Đã̃ đế́n lúc chia tay “hộ̣i là̀ng”

ANTĐ - Myanmar, nước chủ nhà SEA Games 27 vào cuối năm nay sẽ không tổ chức thi đấu thể dục dụng cụ (TDDC), môn giành nhiều HCV nhất cho đoàn Việt Nam tại Indonesia 2 năm trước.

Ngoài việc TDDC bị loại, Myanmar còn đang định loại nhiều nội dung mà đoàn Việt Nam có thể giành nhiều HCV ở các môn bơi lội, bắn súng, điền kinh. Số nội dung (bộ huy chương) của những môn khác cũng bị thu hẹp đáng kể.  Điền kinh dự tính loại một số nội dung quan trọng như 400m rào nam, nữ; 7 môn phối hợp nữ; 10 môn phối hợp nam; nhảy 3 bước... Nếu thế, VĐV  Quách Thị Lan (400m rào), Dương Thị Việt Anh (7 môn phối hợp nữ), Vũ Văn Huyện (10 môn phối hợp nam) có thể sẽ phải vắng mặt tại SEA Games 27. Trong khi đó, cử tạ thiếu hạng cân trên 75kg. Còn với bơi lội, Myanmar loại 2 nội dung đáng chú ý là 50m ngửa nữ và 400m hỗn hợp nữ khiến bơi lội Việt Nam có thể mất 2 HCV bởi Ánh Viên đang ngày càng tiến bộ. 

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam ông Hoàng Vĩnh Giang, nước chủ nhà SEA Games 27 mới chỉ chốt lại sẽ tổ chức 33 môn thể thao, ít hơn 11 môn so với dự định ban đầu, tuy nhiên vẫn chưa rút hoàn toàn các nội dung thi đấu. Nước chủ nhà SEA Games 27 Myanmar đặt tham vọng giành hơn 100 HCV và đứng trong tốp 2 của Đại hội. Nước này đưa vào chương trình thi đấu nhiều môn lần đầu xuất hiện ở SEA Games như cờ Myanmar, đua thuyền truyền thống Myanmar… 

Tính ra, Việt Nam vẫn có thể giành gần 100 HCV ở SEA Games 27 để cạnh tranh một vị trí trong tốp 3 để duy trì thứ hạng như từng có tại kỳ SEA Games trước. Thế nhưng câu chuyện buồn là ở chỗ SEA Games dù đã có hơn 50 năm tuổi vẫn cứ loanh quanh lối suy nghĩ “ao làng”, nghĩa là cứ hễ quốc gia nào đăng cai thì lại tìm cách loại bỏ những môn mà mình không mạnh nhằm đưa vào những môn chẳng cần biết có phổ biến không, miễn cứ vận động có 3 quốc gia ủng hộ, để thâu tóm huy chương chỉ để phục vụ cho việc quốc gia đó trở thành cường quốc hoặc bá chủ trong kỳ đại hội mà mình đăng cai mà không nghĩ đến việc phải tăng cường các môn Olympic, hạn chế các môn đặc thù khu vực để nhanh chóng hòa nhập, bắt kịp ở một số nội dung của các môn thể thao cơ bản và tạo ấn tượng tốt, có vị thế nhất định ở ASIAD cũng như Olympic. Trước Myanmar cũng có nhiều quốc gia đã làm như thế như Philippines năm 2005 đưa võ gậy, Thái Lan năm 2007 đưa bóng gỗ trên cỏ, Indonesia năm 2011 đưa dù lượn, leo tường và cả kempo...; ngay cả Việt Nam cũng từng đưa thật nhiều nội dung lặn, cầu chinh vào ở SEA Games 22 năm 2003 để vượt xa các đối thủ khác.

Những số liệu thống kê cho thấy trong suốt chiều dài lịch sử hơn nửa thế kỷ của SEA Games, chỉ có vẻn vẹn đúng 8 môn thể thao là chưa từng vắng mặt tại một kỳ Đại hội nào là bơi lội, điền kinh, cầu lông, bóng đá, quyền Anh, bắn súng, bóng bàn, quần vợt. Còn lại các môn thể thao khác đều đã ít nhất một lần bị các nước chủ nhà loại ra khỏi danh sách các môn thi đấu tại SEA Games, kể cả những môn thể thao cơ bản, quan trọng nằm trong hệ thống thi đấu Olympic. 

Lần này, không ai ngạc nhiên khi TDDC bị gạt khỏi chương trình thi đấu của SEA Games 27, bởi đó là... thông lệ các kỳ SEA Games nhiều năm qua. Có những phản ứng nhưng đa số đều không trách Myanmar bởi SEA Games đậm sắc màu lễ hội hơn là một cuộc tranh tài thuần túy. Đến thời điểm này, Đại hội thể thao lớn nhất khu vực vẫn sẽ chỉ là “hội làng” mà thôi, không hơn không kém khiến thể thao Đông Nam Á tiếp tục thụt lùi khi tham gia tranh tài ở các đấu trường lớn như ASIAD hay Olympic.

Tuy không có TDDC nhưng vẫn còn rất nhiều môn thể thao để các VĐV Việt Nam tranh tài. Song có lẽ đã đến lúc chúng ta nên từ bỏ tư duy lấy đấu trường khu vực làm mục tiêu trọng điểm để đề ra những cái đích phấn đấu cao hơn, xa hơn. Bởi dù đứng thứ ba, thứ nhì hay thậm chí thứ nhất toàn đoàn tại SEA Games cũng chẳng để làm gì khi ở các sân chơi lớn hơn như Asian Games hay Olympic thì thể thao Việt Nam lại trắng tay hoàn toàn, và thua kém rất nhiều quốc gia từng xếp sau mình tại SEA Games như Malaysia, Singapore hay Indonesia.

Thực tế , các quốc gia mạnh trong khu vực đều chuyển hướng chuẩn bị. Thái Lan chính thức tuyên bố sẽ không đặt nặng thành tích tại SEA Games và cử 50% lực lượng trẻ tham gia. Hội đồng Thể thao Malaysia yêu cầu Ủy ban Olympic nước này phải bảo đảm tiêu chuẩn dự SEA Games phải mang tính chuẩn bị cho các cuộc thi tài châu Á và thế giới chứ không dồn mọi đầu tư cho SEA Games. Và Malaysia chỉ cử các VĐV có khả năng đoạt huy chương đến Myanmar chứ không tham gia đủ số môn.

Các môn sẽ thi đấu ở SEA Games 27 gồm thể thao dưới nước (bơi, nhảy cầu, bóng nước....), bắn cung, điền kinh, xe đạp (BMX, băng đồng, đổ đèo và đường trường), đua ngựa, bóng đá, futsal nam nữ, cầu lông, bóng rổ, billiards-snooker, thể hình, quyền Anh, canoeing, cờ (cờ vua và cờ truyền thống của châu Á), golf, judo, karatedo, muay, pencak silat, rowing, thuyền buồm, cầu mây, chinlone, wushu, vovinam, cử tạ, vật, bắn súng, bóng bàn, taekwondo, quần vợt, đua thuyền truyền thống, bóng chuyền.