Dàn nhạc tái chế - giấc mơ có thực

ANTĐ - Với cộng đồng cư dân nghèo Cateura ở ngoại ô Thủ đô Asuncion, Paraguay, rác không chỉ là nguồn sinh kế mà nhờ nó người ta còn phát hiện được nhiều tài năng âm nhạc mới. Giờ thì dàn nhạc tái chế Cateura có thể tự hào rằng: Hãy gửi rác cho chúng tôi, chúng tôi sẽ gửi lại… âm nhạc.

Dàn nhạc tái chế Cateura đã được biểu diễn tại những nhà hát nổi tiếng thế giới

Dàn nhạc lạ đời

Rác là nguồn sống duy nhất và quanh năm của người dân Cateura, đơn giản họ là những người sống bằng nghề thu nhặt phế liệu. Những du khách một lần đến với Cateura sẽ vô cùng ngạc nhiên trước óc sáng tạo, ý chí vươn lên của con người, đó là dàn nhạc tái chế của Cateura. 

Đàn violin được “chế” từ khay lò nướng, đàn cello nhờ khoét đục từ vỏ thùng dầu ăn, thậm chí dây đàn cũng được tái chế. Ý tưởng này bắt nguồn từ kỹ sư về môi trường Favio Chavez. Một lần tình cờ tới Cateura, chứng kiến bọn trẻ chơi đùa trên một ngọn đồi toàn rác, ông đã nảy ra ý tưởng mở một trường dạy nhạc để kéo lũ trẻ ra khỏi môi trường này. Ngay từ đầu, Favio nhận ra rằng cho dù có quyên góp thì tiền mua mới nhạc cụ là bất khả thi. Một chiếc violin chuẩn có giá cao hơn một ngôi nhà ở đây và nếu mua nó chắc chắn sẽ bị đánh cắp. Nhưng giải pháp đã đến thật bất ngờ.

Những nhạc cụ lần lượt ra đời nhờ bàn tay của những người bới rác và bác thợ mộc Don Cola Gomez. Mỗi tuần, Don Cola Gomez dành 3 ngày vào bãi rác để tìm các nguyên liệu thô. Xưởng mộc của ông ngay gần đó. Đầu tiên, Favio đặt ông làm một cây vĩ cầm. Điều này thì nghệ nhân “Stradivarius của Nam Mỹ” chưa bao giờ nghe thấy. Nhưng hứng thú với yêu cầu lạ đời đó, ông nhanh chóng làm ra 3 chiếc violin trong một tuần, sau đó thì cello, guitar, trống cũng ra đời từ… rác.

Chiếc đàn vĩ cầm từ sản phẩm tái chế dần hoàn thiện dưới bàn tay ông Don Cola Gomez 

Tương lai rộng mở

Chỉ khi Thủ đô Asuncion của Paraguay quyết định chôn lấp rác ở đây, thị trấn Cateura mới hình thành. Hiện khu vực này có 2.500 gia đình sinh sống. Điện phập phù, nguồn nước ô nhiễm, thanh thiếu niên lớn lên dễ sa vào phạm tội và ma túy. Nhưng giờ thì bọn trẻ ở đây được sống với một thế giới khác. “Khi chơi violin, cháu cảm giác như mọi thứ xung quanh biến mất, hiện lên một nơi tuyệt đẹp. Nơi đó có bầu trời trong xanh, cánh đồng bát ngát, sạch sẽ, không có rác và ô nhiễm như nơi này”, cậu bé Add Rios tâm sự.

15 tuổi, Add Rios đã được chơi nhạc 3 năm nay. Em là nghệ sĩ violin đầu tiên của dàn nhạc, cùng với em gái Noelia chơi cello. Cơ duyên đưa 2 em gái nhỏ này đến với  âm nhạc lại từ bà ngoại Mirian Rios. Bà Mirian chuyên thu thập chai cũ trên đường phố Asuncion  rồi mang về Cateura để bán. 3 năm trước, thấy một thông báo quảng cáo lớp học nhạc miễn phí cho trẻ em, người phụ nữ thời trẻ từng ấp ủ mơ ước trở thành ca sỹ quyết định đăng ký cho cháu. “Đôi khi giấc mơ của chúng ta trở thành sự thật, có thể không phải là đối với bản thân chúng ta mà là qua những người mà ta yêu quý”, bà Mirian Rios nói.

Thứ bảy hàng tuần, sân trường học ở Cateura lại biến thành ốc đảo âm nhạc đầy màu sắc. Bọn trẻ đổ về học nhạc và biểu diễn. Lần đầu tiên, trẻ em ở đây cũng được ra khỏi Cateura, đi biểu diễn khắp đất nước, quan trọng là chúng đã được mọi người lắng nghe và tán thưởng. Từ dàn nhạc độc đáo này, bộ phim tài liệu có tên “Bản hòa âm từ bãi rác” ra đời. Đoạn phim giới thiệu khi được đưa lên YouTube năm ngoái đã được lan truyền với tốc độ chóng mặt, dàn nhạc nhận được lời mời biểu diễn từ khắp nơi trên thế giới.

 Bộ phim về chuyến lưu diễn của dàn nhạc tới châu Âu và Mỹ đến năm sau mới được phát hành nhưng hiện giờ nhiều người đã ủng hộ nhạc cụ cho dàn nhạc. Quan trọng hơn, nhạc sỹ nổi tiếng nhất người Paraguay Berta Rojas thường xuyên bay từ Mỹ về để bồi dưỡng cho các nghệ sỹ nhỏ tuổi nơi này, cuộc đời của các em chắc chắn có sự thay đổi lớn so với những thế hệ trước.