“Dân thường” cũng mắc tội tham nhũng!
(ANTĐ) - Theo cách hiểu thông thường, một công dân bình thường không thể là chủ thể của loại tội phạm tham nhũng, hay cụ thể là tội tham ô tài sản hoặc nhận hối lộ, chủ thể của loại tội này phải là người có chức vụ quyền hạn. Và đây cũng là căn cứ bào chữa của khá nhiều luật sư khi cho rằng, thân chủ của mình không phạm phải tội trên khi không có “chức sắc”. Tuy nhiên, xem xét dưới góc độ đồng phạm và trong từng hành vi, hoàn cảnh cụ thể thì mọi việc không đơn giản như vậy.
Các cựu trọng tài bóng đá là chủ đề của nhiều cuộc tranh cãi liên quan đến chủ thể của tội phạm tham nhũng |
Chỉ đúng khi là...“chính phạm”?
Câu chuyện chủ thể đặc biệt của tội phạm tham nhũng đang gây nhiều tranh cãi trong giới làm luật. Nhiều ý kiến cho rằng, muốn kết tội một công dân về hành vi tham ô tài sản hoặc nhận hối lộ, người đó phải đang giữ một trọng trách nhất định, hay nói cách khác, người đó phải có “chức sắc” trong một lĩnh vực, ngành nghề cụ thể. Nhưng cũng có nhiều ý kiến cho rằng, không cần thỏa mãn điều kiện trên, một người bình thường cũng có thể bị xem xét, truy cứu tội danh này khi với vai trò đồng phạm là giúp sức, hoặc thậm chí là chủ mưu.
Luật sư Nguyễn Phương Nam, Trưởng văn phòng Luật sư số 10 - Đoàn luật sư Hà Nội dẫn chứng: “Đối với một trường hợp công dân bình thường, khi họ móc ngoặc, câu kết, hay điều khiển một người có địa vị để rút tiền trong ngân sách Nhà nước, khi đó cả hai có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo tội danh tham ô tài sản mà không cần phân biệt dấu hiệu chủ thể đặc biệt”.
Hay như với quan điểm của chuyên gia Luật học Phạm Xuân Linh: “Đồng ý rằng chủ thể của tội phạm tham nhũng, cụ thể hơn là tội tham ô tài sản phải là người có chức vụ quyền hạn, có trách nhiệm quản lý tài sản Nhà nước, nhưng chỉ bắt buộc yếu tố “chủ thể đặc biệt” đối với các trường hợp họ là... “chính phạm”, là người tổ chức, chủ mưu, còn người xúi giục hoặc giúp sức không nhất thiết bắt buộc tiêu chí trên. Những người này chỉ cần có hành vi xúi giục, hứa hẹn hoặc giúp sức trước khi tội phạm hoàn thành và biết được hành vi phạm tội đó mà vẫn cố ý vi phạm thì sẽ trở thành tội phạm của loại tội này.
Vụ án tham ô tài sản mới được TAND thành phố Hà Nội xét xử gần đây là một ví dụ. Với nhiệm vụ bảo vệ tài sản cho công ty, Trần Hảo đã móc ngoặc với Trần Thị Hả - chủ cửa hàng chuyên kinh doanh sắt thép và “tuồn” số lượng lớn sắt thép của công ty ra ngoài thị trường rồi cả hai chia nhau số tiền tham ô hơn 100 triệu đồng. Ra tòa, cả Trần Hảo và Trần Thị Hả đều bị TAND tuyên án cùng một tội danh: “Tham ô tài sản”, mặc dù, với Trần Thị Hả chỉ là người kinh doanh sắt thép, không có chức vụ, quyền hạn hoặc chịu trách nhiệm quản lý tài sản của Nhà nước.
Các quyết định giao việc cũng là căn cứ
Trong thực tiễn xét xử, một công dân bình thường cũng có thể là chủ thể đặc biệt của loại tội này vẫn là chủ mưu trong vụ án khi căn cứ buộc tội là những hành vi cụ thể, các quyết định giao việc cụ thể từ cấp trên cho chủ thể này. Đơn cử như vụ án tiêu cực trọng tài bóng đá Việt Nam. Đây là vụ án tồn tại nhiều ý kiến, quan điểm trái ngược được TAND Tối cao xét xử phúc thẩm vừa qua. Theo các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo, về logic, các trọng tài là thành viên của một tổ chức xã hội nghề nghiệp, do vậy, khi “cầm còi” điều khiển các trận đấu, những bị cáo này không phạm phải tội danh tham nhũng.
Không đồng tình với cách nghĩ này, Thẩm phán Lê Thị Bảo Hằng – TAND thành phố Hà Nội, chủ tọa phiên tòa sơ thẩm vụ án nói trên cho rằng, về danh nghĩa, đúng là các trọng tài đều là thành viên của một tổ chức xã hội nghề nghiệp, không có chức vụ quyền hạn, không phải chủ thể của tội danh tham nhũng. Tuy nhiên, khi được cấp trên hoặc Ban tổ chức giải đấu ký hợp đồng hoặc giao cho nhiệm vụ “cầm còi” một số trận đấu cụ thể, tại những trận đấu này, người trọng tài có quyền quyết định số phận trận đấu, có quyền sử dụng vị trí của mình trên sân để “bắt” có lợi hoặc bất lợi cho một bên nào đó, do vậy, yếu tố “chủ thể đặc biệt” được hiểu và áp dụng khá linh hoạt, có thể được xem xét theo từng hành vi cụ thể, một quyết định giao việc cụ thể của từng người.
Tuy nhiên, nói như bà Thẩm phán Lê Thị Bảo Hằng: “Bất luận người đó là ai, chỉ cần họ có thể dùng ảnh hưởng của mình để làm tốt lên hoặc xấu đi cho quyền lợi của một bên này hoặc bên kia để chuộc lợi là có thể trở thành chủ thể của tội phạm tham nhũng” thì xem ra có phần hợp lý hơn cả.
Bảo Thắng