"Đại chiến" Vinasun và Grab: Nên kết thúc thay vì dây dưa kéo dài

ANTD.VN - Vụ “đại chiến” giữa Vinasun và Grab đang ngày càng diễn biến theo chiều hướng khó hiểu. Hôm qua, 26/12, đại diện Vinasun khẳng định, không nhận tiền bồi thường trong khi chính Vinasun đâm đơn khởi kiện đòi "đòi bồi thường ngoài hợp đồng” 41 tỷ đồng.

Kiện đồi bồi thường thiệt hại nhưng không nhận tiền

Trong phiên tòa xét xử giữa Vinasun taxi và Grab diễn ra hôm qua, 26/12, xuất hiện một số tình huống khá… hài.

Công ty CP Giám định, thẩm định Cửu Long- chủ nhân bản giám định thiệt hại của Vinasun taxi tiếp tục vắng mặt. Song, điều đáng nói là quan điểm của Vinasun tại phiên tòa ngày hôm qua khiến người theo dõi khá ngạc nhiên.

Mở đầu phiên tòa, HĐXX hỏi phía đại diện Vinasun về việc hai bên đã đi đến hòa giải hay chưa? Phía Vinasun cho biết việc đề nghị dừng phiên tòa để hòa giải là từ Grab chứ không phải Vinasun. “Grab đưa ra đề nghị với Vinasun không đúng nên hòa giải không thành”- đại diện Vinasun cho hay, đồng thời khẳng định, Vinasun không muốn hòa giải nữa. Do đó,  yêu cầu tòa tiếp tục xét xử theo quy định pháp luật.

Phiên tòa xét xử vụ kiện giữa Vinasun và Grab đã kéo dài hơn 10 tháng và đã đến lúc nên kết thúc

Chủ tọa phiên tòa hỏi: “Yêu cầu của ông (Vinasun) chỉ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, giả dụ người ta (Grab) đồng ý trả 41,2 tỷ (đồng) thì sao”. Tuy nhiên, Vinasun không đồng ý, cho biết yêu cầu đó phải gắn với nội dung khởi kiện là xác định hành vi vi phạm pháp luật của Grab trong kinh doanh taxi liên quan Đề án 24 và Nghị định 86.

Diễn biến phiên tòa xét xử trong ngày 26/12 đang khiến Grab lo ngại về việc, TAND TP.HCM đang mở rộng phạm vi xét hỏi ra ngoài các vấn đề của vụ kiện mà không thuộc thẩm quyền phán quyết của mình khi giải quyết một vụ việc cụ thể hay không

Bên cạnh những lo ngại về việc TAND TP.HCM công khai một số thông tin lẽ ra nên được bảo mật của một cuộc đàm phán thương mại, thì những thông tin Toà đưa ra cũng không phản ánh một cách chính xác, đầy đủ và toàn diện những gì đã được thảo luận giữa hai bên.

“Chúng tôi tin tưởng rằng hợp tác, thay vì đối đầu giữa các công ty công nghệ và các công ty taxi, sẽ tăng hiệu quả tổng thể của ngành vận tải, tạo điều kiện cho các lái xe Vinasun tăng hiệu quả hoạt động, nâng cao thu nhập, và cuối cùng là mang đến dịch vụ vận tải thông suốt, thuận tiện, chi phí hợp lý và an toàn hơn cho tất cả mọi người.

Những gì chúng tôi đưa ra là một thỏa thuận hợp tác kinh doanh thương mại thuần túy, với các điều khoản và điều kiện cùng có lợi để cả hai bên cùng nhau hợp tác. Chúng tôi đã thảo luận với Vinasun với một tinh thần đầy thiện chí.

Tuy nhiên, trong suốt quá trình này, thiện chí của chúng tôi đã không được đáp lại. Họ đã từ chối giải pháp hai bên cùng có lợi, giải pháp có thể giúp họ cải thiện năng lực công nghệ để chuyển đổi hoạt động nhằm thích ứng tốt hơn với nền kinh tế 4.0 và cải thiện đời sống của các tài xế Vinasun”- ông Jerry Lim, Giám đốc Grab tại Việt Nam bày tỏ. 

Kết thúc phiên tòa là hợp lý

Thay vì kiện đòi bồi thường ngoài hợp đồng như ban đầu, Vinasun hiện đang có dấu hiệu lợi dụng thủ tục tố tụng để gây ảnh hưởng đến quá trình hoạch định chính sách quản lý các ứng dụng gọi xe công nghệ.

“Ngay từ đầu chúng tôi đã nhấn mạnh rằng đây là việc của các cơ quan quản lý Nhà nước, chứ không phải là của một doanh nghiệp và cũng không phải là việc của Tòa án. Vì vậy, chúng tôi kêu gọi TAND TP.HCM hãy công khai không cho phép mình bị lợi dụng một cách bất chính như vậy, vì nếu không, tính nghiêm minh và niềm tin vào Tòa án sẽ là một vấn đề được dư luận quan ngại.

Chúng tôi hy vọng vụ kiện này sớm kết thúc để tất cả các bên có thể tập trung vào đổi mới, sáng tạo và phục vụ cho lợi ích của người dân”- đại diện Grab chia sẻ.

Cuộc chiến  giữa Vinasun và Grab đã kéo dài 10 tháng nay, rõ ràng gây mệt mỏi cho cả hai bên và diễn tiến các phiên toàn xét xử ngày càng theo hướng khó hiểu.

Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế cũng như công nghệ, nhiều luật sư đều bày tỏ, căn cứ vào diễn tiến phiên tòa cũng như đòi hỏi từ phía Vinasun thì TAND TP.HCM nên đình chỉ phiên tòa và kết thúc, không kéo dài gây thiệt hại cho cả đôi bên.

Hơn nữa, vụ kiện kéo dài, qua hàng chục phiên xử, chứng cứ cũng không được bổ sung thêm và không giải quyết được vấn đề gì chỉ khiến dư luận thấy hài hước. Bởi, vụ kiện ban đầu xuất phát từ Vinasun taxi đòi bồi thường thiệt hại hơn 40 tỷ đồng, nhưng đến nay Vinasun lại bác bỏ, khẳng định không vì số tiền này. Vinasun khởi kiện vì chính sách của Bộ GTVT.  Nhưng yêu cầu của Vinasun trình bày trước phiên tòa ngày 26/12 thì không thuộc thẩm quyền trong vụ xét xử này, do vậy, việc đình chỉ, kết thúc vụ án vào phiên tòa xét xử ngày mai, 28/12 là hợp lý và nên làm.