"Dân xây nhà xin phép khó khăn, công trình lớn vi phạm lại ngang nhiên tồn tại"

ANTD.VN - Góp ý sửa Luật Xây dựng, nhiều đại biểu trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặt vấn đề: dân đổ đống cát, đống gạch trước cửa nhà là có người đến ngay nhưng những công trình lớn có vi phạm lại không thấy cơ quan quản lý nhà nước ở đâu…

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga băn khoăn về vi phạm trong lĩnh vực trật tự xây dựng

Sáng nay, 18-9, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Xây dựng.

Phát biểu tại phiên họp, Trưởng ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải phản ánh, bản thân bà và nhiều người dân vẫn băn khoăn, khi công trình xây dựng của người dân xin phép thì vô cùng khó khăn, nhưng có những công trình lớn vi phạm lại ngang nhiên tồn tại. “Người dân tâm tư, băn khoăn, mất lòng tin, không hiểu tại sao lại như vậy” – nữ ĐBQH nói.

Chung mối quan tâm này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, cần phải đánh giá đúng thì mới xem xét việc sửa các quy định trong luật cho phù hợp được. Thực tế, người dân còn bức xúc vì dân đổ đống cát, đống gạch trước cửa nhà là có người đến ngay nhưng những công trình lớn có sai phạm thì lại không thấy cơ quan quản lý nhà nước, những người có thẩm quyền ở đâu.

Bà Nga cũng bày tỏ băn khoăn khi báo cáo của Bộ Xây dựng đánh giá là tình hình vi phạm trật tự xây dựng thời gian qua có xu hướng giảm, trong khi vừa qua có nhiều vụ việc sai phạm lớn được công bố, có một số vụ phải khởi tố doanh nghiệp.

“Sửa Luật Xây dựng là cần, nhưng phải xác định những cái cấp bách, phải tổng kết rất kỹ” – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga nhấn mạnh, đồng thời đề nghị lần sửa đổi này cần phải tính đến việc chấn chỉnh lại hoạt động của thanh tra chuyên ngành xây dựng, khi mới đây có vụ việc tai tiếng liên quan đến chính lực lượng thanh tra của Bộ Xây dựng.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Nhiều đại biểu khác đề nghị thêm, việc sửa Luật Xây dựng lần này cần khắc phục triệt để tình trạng “phạt cho tồn tại”, kiên quyết “phạt phải xử lý” đối với các công trình xây dựng có vi phạm, nhằm thực hiện nghiêm túc các quy định về trật tự xây dựng.

Tiếp thu và giải trình một số ý kiến của các đại biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, những tồn tại, khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực xây dựng mà các đại biểu chỉ ra là hoàn toàn xác đáng.

Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh, Luật Xây dựng năm 2014 thực hiện mới được hơn 4 năm nên lần này Chính phủ chỉ trình sửa một số nội dung, chủ yếu nhằm đổi mới, cải thiện đầu tư kinh doanh, bảo đảm tính đồng bộ hệ thống pháp luật khi một số luật khác liên quan đã và đang được sửa đổi.

Với phản ánh về tình trạng “phạt cho tồn tại”, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nêu rõ, các sai phạm cụ thể liên quan đến thanh tra xây dựng vừa qua bị xử lý nghiêm theo luật định. Mặt khác, theo Nghị định 139 có hiệu lực từ 1-1-2018 thì không được phép “phạt cho tồn tại” nên nếu thực hiện công trình không đúng thì phải khôi phục đúng theo cấp phép.