Dân thiếu đất trong khi hàng trăm nghìn ha đất nông trường để hoang hóa

ANTĐ -Thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng nay, 10-11, các ĐBQH bày tỏ sự trăn trở trước tình trạng hàng chục nghìn hộ dân, nhất là các hộ dân tộc thiểu số đang thiếu đất ở, đất sản xuất trong khi rất nhiều nông lâm trường để đất hoang hóa, sử dụng trái mục đích.

Trước đó, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã trực tiếp làm việc tại 27 huyện, 16 nông trường, 10 lâm trường, 6 ban quản lý rừng thuộc 20 tỉnh, thành phố và 3 bộ ngành liên quan việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại các nông, lâm trường quốc doanh giai đoạn 2004 – 2014.

Nhiều nông, lâm trường đang để đất hoang hóa, sử dụng sai mục đích (Ảnh minh họa)

Báo cáo kết quả giám sát, Chủ tịch Hội đồng dân tộc của Quốc hội K’Sor Phước cho biết, trong giai đoạn 2004 - 2014, công tác quản lý, sử dụng đất của các nông, lâm trường quốc doanh đã có những chuyển biến tích cực so với giai đoạn trước 2004. Một số nông, lâm trường đã được sắp xếp, chuyển đổi để phân biệt rõ nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ công ích.

Tuy vậy, hiệu quả sử dụng tài nguyên đất đai và sản xuất kinh doanh còn nhiều hạn chế. Các nông, lâm trường được Nhà nước giao quản lý diện tích đất đai khá lớn (7.916.366 ha), song việc quản lý, sử dụng đất đai hiệu quả chưa cao. Tình trạng sử dụng sai mục đích, để đất hoang hoá, đất chưa sử dụng vẫn còn khá nhiều (hiện còn 236.619ha đất chưa sử dụng).

Kết quả sắp xếp, chuyển đổi mô hình quản lý, quản trị doanh nghiệp còn hình thức. Phần lớn các công ty nông, lâm nghiệp chưa chuyển sang hình thức thuê đất, giao đất có thu tiền sử dụng đất (khoảng 60% các công ty nông, lâm nghiệp với 88% diện tích).

Đặc biệt, nhiều nông, lâm trường, nhất là những nơi khoán trắng, không quản lý chặt chẽ quá trình sử dụng đất sau khi giao khoán, để xảy ra tình trạng người nhận khoán đất của công ty nông, lâm nghiệp tự do chuyển nhượng, mua bán hợp đồng giao khoán, chuyển mục đích sử dụng đất trái pháp luật, tự ý xây dựng nhà ở, công trình dịch vụ kiên cố trên đất nhận khoán, gây nhiều bức xúc…

ĐB Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) góp ý về việc sử dụng đất nông, lâm trường tại Quốc hội

Trước thực trạng này, các ĐB Trương Văn Vở (đoàn Đồng Nai), Nguyễn Thị Khá (đoàn Trà Vinh) cho rằng, việc thực hiện sắp xếp, chuyển đổi các nông lâm trường quốc doanh thành các công ty nông, lâm nghiệp trong 10 năm qua thực chất vẫn chỉ là “bình mới, rượu cũ”, trong khi phương thức quản lý và hoạt động của các đơn vị này chưa có sự thay đổi căn bản.

Các ĐB Nguyễn Thu Anh (đoàn Lâm Đồng), Nguyễn Thị Hải (đoàn Nghệ An) thì trăn trở trước tình trạng tranh chấp, lấn chiếm đất đai giữa các hộ dân với các nông lâm trường và cho rằng nguyên nhân căn bản của thực trạng này chính là do người dân thiếu đất ở, đất sản xuất trong khi việc sử dụng đất của các nông lâm trường hiệu quả thấp.
ĐB Nguyễn Thu Anh dẫn chứng, năm 2014, tại Yên Bái còn trên 9.000 hộ dân thiếu đất sản xuất, Thái Nguyên có 10.265 hộ thiếu đất sản xuất, Tuyên Quang có 831 hộ thiếu đất ở, trên 4000 hộ thiếu đất sản xuất…  khiến đời sống của bà con vô cùng khó khăn. Trong khi đó, các nông lâm trường được bố trí quỹ đất rất lớn nhưng phần lớn sử dụng kém hiệu quả, sai mục đích, chậm bị thu hồi.

Về nguyên nhân dẫn đến thực trạng này, ĐB Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) chỉ ra: đó là do nhận thức từ các cấp quản lý chưa đầy đủ; cơ chế chính sách còn khiếm khuyết; hoạt động thanh kiểm tra chưa nghiêm, xử lý chưa quyết liệt… Phó trưởng đoàn ĐBQH TP Hà Nội cùng nhiều ĐB khác đề nghị Chính phủ phải rà soát, ban hành cơ chế chính sách mới để khắc phục các tồn tại hiện nay, đồng thời kiến nghị Quốc hội ban hành nghị quyết về vấn đề này.