Đã nói, hãy nói thật!

ANTĐ - Thế giới phẳng có khác! Từ một giáo viên tiếng Anh rất bình thường tại trường Trung học Wellesley ở bang Massachusetts, bên Mỹ, nhà giáo David   McCullough đã được nhiều hãng tin lớn trên thế giới đăng tải và hơn 4 triệu người kết nối trên trang Google.

- Tôi có nghe phong thanh chuyện ông giáo tỉnh lẻ ấy có một bài diễn văn nổi tiếng trong buổi lễ tốt nghiệp của học sinh khối lớp 12. Hình như cách đây mấy tháng rồi nên chẳng còn nhớ chính xác.

- “Bộ nhớ” của ông vẫn hoạt động tốt đấy! Hồi đó, bài diễn văn “Các em chẳng có gì đặc biệt” của ông giáo đã làm tên tuổi nổi đình nổi đám khắp thế giới. Sự nổi tiếng đột ngột bởi hàng trăm hãng truyền thông khắp thế giới muốn phỏng vấn, tivi, báo in, rồi hàng vạn thư email gửi đến khiến ông cảm thấy ngột ngạt. Bây giờ ông mới dốc bầu tâm sự.

- Bỗng dưng được nửa thế giới vinh danh, tên tuổi nổi như cồn ai chả “ngất ngây”, choáng sốc.

- Ngược lại, ông giáo đó từ chối tất cả mọi sự hư danh hão, không muốn nhịp sống đời thường bị đảo lộn. Ông nói để viết bài phát biểu trong buổi lễ tốt nghiệp của học trò mình, ông ngồi viết trong 2 tiếng và 26 năm. Hai tiếng viết và 26 năm tích lũy vốn sống.

- Vậy điều tâm huyết nhất ông giáo ấy rút ra cho học sinh là gì?

- Đơn giản thôi, đã nói, hãy nói thật! Phải nói thẳng thắn, trung thực để không phải hối tiếc. Bài nói chuyện sẽ vô nghĩa nếu chỉ là những lời hoa mỹ và không thật lòng.

- Sâu sắc, thấm thía không chỉ cho học sinh mà cho cả mọi người lớn trên thế giới.

- Ông giáo bình thường đó còn nói thêm rằng, chúng ta thường có thói quen giữ chặt điều muốn nói, lời góp ý trong lòng hơn là nói ra để nhận về sự phật lòng, tổn thương.

- Đã nói, hãy nói thật! Giản dị thế thôi mà khó lắm. Ta chẳng có câu “thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng” đó sao. Bởi thế, đã nói trước cử tri, trước nhân dân càng cần phải nói thẳng, nói thật, nói đến nơi đến chốn.