họ đã đóng thuyền, bè để sử dụng. Tuy nhiên, do thuyền bè nhỏ, rất nguy hiểm trong mùa mưa lũ nên họ đã sáng chế ra cáp để vận chuyển và việc này đã kéo dài khoảng trên mười năm nay.

Ông Võ Châu Thắng, cán bộ phụ trách Giao thông- Thủy lợi xã Hòa Lễ cho biết: “Dọc bờ sông dài hơn 10 km, thì người dân các thôn xã Hòa Lễ đã bắc gần 20 cáp treo tự chế để qua sông cho thuận tiện. Trong đó, nhiều nhất là thôn 5 với 9 tuyến cáp. Mới đây, người dân thôn 9 của xã đã góp tiền làm được 1 chiếc cầu trụ bằng sắt, lát ván bắc qua sông để người dân thuận tiện đi lại. Tuy nhiên, cây cầu này chỉ là cầu tạm, khi nước lớn thường bị ngập, thậm chí là bị cuốn trôi”.

Trao đổi với chúng ôti, ông Nguyễn Minh Sơn, Phó chủ tịch xã Hòa Lễ không khỏi lo lắng: Trung bình một ngày người làm rẫy phải đu cáp qua sông 4 lần, nên việc cáp đứt và cây cọc bật gốc không có gì lạ. Đã có nhiều trường hợp người dân đu dây rớt xuống sông, nhưng được người khác phát hiện, hô hoán và ứng cứu kịp thời, nên không nguy hại đến tính mạng. Mặc dù chúng tôi đã khuyến cáo người dân không được đu dây qua sông trong mùa nước lũ để đảm bảo an toàn, nhưng vì cuộc sống, nhiều người vẫn “liều mình” đu qua sông. Trong điều kiện ngân sách của xã còn hạn hẹp, chúng tôi rất mong các cấp chính quyền kịp thời quan tâm, đầu tư xây dựng 1 cây cầu kiên cố để bà con được đi lại an toàn hơn.

Những ngày tháng 8 này, Tây Nguyên đang trong mùa mưa, làm cho dòng Krông Ana chảy xiết và hung dữ hơn. Thế nhưng vì “miếng cơm manh áo” nhiều người dân hàng ngày vẫn phải “đánh đu” trước miệng tử thần. Thiết nghĩ, các cấp chính quyền tỉnh Đắc Lắc cần xem xét hỗ trợ xây dựng cho bà con một cây cầu treo kiên cố để họ yên tâm sản xuất, ổn định cuộc sống.