- Bộ Thông tin và Truyền thông phổ biến Luật Báo chí năm 2016
- Phổ biến những nội dung cơ bản một số bộ luật năm 2016 được QH khóa XIII thông qua
- Nhận diện nguy cơ "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong lĩnh vực báo chí và một số giải pháp khắc phục (2)
Toàn cảnh hội thảo
Luật Báo chí 2016 được Quốc hội thông qua ngày 5-4-2016 thay thế Luật Báo chí 1999 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2017. Đặc biệt, Luật Báo chí cũng "luật hoá" những quy định bắt buộc về đạo đức người làm báo.
Tại hội thảo, nhà báo Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết: Bộ Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam lần này sẽ căn cứ vào những biến động, nét mới của đời sống xã hội, đời sống báo chí và thời đại công nghệ kỹ thuật số... mà bộ Quy định trước đây chưa đề cập tới.
Theo nhà báo Hồ Quang Lợi, hiện nay, vấn đề đạo đức người làm báo đang thu hút sự quan tâm rất lớn từ dư luận xã hội. Quy định đạo đức nghề nghiệp người làm báo phải thể hiện được tất cả những nội dung cơ bản nhất, thiết yếu nhất, vừa có tính khái quát, vừa có tính cụ thể, dễ nhớ, dễ hiểu, dễ thực hiện.
Sau 2 lần họp tập hợp ý kiến tâm huyết từ các nhà báo lão thành, các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí và các cơ quan báo chí trong cả nước, Ban soạn thảo đã cân nhắc, chắt lọc và đưa ra bản dự thảo Quy định gồm 9 điều dựa trên sự kế thừa bộ quy định ban hành năm 2005.
Tại hội thảo, các ý kiến đều đồng tình với việc cần thiết phải bổ sung, hoàn thiện Bộ Quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam, xây dựng dựa trên chuẩn mực về đạo đức, tập quán của dân tộc. Bộ Quy định này cần định lượng được các nội dung và dễ thực hiện, đặc biệt là việc xử lý các trường hợp vi phạm.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng đồng tình việc quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo phải hội tụ đủ các yếu tố cơ bản như sự công tâm, trung thực, công bằng, cân bằng trong tác phẩm cũng như hành nghề; thực hiện đúng mục đích, tôn chỉ tờ báo, quy tắc hành nghề, chuẩn mực trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội; Không lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi, vô cảm, vi phạm bản quyền, làm lộ bí mật quốc gia...
Tin tưởng rằng sau khi được hoàn thiện thêm, bộ quy định quan trọng này sẽ được lan toả trong đời sống báo chí và có tác động tích cực, trực tiếp đến đội ngũ những người làm báo Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam đã nhấn mạnh: “Mục tiêu của bộ Quy định này có giá trị dẫn dắt lương tâm và trách nhiệm của người cầm bút”.
Dự thảo Quy định về đạo đức nghề nghiệp người làm báo Việt Nam:
1. Trung thành với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Hết lòng phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.
2. Chấp hành nghiêm Luật Báo chí và các quy định của pháp luật. Thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích của cơ quan báo chí.
3. Hành nghề trung thực, khách quan, công bằng và cân bằng. Bảo vệ công lý và lẽ phải. Không bóp méo, làm sai lệch, xuyên tạc sự thật.
4. Nêu cao tinh thần nhân văn, tôn trọng quyền con người. Không xâm phạm đời tư, làm tổn hại danh dự, nhân phẩm, lợi ích chính đáng của tập thể và công dân.
5. Không lợi dụng nghề nghiệp để vụ lợi. Nghiêm túc, chuẩn mực khi tham gia mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác.
6. Bảo vệ bí mật quốc gia, bí mật nguồn tin.
7. Tôn trọng bản quyền. Đoàn kết, tương trợ đồng nghiệp.
8. Tích cực học tập, nâng cao trình độ chính trị, nghiệp vụ, phấn đấu vì một nền báo chí đạo đức, chuyên nghiệp và hiện đại.
9. Giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt. Bảo vệ và phát huy giá trị văn hoá dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hoá thế giới.