Đại gia khoe của hay con nợ muốn xù tiền?

ANTĐ - Vẫn biết rằng người ta có nhiều tiền thì họ muốn làm gì là quyền của họ, miễn là không phạm pháp, thế nhưng dư luận vẫn cảm giác có điều gì đó “nực cười”...

Vẫn biết rằng người ta có nhiều tiền thì họ muốn làm gì là quyền của họ, miễn là không phạm pháp, thế nhưng dư luận vẫn cảm giác có điều gì đó “nực cười” khi biết rằng trong khi họ vung một đống tiền ra tổ chức những sự kiện rình rang, gây xôn mắt dư luận, mua sắm những món hàng xa xỉ... thì thực tế họ lại đang là những “con nợ khủng”!

Trước khi “siêu đám cưới” ở Hà Tĩnh được đại gia Nguyễn Thị Liễu tổ chức hoành tráng cho con trai, với dàn siêu sao cả trong lẫn ngoài nước cùng mức kinh phí lên tới mấy chục tỷ đồng gây choáng váng dư luận, thì “đám cưới um trời” của nữ đại gia ngành thủy sản Phạm Thị Diệu Hiền (Cần Thơ) tổ chức cho con trai đã khiến cho nhiều người lác mắt trầm trồ vì sự hoành tráng của nó với dàn siêu xe đắt tiền như Rolls-Royce Phantom, Bentley Flying Spur Speed, Ferrari F430... được diễu hành đón dâu từ TP. HCM về tận Cần Thơ.

Chưa kịp xuýt xoa, ghen tị thì mọi người đã lắc đầu và té ngửa khi biết Công ty cổ phần Thủy sản Bình An (Bianfishco) của nữ đại gia này đang nợ đến con số hàng trăm tỷ đồng. Thật quả là hình ảnh trái ngược! Và không biết nữ đại gia và quan viên hai họ có suy nghĩ gì khi chứng kiến hình ảnh một số người nông dân đã mang băng rôn, biểu ngữ đến tận nhà đòi nợ, trong khi đám cưới tiền tỷ đang diễn ra. Dư luận cho rằng, công ty do bà Hiền làm Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng giám đốc đang gặp khó khăn về vốn, nông dân kiện ra tòa đòi nợ bán cá nên việc tổ chức đón dâu xa hoa bằng dàn siêu xe chẳng khác gì “trêu ngươi” chủ nợ.

 

Nữ "đại gia" Diệu Hiền.

Nhưng khi lý giải cho việc “chơi sang” này, nữ đại gia lại phân bua rằng bà không khoe khoang sự giàu có của mình mà đơn giản là tổ chức “siêu đám cưới” chỉ để khẳng định mình không nợ nần ai (!) Còn khoản nợ tiền cá của các hộ nông dân là do công ty nợ, chứ cá nhân bà thì không, mặc dù bà là người đứng đầu công ty ấy. Nghe thế nhiều người chắc khó tránh cảm giác tặc lưỡi “đúng là lý luận của đại gia”, ngang như cua!

Điều buồn cười là ngay sau đó đã xuất hiện thông tin Công ty Bianfishco của bà bị Ngân hàng Agribank chi nhánh Cần Thơ từ chối hồ sơ xin vay 350 tỷ đồng. Đến lúc này thì nữ đại gia mới thú nhận hiện công ty còn nợ trên 30 nông dân với khoảng 200 tỷ đồng. Dù vậy bà vẫn vớt vát rằng, công ty nào mà không có công nợ với khách hàng, nên việc nợ nần được xem là chuyện bình thường đối với các công ty chớ không phải riêng gì Bianfishco.

Điều bà nói không sai nhưng trong lúc nợ nần chồng chất bao nhiêu người mà bà vẫn tổ chức đám cưới cho con xa hoa như thế, thì quả thật rất khó chấp nhận được, đúng như lời ông Ba Liền - một chủ nợ của bà - bức xúc rằng: “Tôi rất buồn khi bà Hiền đón dâu bằng một dàn siêu xe. Chiếc xe bà Hiền sử dụng mang biển số tứ quý 3333 có giá trị hàng chục tỷ đồng trong khi người bán cá cho công ty của bà ấy như tôi và một số người khác đang lâm vào cảnh khốn cùng. Thật là quá bất công...”.

Nhân chuyện của nữ đại gia này chơi sang trong khi vẫn đang mang nợ “khủng”, chắc nhiều người chưa thể quên Hoàng Anh Gia Lai của đại gia Đoàn Nguyên Đức cũng nợ thuế tới hàng trăm tỷ đồng... Sau thông tin này, trên một số diễn đàn, có nhiều người chia sẻ với “bầu” Đức khi ông này khẳng định có thể trả số nợ thuế bất cứ lúc nào, nhưng cũng không ít người cho rằng đại gia này đang chiếm dụng vốn (?)... Trong khi đó, Tập đoàn của đại gia Cường “đô la” cũng thông báo bị lỗ nặng, nhất là trong quý IV năm 2011 số lỗ lên tới trên 100 tỷ đồng và cả năm 2011 là âm gần 40 tỷ đồng (?) Với một tập đoàn lớn cỡ như Quốc Cường Gia Lai thì không ít người đặt vấn đề phải chăng “lỗ ít khai nhiều” nhằm mục đích để trốn thuế, trong khi đó ông chủ Cường “đô la” vẫn đang xài tiền như nước (?)...

Có thể thấy, qua những ví dụ điển hình này, có lẽ nhiều người sẽ có suy nghĩ rằng khái niệm “đại gia” và “con nợ” nhiều khi không phải là hai từ riêng biệt mà chúng chỉ là một.

 

PGS.TS Trịnh Hòa Bình, Giám đốc Trung tâm Dư luận xã hội và Truyền thông đại chúng, Viện KHXH Việt Nam, lý giải:

“Khi nói về chuyện nhiều đại gia đang nợ nần chồng chất nhưng lại thích “khua chiêng gõ mõ” làm ầm ĩ lên về sự giàu có của mình, có thể nói đó là cách hành xử phụ thuộc vào văn hóa của mỗi người... Về mặt nào đó, sự giàu có rất nhanh của một số người, với thói tiêu tiền hợm hĩnh, ồn ào như thế thường gắn liền với con đường kiếm được tiền một cách xổi, bốc, trong chớp nhoáng, vì thế họ cũng tiêu tiền theo cách đó. Bởi những đồng tiền do mồ hôi nước mắt thậm chí do vắt từ trí óc ra, hay tương tác từ các mối quan hệ vĩ mô, bang giao quốc tế thì người ta sẽ không hoang phí, “dọa nạt” người khác như vậy...

Ở bất cứ chế độ, thời kỳ nào, về mặt nào đó chúng ta chấp nhận sự phân tầng xã hội, tức là độ giãn ra giữa người rất giàu và người nghèo. Tuy nhiên khi chúng ta hiện đang hô hào nhằm tiến tới làm giảm khoảng cách đó, thì những việc làm xa hoa của những đại gia trên là một sự thách thức. Hơn nữa, những việc làm của họ không thể cắt nghĩa bằng hành vi thích chơi nổi, thích chơi nước thượng như của bọn trẻ, bởi vì một doanh nghiệp không được phép nông nổi hay điệu đà, chưng diện một cái ôtô hay một chiếc điện thoại đắt tiền như con trẻ, do đó một khi chúng ta tiêu tiền không thích đáng, theo kiểu trọc phú, “vén tay đốt nhà tang” thì không còn là sự thách thức mà là sự thóa mạ rường mối đạo nghĩa của con người Việt Nam”.