Đại biểu Quốc hội: Giải pháp nào bảo đảm ban hành kết luận thanh tra đúng thời hạn?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chất vấn Tổng Thanh tra Chính phủ tại hội trường, Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn), đề nghị Tổng thanh tra Chính phủ cho biết giải pháp để bảo đảm ban hành kết luận thanh tra đúng thời hạn theo quy định?

Đại biểu Nguyễn Thị Thuỷ cho biết, tại phiên thảo luận về dự án Luật thanh tra cũng như tại phiên chất vấn ngày hôm nay, một số đại biểu Quốc hội đã phản ánh về việc chậm ban hành kết luận thanh tra và lo ngại việc ban hành, chậm ban hành kết luận này có thể sẽ tác động và ảnh hưởng đến tính khách quan của kết luận thanh tra.

Đại biểu Thủy đề nghị Tổng thanh tra Chính phủ cho biết những giải pháp nào Thanh tra Chính phủ đã và sẽ triển khai để bảo đảm hoạt động thanh tra về việc ban hành kết luận thanh tra được đúng thời hạn?

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) chất vấn

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) chất vấn

Trả lời chất vấn, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cho biết, hiện nay Chính phủ đã trình Quốc hội Luật Thanh tra (sửa đổi) trong đó có xây dựng thời hạn xây dựng báo cáo kết quả thanh tra, đã được điều chỉnh với các cuộc thanh tra có quy mô lớn, tính chất phức tạp từ 15 ngày đến 30 ngày.

Trong khi đó theo quy định trước đây, tất cả các cuộc thanh tra từ Thanh tra Chính phủ, thanh tra tỉnh, thanh tra sở, ngành, huyện đều là 15 ngày, hiện đã phân ra cuộc thanh tra của Chính phủ là 30 ngày và thanh tra quy mô phức tạp là 30 ngày.

Về việc báo cáo thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về dự thảo kết luận thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết, hiện nay đặc biệt đối với Thanh tra Chính phủ, toàn bộ những cuộc thanh tra khi dự thảo kết luận phải báo cáo Thủ tướng để xin ý kiến và xin ý kiến tham gia bộ, ngành, đối tượng thanh tra.

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong phát biểu giải trình

Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong phát biểu giải trình

Nhưng thời gian tới, việc sửa đổi Luật thanh tra chỉ phải báo cáo trong trường hợp cuộc thanh tra liên quan đến quốc phòng, an ninh; cuộc thanh tra do Ban chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực chỉ đạo và cuộc thanh tra do yêu cầu thực tế trong quá trình lãnh đạo mà thủ trưởng cơ quan quản lý yêu cầu báo cáo.

Thanh tra Chính phủ tiếp tục đổi mới phương pháp và cách thức tiến hành điều tra để đẩy nhanh tiến độ thanh tra, khắc phục tình trạng chậm ban hành kết luận và nâng cao chất lượng kết luận thanh tra theo Nghị quyết 45, trong đó quy định trách nhiệm cụ thể cho trưởng, phó đoàn thanh tra, thủ trưởng cơ quan chủ trì, thành viên thanh tra, người giám sát, người thẩm định kết luận thanh tra và có hình thức xử lý nếu để xảy ra lộ lọt, không chuyển các vụ việc vi phạm tội phạm sang cơ quan điều tra…

Bên cạnh đó, Tổng Thanh tra Chính phủ cũng báo cáo về những hành vi cấm trong hoạt động của đoàn thanh tra như cấm nhận quà, tiền giao lưu, ăn uống với đối tượng thanh tra dưới mọi hình thức và nghiêm cấm bỏ lọt, bỏ sót, bỏ qua hành vi vi phạm của đối tượng thanh tra. Tổng Thanh tra Đoàn Hồng Phong rất mong các vị đại biểu Quốc hội và cử tri giúp Thanh tra Chính phủ giám sát và phản ánh những sai phạm của cán bộ trong đoàn thanh tra.

Tổng Thanh tra Chính phủ cũng giải trình về cơ chế giám sát đoàn thanh tra, giám sát xử lý sau thanh tra, về thu hồi tài sản sau thanh tra…