Phó Thống đốc: Không thể hạ chuẩn, “ném” tín dụng ra một cách vô lối

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trước tình trạng tăng trưởng tín dụng yếu, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho rằng ngành ngân hàng cũng muốn đẩy mạnh cho vay, nhưng không phải bằng cách hạ chuẩn để “ném” tín dụng ra một cách vô lối.

Sáng nay (21/6), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tổ chức họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm.

Theo báo cáo của NHNN, từ đầu năm đến nay, NHNN đã điều hành chính sách tiền tệ chắc chắn, linh hoạt, chủ động, kịp thời, hiệu quả, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và hỗ trợ, ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng.

Về lãi suất, qua 4 lần giảm lãi suất điều hành, NHNN đã giảm 1,5%/năm lãi suất tái cấp vốn và lãi suất chiết khấu, giảm 2%/năm lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài;

Giảm 0,5-1,25%/năm lãi suất tối đa tiền gửi bằng VND kỳ hạn dưới 6 tháng; Giảm 1,5%/năm mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND của TCTD đối với khách hàng vay để đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ một số lĩnh vực, ngành kinh tế.

Đồng thời, NHNN tiếp tục khuyến khích các TCTD tiết giảm chi phí để ổn định mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh.

Phó Thống đốc Đào Minh Tú

Phó Thống đốc Đào Minh Tú

Đến nay, lãi suất tiền gửi bình quân của các NHTM ở mức khoảng 5,8%/năm (giảm 0,7% so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân VND ở mức khoảng 8,9%/năm (giảm 1,0%/năm so với cuối năm 2022).

Mặc dù lãi suất giảm nhanh nhưng tín dụng vẫn tăng trưởng rất chậm. Đến 15/6/2023, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế mới đạt khoảng 12,32 triệu tỷ đồng, tăng 3,36% so với cuối năm 2022, tăng 8,94% so với cùng kỳ năm trước.

Theo Phó Thống đốc Đào Minh Tú, việc tăng trưởng tín dụng thấp chủ yếu do tính khách quan của nền kinh tế, do nhu cầu vốn thấp.

Phó Thống đốc cho biết, tháng 2/2023 NHNN đã giao room tín dụng cho các NHTM cả nước là 11%, theo định hướng cả năm 14-15%. Dù vậy đến 15/6, tín dụng mới chỉ tăng 3,36%.

Như vậy, có thể thấy hạn mức không thiếu, huy động vốn cũng không phải thấp, khả năng cung ứng vốn của các ngân hàng đầy đủ sẵn sàng. Tuy nhiên, khả năng hấp thụ vốn rất yếu, bởi nhiều nguyên nhân, có từ ngân hàng, từ những lý do khách quan của nền kinh tế trong nước và ảnh hưởng bởi kinh tế thế giới.

Doanh nghiệp hiện nay khá khó khăn, dòng tiền đứt đoạn, hàng tồn kho nhiều, thậm chí một số doanh nghiệp phải giảm bớt người lao động. Trong khi đó, giá cả nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao dẫn tới giá cả hàng hoá tăng. Sức mua cũng suy yếu dẫn tới nhu cầu vay vốn thấp.

Theo Phó Thống đốc, để giải quyết một cách hài hòa, tạo sự cân bằng giữa cung và cầu vốn nền kinh tế, giữa khả năng cho vay và khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp thì phải có điểm cân bằng. Điểm cân bằng này chính là bàn tay của Nhà nước phải tạo lập ra.

“Ai cũng mong muốn lãi suất cho vay thấp, nguồn tiền cho vay được rất nhiều. Chúng tôi cũng muốn tăng trưởng tín dụng nhưng không phải bằng cách hạ chuẩn tín dụng để “ném” tín dụng ra một cách vô lối, bất chấp câu chuyện tín dụng đó có lành mạnh không. Tăng trưởng tín dụng phải đảm bảo chất lượng tín dụng, hiệu quả tín dụng. Đó là bài toán khó” – Phó Thống đốc Đào Minh Tú nói.

Lãnh đạo NHNN khẳng định, hiện nay thanh khoản các tổ chức tín dụng đều đang rất dồi dào, kể cả các NHTM Nhà nước, các NHTM cổ phần lớn, nhỏ. Các doanh nghiệp, lĩnh vực kinh tế cần vốn và đảm bảo khả năng trả nợ chắc chắn sẽ được vay vốn.