Đằng sau vụ lừa “sổ đỏ” vay tiền ngân hàng

(ANTĐ) - TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với bị cáo Hoàng Mạnh Hùng (SN 1977), HKTT tại phường Văn Miếu, quận Đống Đa vào ngày 21-12.

Đằng sau vụ lừa “sổ đỏ” vay tiền ngân hàng

(ANTĐ) - TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản đối với bị cáo Hoàng Mạnh Hùng (SN 1977), HKTT tại phường Văn Miếu, quận Đống Đa vào ngày 21-12.

Dựng màn kịch lừa “sổ đỏ”

Hoàng Mạnh Hùng tại phiên xử ngày 21-12
Hoàng Mạnh Hùng tại phiên xử ngày 21-12

Sau phần xét hỏi bị cáo Hoàng Mạnh Hùng, người kế tiếp được HĐXX yêu cầu trả lời là ông Nguyễn Tiến Bắc (SN 1947), trú ở tổ 14, phường Bồ Đề, quận Long Biên với tư cách người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan. Khai trước tòa, ông Bắc cho biết, vào tháng 12-2005, ông đến Phòng Tài nguyên và Môi trường quận Long Biên làm thủ tục tách quyền sử dụng đất (QSDĐ) cho con trai là Nguyễn Tiến Mạnh (SN 1981), ở cùng địa chỉ.

Dù đã có giấy hẹn nhưng nhiều lần đến đây ông Bắc không nhận được “sổ đỏ”. Do quen biết với Hoàng Ngọc Khánh, bố đẻ của Hoàng Mạnh Hùng nên ông Bắc đã nhờ ông ta lấy hộ. Khoảng một tuần sau thì Khánh lấy được “sổ đỏ”, đồng thời đề nghị ông Bắc phải chi 6 triệu đồng phí “giao dịch”. Không nhận được khoản thù lao này nên Khánh yêu cầu ông Bắc giao lại “sổ đỏ” cho mình với lý do để hỏi lại chi phí… QSDĐ ghi trên tấm “sổ đỏ” có diện tích 513m2, thửa số 19(2), tờ bản đồ số 18 tại tổ 14, phường Bồ Đề cấp ngày 23-9-2005 thuộc về anh Nguyễn Tiến Mạnh.

Trong khi chi phí lấy “sổ đỏ” còn chưa ngã ngũ thì Khánh lại gợi ý ông Bắc “chạy” cho con trai ông Bắc vào làm việc tại sân bay Nội Bài. Để thực hiện, Khánh yêu cầu ông Bắc đưa sổ hộ khẩu gia đình, CMND và sau đó là giấy xác nhận tình trạng hôn nhân của Nguyễn Tiến Mạnh. Sau đó, ông Bắc liên tục hối thúc việc xin việc cho con trai và “quyết toán” Giấy chứng nhận QSDĐ nhưng đều bị Khánh lấp liếm. Ngày 20-6-2006, bất ngờ có hai vị cán bộ của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Hà Thành (Ngân hàng Hà Thành) tìm đến làm việc với anh Nguyễn Tiến Mạnh thì gia đình ông Bắc mới hay biết “sổ đỏ” đã bị bố con ông Khánh dùng để thế chấp vay 3,6 tỷ đồng từ ngân hàng này.

Khai tại tòa, bị cáo Hùng khẳng định đã chi cho cán bộ ngân hàng 5%, đưa cho ông Bắc 120 triệu đồng, số còn lại chi tiêu cá nhân hết. Việc giả mạo giấy tờ để thế chấp “sổ đỏ” mang tên Nguyễn Tiến Mạnh vay tiền Ngân hàng Hà Thành là có sự bàn bạc thống nhất với ông Bắc nhằm cho những người khác vay lại với lãi suất cao hơn. Tuy nhiên, lời khai của bị cáo không có căn cứ, không phù hợp với lời khai tại CQĐT trước đó và qua đối chất với ông Bắc nên không được HĐXX chấp nhận.

Có dấu hiệu đồng phạm?

Theo tài liệu của CQĐT, vào khoảng tháng 10-2005, ông Bắc đã giao cho ông Khánh một số giấy tờ gồm: Giấy chứng nhận QSDĐ số hiệu AD 461842 mang tên Nguyễn Tiến Mạnh, sổ hộ khẩu và giấy xác nhận chưa kết hôn của anh Mạnh để nhờ xin việc cho con trai.

Đầu tháng 1-2006, Hùng đã dùng các giấy tờ này và dán ảnh của mình vào CMND của anh Mạnh rồi photocoppy. Hùng cũng giả mạo một số giấy tờ khác và tạo dựng hợp đồng mua bán nhà số 18 phố Lê Duẩn để làm thủ tục thế chấp vay tiền của Ngân hàng Hà Thành. Cũng theo tài liệu điều tra, những người đứng tên bán ngôi nhà số 18 phố Lê Duẩn cho Hùng là vợ chồng Khánh và Hoàng Hà (mẹ kế của Hùng).

Tuy nhiên, qua giám định thì chữ viết và chữ ký của bà Hoàng Hà là giả mạo… Với những chứng cứ tài liệu trên, VKSND TP Hà Nội đã cáo buộc và truy tố Hoàng Mạnh Hùng ra trước TAND cùng cấp tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản, theo điểm a, khoản 4, Điều 139 - BLHS. Cáo trạng của VKS cũng thể hiện, do quá trình điều tra, đối tượng Hoàng Ngọc Khánh đã đi khỏi nơi cư trú nên quyết định bóc tách đối tượng này theo một diễn biến khác.

Tại phiên tòa sơ thẩm, sau khi xem xét các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, HĐXX nhận thấy nhiều tình tiết chưa được làm rõ. Đó là việc ông Bắc giao “sổ đỏ” cho Khánh trong hoàn cảnh nào và vì sao Khánh lại hai lần viết giấy hẹn trả lại cho ông Bắc; khi tiến hành các thủ tục vay tiền, bố con Khánh còn đưa nhiều cán bộ Ngân hàng Hà Thành đến đo đạc, xác minh hiện trạng thửa đất, trong khi cả hai vợ chồng ông Bắc đều có mặt ở nhà nhưng không một ai nghi ngờ gì.

Khánh đã ký tên vào bản hợp đồng bán nhà cho Hùng nhằm hoàn tất thủ tục vay tiền ngân hàng; viết nội dung và tạo lập chữ ký, con dấu giả của cơ quan chức năng trong việc chứng nhận tình trạng hôn nhân của anh Mạnh; đứng ra nhận trả nợ khoản tiền 3,6 tỉ đồng mà Hùng vay ngân hàng và đặc biệt là đối tượng bỏ trốn trong quá trình điều tra đã thể hiện rõ vai trò đồng phạm trong vụ lừa đảo này.

Do nhiều chi tiết vụ án chưa được làm rõ nên sau một ngày làm việc, HĐXX đã quyết định trả lại hồ sơ cho VKS để điều tra bổ sung.

Trịnh Tuyến