Đại diện Vinhomes, Novaland và chuyên gia: Khó khăn lớn nhất với bất động sản là cơ chế, nguồn vốn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Báo cáo với Chính phủ, đại diện các doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực bất động sản như Vinhomes, Novaland... phản ánh, vướng mắc lớn nhất lúc này với thị trường là thủ tục pháp lý.
Thủ tướng chủ trì hội nghị toàn quốc về bất động sản

Thủ tướng chủ trì hội nghị toàn quốc về bất động sản

Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản do Chính phủ tổ chức sáng 17-2, ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vinhomes phản ánh, thị trường bất động sản hiện nay có những vướng mắc nổi cộm về thủ tục pháp lý, dòng vốn tín dụng, nguồn cung khan hiếm, cung cầu lệch pha, trái phiếu doanh nghiệp không phát hành được…

Theo ông Phạm Thiếu Hoa, hiện nhu cầu sở hữu nhà của người dân còn rất lớn và tương lai còn tiếp tục tăng cao hơn nữa. Tuy vậy, nguồn cung lại quá thấp, chưa đáp ứng được thị trường. Trong khi đó, khả năng đáp ứng của doanh nghiệp lại có hạn.

Nếu khó khăn tiếp tục kéo dài mà không có những giải pháp kịp thời thì nhiều doanh nghiệp bất động sản sẽ phải đóng cửa, phá sản, nguồn cung trên thị trường đã thiếu lại còn thiếu hơn.

Ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vinhomes nêu ý kiến

Ông Phạm Thiếu Hoa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Vinhomes nêu ý kiến

Ông Phạm Thiếu Hoa kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành, Ngân hàng Nhà nước cùng chung tay, giúp sức nhằm hồi phục thị trường bất động sản, mang lại lợi ích lâu dài cho người dân, nhà nước, doanh nghiệp.

Đại diện một doanh nghiệp lớn khác là ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn địa ốc Nova (Novaland) nêu: Trong giai đoạn này, doanh nghiệp mong muốn được hỗ trợ về cơ chế.

Cụ thể, đại diện Novaland kiến nghị Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước ban hành một quy định cho phép các ngân hàng giãn, hoãn và giữ nguyên nhóm nợ cho các dự án bất động sản từ 2-3 năm để giúp các doanh nghiệp có thời gian chờ thị trường hồi phục và hoàn thiện pháp lý dự án.

Theo ông Nhơn, việc trợ giúp kịp thời rất quan trọng nhằm phòng tránh 10-20% dư nợ của nền kinh tế bị chuyển sang nợ xấu.

Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn địa ốc Nova phát biểu

Ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn địa ốc Nova phát biểu

Ông Nhơn dẫn chứng, hiện Novaland đang còn 25.000 tỷ đồng bị phong toả tại các ngân hàng thương mại. Trong đó, theo các điều kiện cấp tín dụng, khoảng hơn 10.000 tỷ đồng sẽ đủ điều kiện để giải toả khi Novaland hoàn thiện một số thủ tục pháp lý. Nếu trong vòng 1-2 tháng tới, vấn đề này được giải quyết thì Novaland sẽ có nguồn vốn để hoạt động bình thường…

Sau khi nghe 2 doanh nghiệp đại diện Vinhomes và Novaland phát biểu, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung phân tích thêm về nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan, dẫn tới những khó khăn, vướng mắc của thị trường bất động sản hiện nay, các chủ thể liên quan (như cơ quan quản lý, doanh nghiệp, ngân hàng) có trách nhiệm gì, từ đó đề xuất các giải pháp, các chủ thể phải làm gì thời gian tới.

Phát biểu sau đó, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HOREA) Lê Hoàng Châu cho rằng, có 2 vướng mắc lớn nhất của thị trường bất động sản hiện nay: Thứ nhất là vướng mắc pháp lý, chiếm đến 70% khó khăn. Thứ hai là về tiếp cận nguồn vốn.

TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế góp ý

TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế góp ý

TS. Cấn Văn Lực – chuyên gia kinh tế cho rằng, thị trường BĐS hiện nay có hiện tượng "bất thường", bởi kinh tế vĩ mô rất tốt nhưng thị trường bất động sản lại gần như "đóng băng" và rõ ràng là có điểm nghẽn cần tháo gỡ.

Vị chuyên gia này cũng chỉ ra 5 nguyên nhân chính là: xu hướng điều chỉnh chung của thị trường bất động sản thế giới; vướng mắc về pháp lý; nguồn vốn thu hẹp; nhiều vụ việc vi phạm liên tiếp xảy ra khiến cho niềm tin nhà đầu tư bị giảm sút; giá cả chưa hợp lý...

Từ góc độ chính quyền địa phương, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Bùi Xuân Cường cho biết, thành phố sẽ lập tổ công tác để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của dự án bất động sản. Trong đó, sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm trong quy định đầu tư kinh doanh bất động sản.

Đồng thời, TP HCM cũng sẽ tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, tăng tính công khai, minh bạch, bảo vệ quyền lợi của người dân khi kinh doanh bất động sản sàn giao dịch…

Chính phủ sẽ có đề án riêng về phát triển nhà ở, nhà ở công nhân, người thu nhập thấp

Phát biểu kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao các báo cáo, ý kiến tại hội nghị, đề nghị các cơ quan tiếp thu để hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản chỉ đạo phù hợp sau hội nghị.

Nêu một số vấn đề nổi lên của thị trường bất động sản, Thủ tướng nhấn mạnh thêm một số nội dung.

Cụ thể, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường quản lý nhà nước, rà soát, bổ sung, hoàn thiện thể chế, xây dựng quy hoạch, tăng cường giám sát, kiểm tra, giải quyết các vấn đề nổi lên.

Các tổ chức ngân hàng, tài chính phải khơi thông dòng vốn, giải quyết các vấn đề tín dụng.

Các doanh nghiệp bất động sản phải có trách nhiệm với chính mình, giải quyết các khó khăn do chính mình gây ra do dự báo không sát, phát triển thị trường không tốt, đầu tư vốn không hiệu quả… Cơ cấu lại các phân khúc, giá cả hợp lý để thúc đẩy thanh khoản, hướng tới kinh doanh có lãi nhưng hài hòa.

"Lúc làm ăn có lãi bù trừ với lúc làm ăn thua lỗ. Không thể lúc nào cũng có lãi được, không thể khó khăn cũng đòi có lãi, không có ai nắm tay đến tối, gối tay đến sáng, phải góp phần vì cái chung", Thủ tướng nhấn mạnh.

Các ngân hàng tiết giảm chi phí đầu vào, tăng cường chuyển đổi số, giảm lãi suất huy động với sự vào cuộc của Ngân hàng Nhà nước; từ đó giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại các nhóm nợ, giảm phí, lệ phí… Nền kinh tế có phát triển thì ngân hàng mới phát triển được.

Chính quyền các cấp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục, đẩy nhanh xây dựng các quy hoạch, thực hiện nghiêm quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch kịp thời và điều chỉnh các dự án trên địa bàn phù hợp điều kiện, tình hình địa phương.

Một nhiệm vụ quan trọng khác là bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của khách hàng, đồng thời tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn khách hàng lựa chọn được sản phẩm tốt, phù hợp, góp phần để thị trường phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Sắp tới, Chính phủ sẽ có đề án riêng về phát triển nhà ở, nhà ở công nhân, người thu nhập thấp.

Thủ tướng hoan nghênh Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tại hội nghị đã báo cáo về gói tín dụng cho lĩnh vực này, Chính phủ sẽ xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đồng thời, Thủ tướng yêu cầu tổ chức công tác truyền thông hiệu quả, đúng, trúng, kịp thời, đánh giá khách quan, trung thực, đúng bản chất tình hình, tránh các thông tin sai lệch.

Nhấn mạnh tinh thần của hội nghị là tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, "không ai giải cứu cho ai", Thủ tướng cho biết sau hội nghị, Chính phủ sẽ ban hành nghị quyết, nhưng trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ quyền hạn, tinh thần hội nghị, các chủ thể phải thực hiện ngay các công việc để thực hiện hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra.