Đảm bảo an ninh, trật tự tại các khu công nghiệp

ANTD.VN - Hiện nay trên địa bàn TP Hà Nội có 8 khu công nghiệp và chế xuất đã triển khai đi vào hoạt động với tổng diện tích hơn 1.500 ha, thu hút hàng trăm nghìn lao động trong nước cũng như các chuyên gia nước ngoài. Yêu cầu đảm bảo ANTT tại những khu công nghiệp, khu chế xuất (KCN, KCX) này đặc biệt quan trọng, đã và đang được CATP Hà Nội triển khai hiệu quả.

Đảm bảo an ninh, trật tự tại các khu công nghiệp  ảnh 1Lực lượng công an phối hợp với các bảo vệ khu công nghiệp triển khai công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn

Những nguy cơ tiềm ẩn mất ANTT

Với chính sách tạo điều kiện trên nhiều mặt, lĩnh vực của UBND TP, Hà Nội đang nổi lên là một trong những địa phương có sức hút rất lớn đối với các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư. Với 8 KCN, KCX, trong đó có 4 KCN thuộc địa bàn Cụm thi đua số 7 quản lý về ANTT gồm KCN Thăng Long - Đông Anh, KCN Quang Minh - Mê Linh, KCN Nội Bài - Sóc Sơn và KCN Thạch Thất - Quốc Oai. Bên cạnh đó, một số đơn vị còn có khu công nghệ cao, cụm công nghiệp như Khu công nghệ cao Hòa Lạc, Cụm công nghiệp thị trấn Phùng, KCN vừa và nhỏ Nguyên Khê - Đông Anh, Cụm công nghiệp thị trấn Phúc Thọ, Cụm công nghiệp Liên hiệp và một số doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài ở Đông Anh, Nội Bài, Sóc Sơn…

Theo đánh giá của CATP Hà Nội, bên cạnh những thuận lợi về phát triển kinh tế xã hội, giải quyết vấn đề việc làm, tăng năng suất lao động, đem lại nguồn thu ngân sách cho địa phương…, thì tại những KCN và KCX này cũng xuất hiện không ít khó khăn trong công tác đảm bảo ANTT. Nhiều thế lực thù địch, phản động chống đối trong nước và ở nước ngoài đã lợi dụng những vấn đề “nóng” trong nước để kích động, xuyên tạc chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước ta. Chúng tìm đủ mọi cách để xúi giục, kích động công nhân lãn công trái pháp luật gây ảnh hưởng xấu đến ANTT cũng như môi trường đầu tư trong nước.

Bên cạnh đó, số người nước ngoài đến làm việc tại các KCN, KCX, cụm công nghiệp đông nhưng công tác quản lý của cơ quan chức năng về đăng ký tạm trú, tạm vắng vẫn còn hạn chế. Ngoài ra, do yếu tố khách quan về khó khăn kinh tế, một số doanh nghiệp phá sản, giải thể, tái cơ cấu dẫn đến tình trạng cắt giảm lao động, gây ra tình trạng thất nghiệp, khó khăn cho đời sống công nhân. Một số doanh nghiệp còn lợi dụng kẽ hở chính sách phát luật, thực hiện pháp luật chưa nghiêm túc… gây khó khăn, bức xúc trong người lao động đã dẫn đến những sự việc đình công. 

Cùng với đó, tại một số KCN vẫn còn xảy ra tình trạng trộm cắp tài sản trong những nhà trọ của công nhân. Nguyên nhân do ý thức tự phòng ngừa, chống tội phạm trộm cắp của chính những bảo vệ, công nhân, người lao động còn chưa cao. Hệ thống nhà trọ dành cho người lao động hay công nhân ở ngoài KCN nhiều chỗ còn tạm bợ. Nhiều công nhân ở trọ xung quanh các KCN, KCX đi làm cả ngày vắng nhà, không ai trông coi nhà cửa nên dễ dàng bị đối tượng trộm cắp lợi dụng để ra tay trộm cắp tài sản.

“Lực lượng bảo vệ tại một số doanh nghiệp trong KCN chất lượng còn thấp. Có doanh ngiệp lực lượng bảo vệ còn lợi dụng chức năng, nhiệm vụ được giao để cấu kết với đối tượng hình sự bên ngoài nhằm trộm cắp tài sản. Bên cạnh đó, công tác tự phòng, tự quản tại một số công ty, doanh nghiệp còn chưa chủ động, có tâm lý giao khoán cho bảo vệ, đơn vị bảo hiểm nên đùn đẩy và mặc nhiên coi đó là trách nhiệm của cơ quan công an” - đại diện CAH Mê Linh đánh giá. 

Chủ động phòng ngừa, giải quyết sự cố

Cũng theo đánh giá của CATP Hà Nội, số người lao động ở tỉnh, huyện khác đến làm việc tại các KCN, KCX đông, tuy nhiên các khu nhà ở xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu của người lao động. Chính vì vậy, phần đông số lao động tỉnh ngoài phải tạm trú tại các khu nhà trọ của các hộ gia đình xung quanh KCN. Mặt khác, một số doanh nghiệp cũng như hộ gia đình cho thuê trọ thiếu ý thức trách nhiệm, nhận thức về công tác quản lý cư trú, đăng ký tạm trú, tạm vắng nên gây khó khăn cho công tác quản lý của cơ quan chức năng.

Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng CAH Đông Anh, đơn vị Cụm trưởng Cụm thi đua số 7 đánh giá: “Tại các xã giáp KCN, số lượng người tỉnh ngoài về địa bàn kinh doanh, buôn bán phục vụ nhu cầu sinh hoạt của công nhân thuê trọ ngày một nhiều, đã kéo theo nhiều loại hình dịch vụ, các cơ sở kinh doanh có điều kiện, nhạy cảm về ANTT, từ đó tiềm ẩn những nguy cơ gây mất ANTT. Tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè làm nơi kinh doanh, buôn bán đã gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng xấu đến hình ảnh mỹ quan đô thị”. 

Xác định tính chất đặc biệt quan trọng trong công tác đảm bảo ANTT tại các KCN, KCX, Thiếu tướng Phạm Xuân Bình, Phó Giám đốc CATP Hà Nội nhấn mạnh sự chủ động của các đơn vị địa bàn, phòng nghiệp vụ đóng vai trò quyết định. Tình hình ANCT, ANTT tại các KCN, KCX trong thời gian qua được giữ vững, ổn định, tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam. Theo thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2016, các lực lượng đã kịp thời phát hiện, tham mưu giải quyết ổn định 3 vụ đình công, ngừng việc có liên quan đến chế độ làm việc, lương thưởng của công nhân, bảo vệ quyền lợi cho người lao động cũng như ổn định tình hình ANTT tại các KCN, KCX.

Các thành viên trong Cụm thi đua số 7, CATP Hà Nội đã chủ động xây dựng, triển khai các kế hoạch, chuyên đề phòng ngừa đấu tranh với các loại tội phạm và tệ nạn xã hội; mở các đợt cao điểm tập trung đấu tranh trấn áp các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, tổ chức truy bắt đối tượng truy nã. Lực lượng công an đã phát hiện 56 vụ phạm pháp hình sự, trong đó cố ý gây thương tích có 10 vụ, cướp tài sản 2 vụ, trộm cắp tài sản chiếm tỷ lệ khá cao với 41 vụ… Lực lượng công an đã điều tra, khám phá 19 vụ với 34 đối tượng, bắt giữ cả đối tượng truy nã. 

Đối với tội phạm ma túy, lực lượng công an đã phát hiện xử lý 5 vụ, lập hồ sơ truy tố 3 vụ, 3 đối tượng và xử lý hành chính nhiều đối tượng khác. Công tác xử lý vi phạm về môi trường, kinh tế cũng được Cụm thi đua số 7 triển khai hiệu quả, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những trường hợp cố tình vi phạm về môi trường, tránh gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân.

“Chúng tôi đã duy trì thường xuyên công tác kiểm tra, quản lý tạm trú, tạm vắng, nhắc nhở những cơ sở kinh doanh lưu trú tuân thủ các quy định của pháp luật. Các đơn vị công an trong Cụm thi đua số 7 đã thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Kế hoạch 54 của Giám đốc CATP Hà Nội về quản lý các cơ sở kinh doanh có điều kiện, nhạy cảm về ANTT, các kế hoạch, chuyên đề về kiểm tra những cơ sở kinh doanh Karaoke, quán bar, cơ sở cầm đồ…, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý đối với những trường hợp vi phạm về TTATGT, đăng ký tạm trú, tạm vắng, tránh tái phạm…” - đại diện CAH Đông Anh cho biết. 

Nâng cao vai trò chủ doanh nghiệp, người lao động

Ở mỗi một địa bàn, tùy từng tính chất đặc thù, các đơn vị trong Cụm thi đua số 7 sẽ có những biện pháp, các làm khác nhau, giúp cho công tác đảm bảo ANTT được giữ vững. Từ CAH Thạch Thất, Quốc Oai, Đan Phượng, Phúc Thọ, đến Đông Anh, Sóc Sơn… đều xây dựng những kế hoạch, chuyên đề riêng trên cơ sở kế hoạch, chủ trương chung của CATP Hà Nội trên lĩnh vực đảm bảo ANTT tại các KCN.

Điểm chung của các thành viên trong Cụm thi đua số 7 đó chính là sự chủ động trong từng vấn đề, kế hoạch, phương án… Việc chủ động phối hợp với các phòng nghiệp vụ, các ban, ngành chức năng, doanh nghiệp… nắm tình hình, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cả chủ doanh nghiệp và công nhân, người lao động để từ đó có biện pháp giải quyết, không để xảy ra sự cố gây mất ANTT. 

Một biện pháp được CATP Hà Nội đẩy mạnh đó chính là nâng cao ý thức, vai trò trách nhiệm không chỉ cho các chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư mà còn đến với tất cả công nhân, người lao động trong công tác đảm bảo ANTT, phát triển sản xuất.

Đối với các chủ doanh nghiệp, CATP Hà Nội chủ động nắm bắt tâm tư nguyện vọng của họ để tham mưu, hướng dẫn những doanh nghiệp này có những điều chỉnh phù hợp giữa các doanh nghiệp trong KCN, tuyên truyền để người lao động hiểu, nhận thức đầy đủ về các chế độ như lương, thưởng, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…, không tham gia các hành động tụ tập, biểu tình, lãn công gây khó khăn cho doanh nghiệp, đình đốn sản xuất.

Các đơn vị còn phối hợp với Ban quản lý các KCN, KCX, Liên đoàn Lao động các huyện chỉ đạo nâng cao vai trò các tổ chức công đoàn trong các KCN, KCX, chăm lo, quan tâm giải quyết chế độ chính sách cho công nhân, người lao động để người lao động yên tâm làm việc, cống hiến.