Đại biểu Quốc hội: Hàng trăm loại sữa giả, thuốc giả bị phát hiện cho thấy tình trạng “tiền buông, hậu bỏ"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - “Thực tế có tình trạng “tiền kiểm không kiểm soát nổi mà hậu kiểm lại lơ là”, dẫn đến việc người tiêu dùng phải sử dụng hàng hóa kém chất lượng” .

Thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa sáng 17-5, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu quan điểm, chúng ta phải đổi mới tư duy không “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” nhưng thực tế có tình trạng “tiền kiểm không kiểm soát nổi mà hậu kiểm lại lơ là”, dẫn đến thời gian qua người tiêu dùng sử dụng các hàng hóa kém chất lượng.

“Nhiều Bộ ngành ngoài công tác quản lý Nhà nước cũng phải chịu trách nhiệm kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hóa, đặc biệt là hậu kiểm nhằm lấy lại niềm tin của người tiêu dùng”, đại biểu nói.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) phát biểu

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) phát biểu

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho rằng, việc hàng loạt các vụ sản xuất, buôn bán sữa giả, thuốc giả bị phát hiện thời gian qua cho thấy tình trạng “tiền buông hậu bỏ". Đại biểu đề nghị cần có chế tài xử lý nghiêm khắc đối với hành vi này để bảo đảm tính răn đe.

Còn theo đại biểu Nguyễn Thị Hà (đoàn Bắc Ninh), cần đẩy mạnh thực hiện chuyển từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” gắn với kiểm tra, giám sát, quy định rõ lĩnh vực nào phải “tiền kiểm” và lĩnh vực nào phải “hậu kiểm”. Nguyên tắc quản lý trong dự thảo Luật vẫn thiên về biện pháp quản lý “tiền kiểm”.

Theo đại biểu, thử nghiệm sản phẩm cuối cùng không phải là biện pháp quản lý có hiệu quả chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

“Vụ việc 600 sản phẩm sữa giả vừa qua, mặc dù đã được lấy mẫu thử nghiệm, đánh giá phù hợp với tiêu chuẩn và quy chuẩn trước khi lưu hành, nhưng sau đó người sản xuất đã không sản xuất theo đúng như mẫu ban đầu, còn cơ quan quản lý Nhà nước thì không kiểm tra, giám sát đầy đủ”, đại biểu Đoàn Bắc Ninh nói.

Về phân loại hàng hóa theo cấp độ rủi ro (thấp, trung bình, cao), đại biểu Nguyễn Duy Thanh (đoàn Cà Mau) nhận định đây là căn cứ để người sản xuất lựa chọn biện pháp kiểm soát chất chất lượng và an toàn sản phẩm phù hợp và Nhà nước đưa ra chế độ kiểm tra (tần suất kiểm tra) tương thích, chủ yếu trong khâu “hậu kiểm” là cần thiết.

Tuy nhiên, đại biểu cho rằng dự thảo Luật lại quá tập trung ở khâu “tiền kiểm” bằng các biện pháp công bố hợp quy cho từng nhóm sản phẩm, vấn đề đang còn nhiều tranh cãi là không phù hợp và còn xem nhẹ các biện pháp “hậu kiểm”.

“Công tác hậu kiểm mới là biện pháp quan trọng của Nhà nước nhằm bảo đảm chỉ các sản phẩm có chất lượng và an toàn mới được phép lưu hành”, đại biểu nhấn mạnh. Cùng cho ý kiến về nội dung trên, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) đề nghị cần ban hành danh mục hàng hóa có mức độ rủi ro trung bình và cao ngay sau Luật có hiệu lực, bảo đảm tính đồng bộ và khả thi.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) thảo luận

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà (đoàn Hà Nội) thảo luận

Đại biểu nhận định, toàn bộ các quy định về kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm lại chưa được sửa đổi tương xứng với đòi hỏi cấp thiết của thực tế với cơ chế “hậu kiểm” chủ động, hiệu quả.

“Hiện nay số lượng sản phẩm, hàng hóa thực hiện công bố hoặc tự công bố tiêu chuẩn chất lượng ngày càng tăng, trong khi đội ngũ làm công tác hậu kiểm còn mỏng, phương tiện kỹ thuật hạn chế. Công tác hậu kiểm còn mang tính hình thức, bị động; thiếu cơ chế phân tích rủi ro, kết nối dữ liệu, giám sát cảnh báo; chưa có cơ chế huy động xã hội hóa vào công tác này”, đại biểu nhấn mạnh.

Quan tâm đến chất lượng hàng hóa lưu thông trên thị trường nội địa, đại biểu Nguyễn Thị Sửu (đoàn Thành phố Huế) cho rằng quy định như dự thảo Luật tiềm ẩn nhiều rủi ro. Đại biểu đặt vấn đề, lợi dụng các “lỗ hổng” trong hệ thống kiểm nghiệm, giám sát chất lượng chưa đồng bộ, nhà sản xuất đưa hàng xuất khẩu tồn, bị trả về, hàng kém chất lượng vào lưu thông nội địa...