Dẫn lại bài báo cách 3 năm, đổ "tiếng ác" cho hộ dân chuyên cung cấp nước phở bẩn

ANTD.VN - Một bài báo kèm hình ảnh được đăng tải từ năm 2013, nội dung thời điểm đó đã được các cơ quan chức năng xác định là không chính xác; nhưng đến tháng 8-2016, bài báo cùng hình ảnh ảnh đã được một số trang tin điện tử “xào” lại.

Ngày 20-9, CAQ Hai Bà Trưng (Hà Nội) cho biết, đơn vị phối hợp với phòng chức năng CATP và các cơ quan Y tế, Quản lý thị trường, đã xác minh, làm rõ thông tin không chính xác về “1 cơ sở sử dụng nước phở bẩn được pha chế từ nước ép ruốc thịt”, liên quan đến 1 hộ gia đình trên địa bàn quận.

Cán bộ CAP Cầu Dền trao đổi, động viên với bà Oanh trước những tin đồn thất thiệt

 Cụ thể, đầu tháng 8-2016, một số trang tin điện tử, mạng xã hội thông tin: “Hàng ngàn người Hà Nội ăn nước phở bẩn mỗi sáng”. Nhiều quán phở, bún trên địa bàn Hà Nội chỉ cần bỏ ra 50.000 đồng là mua được vài chục lít nước phở chế sẵn từ nước luộc và ép các loại thịt ôi thiu làm ruốc chế sẵn.

Vẫn theo thông tin ở các bài viết – bài dẫn lại nêu trên, cơ sở chế biến ruốc thịt có địa chỉ tại số 2, ngõ 10, Đê Tô Hoàng, phường Cầu Dền, quận Hai Bà Trưng, do bà Bùi Thị Oanh làm chủ.

Thông tin "lò" sản xuất nước phở bẩn đăng thất thiệt từ tháng 5-2013 trên một ấn phẩm điện tử

Dẫn lại bài báo cách 3 năm, đổ "tiếng ác" cho hộ dân chuyên cung cấp nước phở bẩn ảnh 3

Và đã được trang tin điện tử khác "xào" lại sau hơn 3 năm!

Trước tính chất nghiêm trọng của thông tin này, ngày 11-8-2016, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản Hà Nội, Đội Quản lý thị trường số 24 thuộc Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội, Phòng Kiểm soát ô nhiễm thuộc Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội, Phòng Cảnh sát môi trường thuộc CATP Hà Nội, và CAQ Hai Bà Trưng đã lập đoàn kiểm tra, thanh tra đột xuất địa chỉ trên.

Tại thời điểm kiểm tra, bà Oanh đang chế biến số lượng ruốc 2,5 kg, và chủ nhà cho biết, lượng ruốc này do người quen nhờ làm để sử dụng cho gia đình. Trong nhà không có dụng cụ, nguyên liệu gì để chế biến nước phở.

Làm việc với chính quyền cơ sở, đoàn kiểm tra ghi nhận trên địa bàn đường Đê Tô Hoàng không có hộ kinh doanh nào có hoạt động sản xuất kinh doanh nước phở, như thông tin một số trang tin điện tử nêu.

Trao đổi với PV ANTĐ ngày 20-9, bà Nguyễn Thị Hạnh – Phó chủ tịch UBND phường Cầu Dền xác nhận, trước năm 2010, hộ gia đình bà Oanh có sản xuất ruốc và nước phở. Tuy nhiên, đó là nghề cũ của chồng bà Oanh, và từ năm 2010 trở lại đây, bà Oanh đã ngừng việc làm ruốc để bán. Thi thoảng khi có người thân quen, họ hàng nhờ làm ruốc, bà Oanh làm nhưng chỉ với số lượng ít.

“Thông tin cho rằng cơ sở kinh doanh của bà Oanh tại số 10 ngõ 2 đường Đê Tô Hoàng, cung cấp nước phở bẩn cho hàng trăm quán phở trên địa bàn Hà Nội là không đúng sự thật”, bà Nguyễn Thị Hạnh bày tỏ. Đồng quan điểm với vị lãnh đạo phường, ông Nguyễn Văn Định –Tổ trưởng tổ dân phố 8A cho rằng, cơ quan chức năng cần nghiêm khắc với những cá nhân, cơ quan đưa thông tin thất thiệt, không chỉ gây ảnh hưởng đến sinh hoạt, danh dự của người dân, mà còn gây hoang mang dư luận xã hội.

Quá trình tìm hiểu sự việc này, PV ANTĐ xác định “nguồn” tin và hình ảnh mà một số trang tin điện tử, mạng xã hội dẫn lại gần đây, được trích dẫn từ bài báo (cũng trên trang tin và báo điện tử), đăng tải từ… tháng 5-2013. Và ngay từ thời điểm đó, cơ quan chức năng của Hà Nội đã vào cuộc xác minh, bác bỏ thông tin sai sự thật này.

Thông tin và trách nhiệm của người viết đối với thông tin của mình; đó là yêu cầu hết sức cần thiết trong bối cảnh Internet phát triển đa dạng như hiện nay. Nên chăng, các cơ quan quản lý cần xem xét trách nhiệm đối với đơn vị, cá nhân đã duyệt, đăng tải những thông tin thiếu ý thức, không được kiểm soát. Bởi, những hệ lụy mà những thông tin ấy đã và đang gây ra, khó có thể đo đếm.