Để hạ mặt bằng lãi suất, “sức khỏe” các ngân hàng mới là mấu chốt

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Để hạ mặt bằng lãi suất cho vay, việc giảm lãi suất điều hành là chưa đủ mà cơ quan quản lý cần có những giải pháp để nâng cao sức khỏe nội tại của các ngân hàng.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa quyết định giảm 0,25%-0,5% một loạt các loại lãi suất điều hành kể từ ngày 19/6 - lần thứ 4 chỉ trong vòng có 3 tháng - trong bối cảnh nhiều ngân hàng trung ương trên thế giới vẫn chưa dừng thắt chặt.

Theo NHNN, việc tiếp tục giảm lãi suất điều hành lần này khẳng định và xác lập xu hướng giảm lãi suất cho thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng tổ chức tín dụng (TCTD) mạnh dạn và quyết liệt hơn trong việc giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng doanh nghiệp và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và phục hồi kinh tế.

Các chuyên gia cũng kỳ vọng việc giảm lãi suất điều hành sẽ sớm phản ánh vào mặt bằng lãi suất trên thị trường. Chuyên gia tài chính, TS Cấn Văn Lực cho rằng, việc giảm lãi suất sẽ hỗ trợ các TCTD trong việc tiếp cận vốn từ NHNN qua các công cụ như cho vay tái chiết khấu, tái cấp vốn, liên ngân hàng; qua đó, giúp các TCTD có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất huy động và cho vay. Đồng thời, tăng trưởng tín dụng được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn khi lãi suất giảm trong thời gian tới, qua đó góp phần tăng thu nhập từ tín dụng và các dịch vụ liên quan cho các TCTD.

Lãi suất giảm cũng sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, bên vay vốn, giảm một phần chi phí tài chính.

"Sức khỏe" nhiều ngân hàng chưa tốt là một trong những nguyên nhân đẩy lãi suất lên cao

"Sức khỏe" nhiều ngân hàng chưa tốt là một trong những nguyên nhân đẩy lãi suất lên cao

Cùng với đó, việc thay đổi chính sách tiền tệ từ thận trọng sang linh hoạt, nới lỏng, giúp doanh nghiệp và người dân có kỳ vọng lãi suất tiếp tục giảm, khiến họ có thể quyết định đầu tư, tiêu dùng nhiều hơn, góp phần hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội năm nay và năm tới...

Tuy nhiên, trên thực tế, dù Ngân hàng Nhà nước đã 4 lần liên tiếp giảm lãi suất điều hành, nhưng lãi suất cho vay vẫn chưa thực sự giảm rõ rệt và mặt bằng lãi suất của chúng ta vẫn cao.

Theo ông Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên cao cấp, Đại học Fulbright, khi lạm phát khoảng 2,4% mà mặt bằng lãi suất cho vay 13-14% là ở mức quá cao. Ông chỉ ra 3 nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Trong đó, đầu tiên là niềm tin của người dân vào hệ thống tài chính bị xói mòn sau sự việc tại Ngân hàng SCB, khiến thị trường đòi hỏi phải có mức lãi suất cao mới có thể giữ tiền trong tiết kiệm.

Thứ hai, chênh lệch lãi suất cho vay và lãi suất tiết kiệm cao. Lãi suất tiết kiệm vẫn ở mức cao, có thời điểm lên đến 10,5%-11%. Vừa qua, lãi suất tiết kiệm đã giảm song lãi suất cho vay vẫn cao, khoảng 13%, các doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể phải vay với mức lãi suất cao hơn.

Nguyên nhân chênh lệch, theo vị chuyên gia, chủ yếu nằm trong hệ thống các ngân hàng.

Theo đó, hệ thống ngân hàng Việt Nam có sự chênh lệch về quy mô, chất lượng quản trị, sức khoẻ tài chính. Nói cách khác, chênh lệch giữa 1 ngân hàng tốt và 1 ngân hàng yếu kém là quá lớn và đòi hỏi các ngân hàng yếu kém phải tìm mọi cách để huy động tiền với lãi suất cao.

Không chỉ vậy, các ngân hàng yếu kém còn liên quan đến sở hữu chéo, có ngân hàng là “sân sau” của doanh nghiệp bất động sản. Do đó, khi thị trường khó khăn, các ngân hàng yếu rơi vào thế kẹt, phải cho vay lãi suất cao với hi vọng vừa cứu được doanh nghiệp, vừa đỡ được cho ngân hàng. Vì vậy, các ngân hàng này không thể giảm lãi suất, phải chạy đua lãi suất...

Song song đó, trong điều hành chính sách tiền tệ cũng có những bất cập, phi thị trường và giật cục, như việc áp quota (hạn ngạch) tín dụng, áp trần lãi suất... Điều này dẫn đến tình trạng có ngân hàng tốt cần tăng trưởng tín dụng nhanh nhưng không được cho và ngược lại, khiến mặt bằng lãi suất cao.

Cũng cho rằng nội tại các nhà băng ảnh hưởng lớn đến lãi suất, TS Cấn Văn Lực cho rằng cơ quan quản lý cần nâng cao “sức khỏe” của các ngân hàng. Theo ông, cần đẩy nhanh cơ cấu lại các TCTD yếu kém và thanh khoản còn mỏng nhằm giảm thiểu cạnh tranh tăng lãi suất không lành mạnh, đôi khi phá vỡ mặt bằng lãi suất chung, khiến việc giảm lãi suất trở nên khó khăn hơn.

Cùng với đó, bản thân các TCTD và doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại, tiết giảm chi phí, tăng cường quản lý rủi ro (nhất là rủi ro thị trường, rủi ro tài chính, pháp lý…), qua đó có điều kiện giảm lãi suất trên diện rộng và bền vững hơn.