Đăng ký kinh doanh ngành nghề chưa có trong quy định
Hỏi: Công ty chúng tôi muốn được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh những ngành nghề chưa có trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, cụ thể là “Xây dựng, khai thác, kinh doanh kết cấu hạ tầng của nền kinh tế tri thức”; và “Sản xuất và kinh doanh các công cụ và phương tiện của nền kinh tế tri thức”. Chúng tôi cần phải làm gì để có được giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có các ngành nghề trên. Tôi muốn đặt tên công ty bằng chữ Arập để tiện cho liên hệ với khách hàng ở Trung Đông. Luật pháp ở Việt Nam có cho phép làm như vậy không?
Đỗ Mạnh Tuấn (Hà Nội)
Trả lời: Tại mục 4, điều 7, Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15-4-2010 về đăng ký kinh doanh nêu: “Đối với những ngành, nghề kinh doanh không có trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và chưa được quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật khác thì cơ quan đăng ký kinh doanh thông báo cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) để xem xét bổ sung mã mới”.
Như vậy anh cần có công văn gửi cơ quan đăng ký kinh doanh về việc đăng ký ngành nghề mới cho doanh nghiệp của anh. Cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ hướng dẫn doanh nghiệp của anh những bước đi để doanh nghiệp của anh có thể có đăng ký kinh doanh mới có ghi những ngành nghề mới.
Về việc đặt tên cho doanh nghiệp được quy định tại điều 13, Nghị định số 43/2010/NĐ-CP về đăng ký kinh doanh thì: Tên doanh nghiệp phải viết được bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, có thể kèm theo các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và ký hiệu, phát âm được và bao gồm hai thành tố loại hình doanh nghiệp và tên riêng của doanh nghiệp.
Loại hình doanh nghiệp có thể là công ty TNHH, công ty cổ phần, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân. Nghị định cũng ghi những điều cấm trong đặt tên doanh nghiệp, tên trùng, và tên gây nhầm lẫn, và các vấn đề liên quan tới đặt tên doanh nghiệp, xử lý đối với trường hợp tên doanh nghiệp vi phạm về sở hữu công nghiệp, tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.
Tại mục 1, điều 33. Luật Doanh nghiệp quy định tên doanh nghiệp viết bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt của doanh nghiệp là tên được dịch từ tên bằng tiếng Việt sang tiếng nước ngoài tương ứng. Khi dịch sang tiếng nước ngoài, tên riêng của doanh nghiệp có thể giữ nguyên hoặc dịch theo nghĩa tương ứng sang tiếng nước ngoài.
Có thể hiểu các ký tự trong bảng chữ cái tiếng Arập là các ký hiệu, phát âm được. Như vậy, anh muốn sử dụng các ký tự trong bảng chữ cái Arập trong tên doanh nghiệp của bạn thì anh sử dụng các chữ cái tiếng Việt, có thể là đó bản phiên âm tiếng Arập tên doanh nghiệp của bạn, và các ký tự của tiếng A rập trong tên của doanh nghiệp, nhưng phải lưu ý tới những gì mà Luật Doanh nghiệp và Nghị định số 43/2010/NĐ-CP ngày 15-4-2010 đã khuyến cáo.
LS. Bạch Tuyết Hoa
(VPLS Phúc Thọ, 23 Hồ Đắc Di, Nam Đồng, Đống Đa, Hà Nội)