“Đang xem xét đưa xe số tự động vào dạy lái xe”

ANTĐ - Đó là một trong những vấn đề mà ông Nguyễn Văn Quyền - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề cập đến trong buổi trả lời phỏng vấn phóng viên Báo ANTĐ, sau khi báo đăng loạt bài: “Nghịch lý trong đào tạo lái xe”.

- PV: Theo ông việc không dạy người học lái xe số tự động có phải là “lỗ hổng” trong đào tạo và là một trong những nguyên nhân khiến nhiều người sau khi thi lấy bằng xong nhưng không thể lái xe?

- Ông Nguyễn Văn Quyền: Trong chương trình đào tạo lái xe hiện nay, phần học lý thuyết có nội dung về cấu tạo, nguyên lý hoạt động của xe số tự động, phần học thực hành thì học trên xe số sàn. Đây không phải là lỗ hổng trong đào tạo, vì nguyên lý điều khiển xe số sàn và xe số tự động là giống nhau nhưng thao tác chuyển số của xe số sàn nhiều hơn và phức tạp hơn. Vì vậy, việc sử dụng xe số sàn để tập lái là bao quát đầy đủ hơn, phù hợp với hầu hết các loại xe ô tô sử dụng ở Việt Nam. Đối với 10 - 15% xe con có số tự động đang sử dụng ở Việt Nam thì người lái xe chỉ cần tìm hiểu, làm quen xe là có thể điều khiển được an toàn.

Hiện trường vụ tai nạn tại ngã tư Khâm Thiên - Lê Duẩn xảy ra cách đây không lâu

- PV: Theo ông, có nên đưa dòng xe số tự động vào giáo trình giảng dạy và thực hành tại các cơ sở đào tạo lái xe?

- Ông Nguyễn Văn Quyền: Gần đây có một số vụ tai nạn mà nguyên nhân do người điều khiển xe số tự động gây ra. Theo kinh nghiệm của những người trong nghề, có thể do những người lái xe này chưa tìm hiểu, làm quen xe hoặc có giấy phép lái xe nhưng đã lâu không lái xe, nhất là những người sau khi học, sát hạch được cấp giấy phép lái xe nhưng sau đó để một thời gian từ một vài tháng trở lên không lái xe, thì các kỹ năng khi học được hình thành chưa vững chắc, bị mai một, dẫn tới không làm chủ được phương tiện nên gây tai nạn. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu đến việc có nên đưa xe số tự động vào sử dụng tập lái hay không, nếu đưa thì ở mức độ nào, hình thức đại trà cho tất cả mọi người hay chỉ đối với người có nhu cầu, chương trình “cứng” hay là phần “mềm”. Đưa xe số tự động vào tập lái sẽ tăng chi phí đào tạo lên cao, vì đó là dòng xe cao cấp, đắt tiền, trong khi phần học xe số sàn là phần cơ bản không thể giảm bớt.

- PV: Theo ông, chương trình đào tạo lái xe của Việt Nam có phù hợp với các chương trình đào tạo lái xe quốc tế?

- Ông Nguyễn Văn Quyền: Năm 2010, trong khuôn khổ Dự án An toàn giao thông do Ngân hàng Thế giới (World Bank - WB) tài trợ, đã có hợp phần tăng cường năng lực và thể chế đảm bảo an toàn giao thông, theo đó đã giao một tổ chức tư vấn quốc tế khảo sát, đánh giá chương trình đào tạo, nội dung, quy trình sát hạch lái xe của Việt Nam. Theo kết luận của tư vấn, chương trình, nội dung đào tạo, nội dung, quy trình sát hạch lái xe của nước ta tương tự như của Nhật Bản, Hàn Quốc. Hiện giấy phép lái xe của Việt Nam đã được hầu hết các nước có quan hệ với Việt Nam công nhận và đổi sang giấy phép lái xe của nước họ (như Trung Quốc, Nga, Nhật Bản, Pháp, Anh, Hoa Kỳ…).     

- PV: Ông có lời khuyên nào đối với người có bằng lái xe ô tô nhưng vẫn chưa đủ tự tin lái xe trong điều kiện giao thông ở nước ta hiện nay?

- Ông Nguyễn Văn Quyền: Để lái xe an toàn, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị mỗi người lái xe nên thực hiện đúng nguyên tắc đã được quán triệt khi học là chỉ điều khiển phương tiện khi đã hiểu và làm chủ được nó. Khi tiếp cận với mỗi loại xe mới phải tìm hiểu, làm quen xe. Nếu chưa hiểu, phải nhờ người có kinh nghiệm, hiểu biết chỉ dẫn. Trong trường hợp cần thiết phải liên hệ với cơ sở đào tạo lái xe ô tô hoặc trực tiếp với giáo viên đã dạy mình lái xe để được hướng dẫn, làm quen xe.  

Đối với những người có giấy phép lái xe, nhất là mới được cấp nhưng có thời gian gián đoạn không lái xe từ 1-2 tháng trở lên thì cần cẩn thận trước khi lái xe trở lại, cần tự kiểm tra lại xem khả năng kết hợp các thao tác đã nhuần nhuyễn, đủ đảm bảo lái xe an toàn hay không. Thông thường, nếu có thời gian gián đoạn như vậy cần phải tập luyện lại một thời gian nhất định mới có thể điều khiển xe an toàn.    

- PV: Xin cảm ơn ông!