Đã lỡ huy động lãi suất cao, kỳ hạn dài, ngân hàng làm sao để giảm lãi vay?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dù lãi suất huy động đã giảm rất sâu kể từ đầu năm, nhưng không ít ngân hàng, nhất là các ngân hàng nhỏ đã trót huy động tiền gửi với lãi suất cao, kỳ hạn dài, gây khó khăn cho việc hạ lãi suất cho vay.

Lãi suất huy động giảm mạnh

Theo khảo sát của phóng viên, sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạ lãi suất điều hành lần thứ 4 liên tiếp, hàng loạt ngân hàng thương mại cổ phần đã giảm lãi suất huy động. Hiện mặt bằng lãi suất huy động đã xuống rất thấp, về mức trước đại dịch.

Trong đó, tại big4 ngân hàng có vốn nhà nước (Agribank, VietinBank, Vietcombank, BIDV), lãi suất huy động kỳ hạn dài đã đều xuống dưới 6,3%/năm.

Cụ thể, các kỳ hạn từ 1 đến dưới 2 tháng lãi suất huy động chỉ còn 3,4%/năm và 3 – 5 tháng là 4,1%/năm. Kỳ hạn từ 6 đến dưới 12 tháng chỉ còn 5% và mức lãi suất cao nhất tại các nhà băng này cũng chỉ còn 6,3% dành cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Tại các ngân TMCP tư nhân, lãi suất cao nhất đang được niêm yết là 8,5%/năm, tại Ngân hàng ABBank, áp dụng cho các kỳ hạn từ 18 tháng trở lên, theo hình thức gửi tiền online.

Một số ngân hàng khác cũng có mức lãi suất trên 8%/năm như GPBank (8,1%/năm cho các khoản tiền gửi online từ 13 tháng trở lên), OceanBank (8,1%/năm cho các khoản tiền gửi online từ 18 tháng trở lên)...

Các ngân hàng nhỏ khác, lãi suất huy động cao nhất dao động trong khoảng 7,6 – 8%/năm, thường được áp dụng cho các kỳ hạn từ 12 tháng trở lên.

Ở các ngân hàng tư nhân lớn như Techcombank, Sacombank, ACB, VPBank, mức lãi suất cao nhất đã giảm về còn 6,9 – 7,2%/năm.

Mặt bằng lãi suất huy động giảm mạnh

Mặt bằng lãi suất huy động giảm mạnh

“Trái đắng” của cuộc đua lãi suất

Dù lãi suất huy động giảm mạnh, nhưng trên thực tế, nhiều ngân hàng tư nhân vẫn phải trả mức lãi suất cao do hậu quả “cuộc đua” lãi suất cuối 2022, đầu 2023.

Thời điểm đó, mức lãi suất cho các kỳ hạn trên 12 tháng tại nhiều ngân hàng được đẩy lên tới 10 – 12%/năm, những khoản tiền gửi mà ngân hàng huy động này nếu vào thời điểm cuối năm ngoái, thì cũng phải còn khoảng 4 - 5 tháng trở lên nữa mới đáo hạn.

Trong một cuộc họp về công tác tín dụng cách đây ít tháng, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước đã chỉ ra một số ngân hàng vẫn cho vay với lãi suất cao vượt trội, lên đến 14%/năm.

Đại diện các ngân hàng này đã giải trình lý do lãi suất cho vay cao là do nguồn tiền huy động chủ yếu từ dân cư, kỳ hạn dài nên mặt bằng đầu vào cao, do đó, lãi suất đầu ra phải cao để đảm bảo hoạt động. Các ngân hàng này cũng cho biết đang trong quá trình giảm lãi suất, dù chậm hơn nhưng đến cuối năm sẽ kéo về mặt bằng chung của ngành.

Hiện nay, theo Ngân hàng Nhà nước, về cơ bản mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất tiền gửi và cho vay mới có xu hướng giảm dần. Lãi suất tiền gửi bình quân của các NHTM ở mức khoảng 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân VND ở mức khoảng 8,9%/năm (giảm 1,0%/năm so với cuối năm 2022).

Về điều hành lãi suất thời gian tới, NHNN sẽ trên tinh thần chỉ đạo, vận động, trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc của kinh tế thị trường, nguyên tắc của quyền của TCTD trong việc định đoạt lãi suất, nhưng phải có định hướng.

“Định hướng đó là giảm dần và giảm một cách tích cực, kể cả huy động lẫn cho vay. Trong những ngày tới chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với các ngân hàng thương mại, để các ngân hàng cùng ý thức trách nhiệm, phải chia sẻ bằng cách cắt giảm các chi phí của mình để tạo điều kiện giảm lãi suất” – Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.

Đối với các ngân hàng vẫn đang phải trả lãi suất huy động cao, lãnh đạo NHNN cũng cho rằng cần tìm cách chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, người dân. “Những ngân hàng huy động lãi suất cao, kỳ hạn dài, đến nay vẫn phải trả lãi suất cao 9 – 11% thì lãi suất cho vay phải 13 – 14%. Về nền tảng pháp lý, về nguyên tắc thì không sai. Nhưng đang lúc khó khăn của doanh nghiệp thì nên chia sẻ. Ví dụ như có thể khoản này bù được cho khoản khác, để chúng ta có thể giảm lãi suất một cách hợp lý” – ông Đào Minh Tú nói.