Đằng sau cuộc tập trận giữa Nga và Trung Quốc

ANTĐ - Sáng sớm ngày hôm qua (13-7), quân đội Nga đã bất ngờ khởi động một cuộc tập trận có quy mô cực lớn cho đến ngày 20-7 ở Quân khu Phía Đông với sự tham gia của hàng chục nghìn binh lính, hàng nghìn xe bọc thép, hàng chục chiến đấu cơ và tàu chiến. Cuộc tập trận này nhằm mục đích nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của Lực lượng Vũ trang Nga, Bộ Quốc phòng Nga cho biết.
Đằng sau cuộc tập trận giữa Nga và Trung Quốc ảnh 1

Tập chung, mục tiêu riêng

Trước đó, Nga - Trung vừa kết thúc cuộc tập trận chung quy mô lớn mang tên “Hiệp lực trên biển - 2013” trên Vịnh Peter Đại đế ở Thái Bình Dương với 20 chiến hạm, 10 chiến đấu cơ, trực thăng. Cả hai nước tuyên bố cuộc diễn tập không nhằm mục tiêu chính trị, quân sự. Kế hoạch và thực tế cuộc tập trận diễn ra đúng như vậy. Tuy nhiên, mỗi nước đều có mục tiêu, ý đồ riêng. 

Theo nhà phân tích chính trị hải dương Sergei Grebenuk khẳng định với RIA Novosti: “Nước Nga đang tăng cường đối ngoại chính trị ở châu Á với những tính toán đến lợi ích của Trung Quốc. Đặc biệt, trong lĩnh vực quân sự, trong đó có chính sách quốc phòng mà Trung Quốc đang phát triển gần đây”.  

Ông Grebenuk nhận định, trong mối quan hệ tổng quan giữa Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản có những vấn đề rất rắc rối và phức tạp. Giới phân tích cho rằng, trong cuộc diễn tập lần này, Trung Quốc thật sự quan tâm đến những kinh nghiệm và năng lực tác chiến trên biển của Hạm đội Thái Bình Dương trong lĩnh vực chống ngầm, phòng không nói riêng và nói chung của cả Hải quân Nga, vốn có quá nhiều qua các cuộc chiến tranh tính từ sau chiến tranh thế giới lần thứ II. Những kinh nghiệm chỉ huy, điều hành tác chiến này là bài học quý giá cho lực lượng tham mưu tác chiến hải đoàn trong điều kiện xung đột khu vực, chiến tranh cục bộ. Cho đến nay, Trung Quốc hoàn toàn chưa có được những bài học đắt giá trong các hoạt động phối hợp chống ngầm, phòng không trên biển, tiếp liệu và bảo vệ các đoàn công voa quân sự. Khả năng xảy ra xung đột trên biển Đông, biển Hoa Đông và xa hơn nữa, Ấn Độ dương đang rất cần những kinh nghiệm này.

Tập cho chiến thuật “Đông hòa Bắc đấu”

Về mục đích chính trị, điều này càng rõ ràng hơn nữa. Hơn ai hết, Trung Quốc hiểu được vị thế địa chính trị của mình và mối quan hệ địa chính trị với nước Nga, với chính sách “trở lại châu Á” người Mỹ đang sắp xếp một vành đai phong tỏa quanh Trung Quốc với các đồng minh của mình. Chỉ cần một xung đột nhỏ là Mỹ có khả năng kiểm soát chặt chẽ biển Đông và eo biển Malacca. Bởi vậy, các xung đột nếu xảy ra đó, phải được dập tắt ngay bằng thắng lợi nhanh chóng nghiêng về sức mạnh hải quân phía Trung Quốc. Vòng vây phong tỏa sẽ hoàn toàn sụp đổ, nếu như nước Nga và các nước thuộc khối SNG đứng ở vị trí trung gian và vẫn tiếp tục duy trì quan hệ kinh tế trên cơ sở lợi ích và sự không đồng thuận với Mỹ. 

Theo nhận định chung, cuộc diễn tập này đã thể hiện một kế sách đối ngoại khá cổ xưa của người Trung Quốc: Đông hòa Bắc đấu - mà nói rõ hơn là cuộc diễn tập có mục đích biểu dương lực lượng đối với Nhật Bản, Mỹ và các nước khác thuộc đồng minh của Mỹ trong vòng phong tỏa, đồng thời thể hiện sự liên kết với liên bang Nga, chấm dứt một ý đồ kiềm chế của Nhà Trắng. 

  Còn đối với Nga, mục đích quân sự hoàn toàn là chính xác. Quân đội Nga quyết định tiến hành tới hơn 500 cuộc tập trận quân sự trong mùa hè này. Theo lời Thứ trưởng Quốc phòng Thứ nhất của Nga - ông Arkady Bakhin cho biết, việc Nga tăng cường các cuộc tập trận ở mức độ cao như vậy là cần thiết để điều chỉnh những vấn đề mà họ phát hiện trong các cuộc kiểm tra quân đội và tập trận đột xuất gần đây. Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga cũng có kế hoạch phóng 16 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa các loại trong năm nay.

Nhưng cái lớn hơn bên cạnh cuộc tập trận Nga - Trung là việc Nga quan tâm đến những hợp đồng quốc phòng mà Trung Quốc sẵn sàng thương lượng để mua thiết bị và công nghệ của Nga. Nước Nga trên thực tế không cần đồng minh Trung Quốc, nhưng nước Nga cần Trung Quốc duy trì năng lực phát triển của mình để tiếp tục tiêu thụ năng lượng dầu khí, các nguyên liệu, nước sạch và những nhu cầu thiết yếu cho 1,3 tỷ người của đại lục. 

Về mục đích chính trị, cuộc diễn tập của Nga như một sự cảnh tỉnh đối với tham vọng của Trung Quốc về vấn đề nhập cư và tình hình biên giới biển. Nga muốn người Trung Quốc hiểu rõ, Nga chính là cửa sau của Trung Quốc trong điều kiện đối đầu với chính sách kiềm chế của Mỹ, để tránh làm người Nga bất hợp tác, Trung Quốc cần có một chính sách rõ ràng trong mối quan hệ Nga - Trung. 

Tham vọng ngang hàng về ảnh hưởng khu vực địa chính trị với siêu cường là Mỹ không thể thiếu sự im lặng của Liên bang Nga. Ý đồ gây ảnh hưởng với Nga là không có, nhưng những ảnh hưởng và lợi ích của Nga trong khu vực châu Á - Thái Bình dương, Trung Quốc không thể phớt lờ. 

Theo kênh truyền hình Japan News Network, cuộc tập trận không quân giữa Mỹ và Nhật ở vùng biển Hokkaido diễn ra trùng với thời gian cuộc tập trận Nga -Trung có mục đích theo dõi cuộc tập trận ở vịnh Peter Đại đế. Vì Hokkaido chỉ cách vịnh Peter Đại đế 600 km, nên các máy bay cất cánh tại đây có thể dễ dàng quan sát chuyển động của tàu bè Trung Quốc và Nga ở biển Nhật Bản. Ngay sau khi cuộc tập trận kết thúc, thông tin được tiết lộ trên trang Japanmil của Nhật cho biết Trung Quốc đang có ý định hỏi mua tuần dương hạm mạnh nhất thế giới lớp Kirov của Nga.

Theo báo chí Nhật cho biết, Nga hiện có 3 chiếc tàu tuần dương hạt nhân mang tên lửa điều khiển lớp Kirov, trong tổng số 4 chiếc được chế tạo từ thời Liên Xô, gồm các tàu: Đô đốc Nakhimov, Đô đốc Lazarev và Đô đốc Ushakov. Chiếc tàu tuần dương chạy bằng năng lượng hạt nhân lớp Kirov duy nhất hiện đang hoạt động là Pyotr Veliky, tàu chỉ huy của Hạm đội Phương Bắc. 

Ý đồ sở hữu siêu tuần dương hạm của Bắc Kinh ngày càng trở nên rõ ràng khi quốc gia này đang cần hiện đại hóa nhanh lực lượng hải quân trong thập kỷ tới để vươn tầm trong khu vực. Trong khi chờ đợi chiếc tàu sân bay thứ 2 của mình thì Bắc Kinh cần có một siêu tuần dương hạm đủ mạnh để đảm đương nhiệm vụ “người lĩnh ấn” thống soái và tàu tuần dương hạt nhân lớp Kirov là cái tên được mong đợi nhất, tờ Japanmil phân tích.