Đại biểu Quốc hội đề xuất xin ý kiến nhân dân về quy định tăng tuổi nghỉ hưu

ANTD.VN - Cho rằng tăng tuổi nghỉ hưu là vấn đề lớn, liên quan tới hàng chục triệu lao động, đại biểu Quốc hội Ma Thị Thuý đề nghị Chính phủ căn nhắc kỹ hơn về quy định trong dự thảo luật; và nếu được, đề nghị Quốc hội xin ý kiến nhân dân về nội dung này.

Chiều 12-6-2019, thảo luận về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh quy định về tăng tuổi nghỉ hưu.

Đồng tình với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (đoàn Quảng Bình) chỉ ra: “Tăng tuổi hưu là yếu tố đảm bảo quỹ bảo hiểm không bị phá vỡ, tận dụng tối đa tiềm năng trí tuệ của người lao động, thực hiện tiến trình chuyển sang già hoá dân số”.

Đại biểu Quốc hội đề xuất xin ý kiến nhân dân về quy định tăng tuổi nghỉ hưu ảnh 1

Tăng tuổi nghỉ hưu tác động trực tiếp tới hàng chục triệu lao động

Tuy nhiên, để việc tăng tuổi nghỉ hưu hợp lý, ông Phương kiến nghị cần thận trọng, bởi các nước trên thế giới khi tăng tuổi hưu đều gặp phải phản ứng của người lao động. 

“Thực tế người lao động Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp đều không muốn tăng tuổi nghỉ hưu. Điều quan trọng nhất trong tăng tuổi nghỉ hưu là tạo cơ sở niềm tin, sự chia sẻ và ủng hộ của người lao động khi luật ban hành”, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương nhấn mạnh và mong muốn Quốc hội nghiên cứu kỹ để khi luật ban hành được người dân, cử tri đồng tình. 

Đại biểu Ngọ Duy Hiểu (đoàn TP Hà Nội) cho biết, với tư cách Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, ông đã trực tiếp đi tới nhiều địa phương, nhìn chung, hầu hết người lao động không đồng tình với phương án trong luật.

“Trong quá trình xây dựng luật, chúng ta phải quan tâm người lao động là bên thế yếu trong quan hệ lao động. Chỉ khi thấu hiểu và giải quyết được điều này thì luật mới khả thi, nhận được sự đồng thuận của người lao động”, ông Hiểu nêu quan điểm.

Vị đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội cũng đề nghị kỳ họp tới, Chính phủ trình Quốc hội nghiên cứu danh mục ngành nghề kéo dài, tăng tuổi, giảm tuổi nghỉ hưu và khung từ 5-7 tuổi.

Cho rằng tăng tuổi nghỉ hưu là vấn đề lớn, liên quan tới hàng chục triệu lao động, đại biểu Ma Thị Thuý (đoàn Tuyên Quang) đề nghị Chính phủ căn nhắc kỹ hơn về quy định trong dự thảo luật. 

Lý do, theo bà Thuý, hiện nay, nước ta đang trong giai đoạn tinh giản biên chế quyết liệt, việc giải quyết việc làm cho sinh viên ra trường, cho người lao động đang rất khó khăn, tuổi thọ bình quân người Việt đang tăng nhưng bệnh tật ngày càng nhiều, đặc thù ngành nghề ở nước ta phần lớn là lao động cơ bắp nên không phù hợp với lao động khi tuổi đã cao.

Đại biểu Ma Thị Thuý đề xuất xin ý kiến nhân dân về nội dung tăng tuổi nghỉ hưu

“Một số chuyên gia nhận định, không tăng tuổi hưu sẽ ảnh hưởng tới quỹ bảo hiểm xã hội nhưng tăng tuổi hưu như dự thảo luật liệu có là gánh nặng cho ngân sách nhà nước hay không, khi mức lương của những người lao động nhóm này rất cao trong hệ thống thang bảng lương nhà nước?”, bà Thuý nêu vấn đề và đề nghị ban soạn thảo đánh giá thêm vấn đề này cho rõ thêm.

Theo nữ đại biểu tỉnh Tuyên Quang, tăng tuổi nghỉ hưu là nội dung quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi và lợi ích người lao động, vì vậy nếu được, bà Thuý đề nghị Quốc hội xin ý kiến nhân dân về nội dung này.

Nữ đại biểu tỉnh Tuyên Quang cũng đề nghị ban soạn thảo đánh giá 5 tác động gồm: lực lượng lao động, cơ cấu lao động; chế độ hưu trí; quy hoạch bổ nhiệm cán bộ; thể lực và trí lực; ý chí nguỵện vọng người lao động... để làm căn cứ cho việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu.

Bộ trưởng Lao động - Thương binh và xã hội Đào Ngọc Dung

Giải trình cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung khẳng định, điều chỉnh tuổi nghỉ hưu là xu hướng tất yếu, yêu cầu thực sự cần thiết với Việt Nam hiện nay.

Trước ý kiến của nhiều đại biểu đề nghị bỏ quy định bổ sung ngày 27-7 vào số ngày nghỉ lễ, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung xin tiếp thu và rút đề xuất này khỏi dự thảo luật.

Theo người đầu ngành lao động, việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu chưa bao giờ là dễ, các nước khác cũng đều gặp khó khăn khi thực hiện, trong đó có 4 vấn đề lớn: các nước đều đi đến quyết định tăng tuổi nghỉ hưu khi còn thặng dư lao động; đều tiến hành lộ trình tăng tuổi chậm; thường người dân và người lao động không đồng tình nhưng vì lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc và lâu dài nên các nước đều quyết định; trong quá trình xử lý điều chỉnh tuổi hưu phải phân loại theo các nhóm.

“Đây là vấn đề các nước đều đặt ra và chúng ta cũng phải tính đến”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.

Tổng kết phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng cho biết, hiếm có dự thảo luật nào nhận được nhiều ý kiến phát biểu và còn nhiều đại biểu chưa được phát biểu như phiên thảo luận dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

"Chắc chắn thời gian tới, Quốc hội sẽ tổ chức thêm các phiên thảo luận để xem xét các vấn đề một cách thấu đáo", Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho hay.

Điều 170. Tuổi nghỉ hưu

Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.

Phương án 1:

Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với nam và 04 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

Phương án 2:

Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 04 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 06 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 04 tháng đối với nam và 06 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.

(Trích dự án Bộ luật Lao động sửa đổi)