Đà Nẵng xử lý nghiêm người không chịu di dời, Quảng Trị sơ tán 50.000 người tránh bão số 9

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -Công điện của Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng về ứng phó với bão số 9 nêu rõ, người không chấp hành di dời khỏi các khu vực nguy hiểm sẽ tiến hành cưỡng chế và xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Các tỉnh, thành phố từ Đà Nẵng đến Phú Yên được nhận định nằm trong vùng ảnh hưởng trực tiếp của bão số 9. Từ sáng nay, 17/10, nhiều địa phương đã thực hiện cấm biển, cho học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn.

Người dân Đà Nẵng không ra khỏi nhà từ 20h tối nay

Theo đó, TP Đà Nẵng yêu cầu người dân không ra khỏi nhà từ 20h ngày 27/10 cho đến khi có thông báo mới từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP Đà Nẵng.

Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động (kể cả trong khu công nghiệp, công nghệ cao) được nghỉ làm việc trong ngày 28/10/2020 (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và các trường hợp đặc biệt).

Các địa phương kiểm tra, tuyệt đối không để người ở lại trên các lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy sản, trên tàu, thuyền neo đậu, trong các lán trại công trình đang xây dựng bắt đầu từ 18h ngày 27/10/2020; yêu cầu người dân rời khỏi các khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, đá.

Người không chấp hành sẽ tiến hành cưỡng chế và xử lý hình sự theo quy định của pháp luật.

Địa phương nằm trong vùng đổ bộ của bão số 9 đang tất bật các biện pháp ứng phó

Địa phương nằm trong vùng đổ bộ của bão số 9 đang tất bật các biện pháp ứng phó

Các doanh nghiệp khai thác khoáng sản dừng ngay việc khai thác bắt đầu từ 14h ngày 27/10/2020 và đưa người rời khỏi khu vực khai thác để đảm bảo an toàn tính mạng cho công nhân.

Còn tại Quảng Trị, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cho biết, đã ban hành kế hoạch khẩn trương di dời dân tránh bão số 9.

Học sinh nghỉ học tránh bão

Theo đó, tỉnh Quảng Trị dự kiến di dời 6.355 hộ với 17.840 người, bao gồm di dời tại chỗ và di dời tập trung đến khu vực an toàn để tránh bão số 9.

Đồng thời di dời trên 8.500 hộ với gần 26.000 người thuộc 82/124 xã, phường, thị trấn để tránh ngập lụt.

Trong trường hợp ngập lụt diễn ra nghiêm trọng do mưa bão, tỉnh Quảng Trị di dời trên 15.300 hộ với trên 49.000 người ở 98/124 xã, phường, thị trấn.

Ngoài ra, tỉnh còn sơ tán 514 hộ với trên 2.200 người ở hai huyện miền núi Hướng Hóa, Đakrông sinh sống trong vùng nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét, ngập lụt sâu.

Thời gian hoàn thành di dời dân trước 18h ngày 27/10.

Trước đó, từ ngày 6 - 21/10, địa bàn tỉnh Quảng Trị đã xảy ra bốn đợt lũ lớn lịch sử gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, khiến 98 trong tổng số 124 xã, phường, thị trấn của tỉnh bị ngập lụt, chia cắt.

Toàn tỉnh có trên 61.000 hộ với gần 194.000 người bị ngập lụt. Quảng Trị triển khai sơ tán dân tránh lũ, sạt lở đất trên 15.000 hộ với hơn 49.000 người đến các địa điểm an toàn.

Mưa lũ đã làm 50 người chết, 4 người mất tích, 25 người bị thương. Về nông nghiệp, Quảng Trị có gần 1.400 ha ao hồ nuôi thủy sản, trên 2.600 ha rau màu bị ngập lụt hầu như mất trắng; trên 553.000 con gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi.

Các tuyến quốc lộ 15D, 9D, 49C, 9; đường Hồ Chí Minh nhánh Tây và đường liên tỉnh bị sạt lở đặc biệt nghiêm trọng. Ước tính thiệt hại ban đầu do lũ lụt ở Quảng Trị đã lên đến trên 1.900 tỷ đồng.

Tỉnh Phú Yên cũng đã yêu cầu cầu các địa phương ven biển các huyện, thị xã, thành phố: Tuy An, Đông Hòa, Sông Cầu, Tuy Hòa, thông báo cấm tàu thuyền ra khơi và cấm hoạt động đánh bắt thủy, hải sản trên biển. Thời gian bắt đầu cấm biển từ 9h ngày 27/10/2020.

Các tàu, thuyền hoạt động khai thác đánh bắt thủy, hải sản trên biển phải vào nơi tránh trú bão, neo đậu; tuyệt đối không cho người ở lại trên tàu, thuyền.

Các trường học trên địa bàn tỉnh cho học sinh nghỉ học trong ngày 28/10 để phòng tránh bão số 9.