Anh hùng LLVT, Anh hùng Lao động Trung tướng Phạm Tuân:

Đại tướng luôn gần gũi, sâu sát, quan tâm đến Bộ đội Không quân

ANTĐ - Nhận được tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ trần, nhiều tướng lĩnh đã và đang công tác tại Quân chủng PK-KQ không khỏi bàng hoàng, xúc động. Dưới đây là tình cảm của Anh hùng LLVT, Anh hùng Lao động Trung tướng Phạm Tuân với Đại tướng.
Những năm đầu thành lập, Không quân là một Binh chủng kỹ thuật còn non trẻ, song đã nhận được sự quan tâm rất sâu sát của Đại tướng, về cả tổ chức lực lượng, bồi dưỡng lực lượng và xây dựng ý chí quyết tâm chiến đấu.
Còn nhớ cuối năm 1972, khi tôi đang chiến đấu trong đội hình của Đoàn không quân Sao Đỏ, nhưng vẫn được biết Đại tướng đã trực tiếp xuống Quân chủng PK-KQ, kiểm tra, chỉ đạo cách đánh máy bay B-52 trong chiến dịch chống tập kích chiến lược đường không của Mỹ bằng B-52 ra Hà Nội, Hải Phòng và các vùng phụ cận.
Đêm 27-12-1972, khi tôi bắn rơi chiếc B-52 trên bầu trời Sơn La, thì ngay sáng sớm ngày 28, Đại tướng đã có thư khen gửi Bộ đội Không quân, điều đó đã tạo nên nguồn động viên, khích lệ rất lớn đối với chúng tôi.
Đại tướng luôn gần gũi, sâu sát, quan tâm đến Bộ đội Không quân ảnh 1
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đến thăm phi công Phạm Tuân và phi công Phạm Thanh Liêm tại Trung tâm vũ trụ Gagarin

Đầu năm 1972, Đại tướng trực tiếp lên sân bay Nội Bài thăm Đoàn không quân Sao Đỏ. Đại tướng trò chuyện với các phi công về tình hình quốc tế, chiến trường miền Nam và cho biết sắp tới chúng ta mở một chiến dịch rất lớn ở miền Trung, Không quân phải có mặt để chi viện cho chiến trường nhằm bẻ gãy các cuộc phản công của địch, đồng thời đánh B-52, bảo vệ bộ binh của ta. Khi chiến dịch bắt đầu, Đại tá Đào Đình Luyện, Tư lệnh Binh chủng Không quân, đã giao nhiệm vụ cho tôi “Đồng chí bay phải đuổi được B-52, trên đã chuẩn bị tất cả các bãi, bay hết dầu thì nhảy dù, có lực lượng ở dưới hỗ trợ”. Chính tầm nhìn xa trông rộng và tư tưởng chỉ đạo của Đại tướng trước chiến dịch này đã giúp chúng tôi làm tốt công tác chuẩn bị, sẵn sàng làm nhiệm vụ và thực hiện tốt nhiệm vụ được giao trong chiến dịch.
Đầu tháng 1-1973, Đại tướng lại đến thăm Đoàn không quân Sao Đỏ, nghe phi công báo cáo cách đánh máy bay B-52. Sau khi tôi kể chuyện mình đã tiếp cận rất gần, sau 3 lần liên tục nhận lệnh bắn tôi mới xạ kích, Đại tướng hỏi ngay “Có phải đồng chí truyền đạt cho phi công Vũ Xuân Thiều kinh nghiệm tiếp cận gần” (phi công Vũ Xuân Thiều khi đánh B-52 trên vùng trời Thanh Hóa đã tiếp cận gần B-52. Chiếc B-52 bị tiêu diệt song anh cũng hy sinh - pv). Câu hỏi của Đại tướng khiến tôi thêm khâm phục, bởi là Tổng chỉ huy, song Đại tướng vẫn nhớ chi tiết, cụ thể những trận đánh của Bộ đội Không quân. Điều đó cho thấy, mặc dù ở vị trí Tổng tư lệnh, song Đại tướng vẫn rất quan tâm đến chiến sĩ chúng tôi.
Tháng 3-1979, sau khi được tuyển vào đội bay vũ trụ, tôi được gặp lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Đại tướng. Khi giao nhiệm vụ cho tôi, Đại tướng ân cần dặn dò với những lời hết sức giản dị: “Các cậu là phi công chiến đấu, đã góp phần vào chiến công chung. Bây giờ các cậu đi học cùng với các nước, làm sao phải thể hiện được bản lĩnh con người Việt Nam; để cho thế giới biết được rằng chúng ta không chỉ biết đánh giặc, mà còn biết xây dựng đất nước”.
Sau này huấn luyện tại Trung tâm vũ trụ Gagarin, Đại tướng đã đến thăm chúng tôi một số lần. Tháng 7-1980, trước khi chúng tôi bay vào vũ trụ, Đại tướng lại sang thăm, trò chuyện, thăm hỏi tình hình cụ thể của chúng tôi và yêu cầu tùy viên quân sự và Đại sứ quán Việt Nam tại Liên Xô quan tâm, giúp đỡ chúng tôi. Ngồi trò chuyện với chúng tôi, Đại tướng ân cần dặn dò: “Đây là đại diện đầu tiên  của Việt Nam bay vào vũ trụ. Chuyến bay nằm trong chương trình với một số nước, vì vậy các đồng chí phải học tập nghiêm túc, quan hệ với bạn thật tốt; đồng thời học hỏi bạn về khoa học kỹ thuật để sau này trở về phục vụ tốt hơn đất nước chúng ta”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp đón phi công Phạm Tuân cùng phi hành gia Liên Xô và cán bộ Trung tâm vũ trụ Gagarin về Việt Nam, sau chuyến bay vào vũ trụ của phi công Phạm Tuân

Ngày 23-7-1980, trước chuyến bay vào vũ trụ, Đại tướng, khi đó là Phó Thủ tướng Chính phủ lại sang Liên Xô gặp, động viên chúng tôi. Ngồi trong buồng kính, chúng tôi được Đại tướng nhẹ nhàng dặn dò qua micrô: “Tôi thay mặt Đảng và Chính phủ Việt Nam, sang tiễn đội bay Việt-Nga chuẩn bị bay vào vũ trụ. Tôi chúc các đồng chí thành công; nâng tầm đoàn kết của các dân tộc ở tầm cao mới”.
Ngồi trong buồng kính, tôi vô cùng xúc động. Tôi cởi chiếc gương trên tay (dùng để soi, cài khuy cổ áo phi hành gia) tặng Đại tướng, vì vẫn còn chiếc dự bị. Tôi vô cùng xúc động đã được tặng Đại tướng một món quà nhỏ, trước khi bay vào vũ trụ.
Sau này, nhân sinh nhật lần thứ 95 của Đại tướng, tôi khi đó đã công tác ở Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, cùng đoàn cán bộ vào thăm, chúc sức khỏe Đại tướng và báo cáo với Đại tướng kế hoạch tổ chức kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Cục Quân giới. Thư ký của Đại tướng thông báo chúng tôi được trò chuyện với Đại tướng 5 phút. Khi hết thời gian, chúng tôi đứng dậy chào Đại tướng, song Đại tướng bảo chúng tôi ngồi lại, rồi hỏi thăm sức khỏe, tình hình gia đình của những cán bộ đầu tiên của Cục Quân giới nay ra sao. Bao nhiêu năm đã trôi qua, song Đại tướng vẫn nhớ, vẫn quan tâm đến những cán bộ đầu tiên của Cục. Điều đó khiến chúng tôi vô cùng xúc động.
Dẫu biết “sinh, lão, bệnh, tử” là quy luật, song sự ra đi của Đại tướng khiến tôi không khỏi bàng hoàng. Những ngày này, tôi càng nhớ hơn về những kỷ niệm trong mỗi lần được gặp Đại tướng; nhớ sự quan tâm của Đại tướng dành cho các chiến sĩ Không quân.