Đã “bắt trúng” bệnh

(ANTĐ) - Hiếm khi có một sự đồng thuận cao giữa các nhà hoạch định chính sách và giới chuyên gia kinh tế về căn nguyên chính của những bất ổn kinh tế vĩ mô thời gian qua. Đó là đầu tư công cao và kém hiệu quả, hệ thống hành chính phức tạp, sự chậm chạp trong việc đổi mới khu vực doanh nghiệp nhà nước, phối hợp giữa các cơ quan hoạch định chính sách thiếu đồng bộ, thống nhất. Đã “bắt trúng” bệnh rồi, vậy phác đồ điều trị như thế nào, phương thuốc đặc trị ra sao?

Đã “bắt trúng” bệnh

(ANTĐ) - Hiếm khi có một sự đồng thuận cao giữa các nhà hoạch định chính sách và giới chuyên gia kinh tế về căn nguyên chính của những bất ổn kinh tế vĩ mô thời gian qua. Đó là đầu tư công cao và kém hiệu quả, hệ thống hành chính phức tạp, sự chậm chạp trong việc đổi mới khu vực doanh nghiệp nhà nước, phối hợp giữa các cơ quan hoạch định chính sách thiếu đồng bộ, thống nhất. Đã “bắt trúng” bệnh rồi, vậy phác đồ điều trị như thế nào, phương thuốc đặc trị ra sao?

Với “gốc” bệnh ấy, “cơ thể” kinh tế nước ta không thể cứ tiếp tục “vắt sức” chạy theo tốc độ tăng trưởng dựa vào vốn, tài nguyên và lao động giá rẻ như hiện nay. Thực tế những năm qua chỉ rõ, chỉ cần tăng vốn đầu tư một chút để thúc đẩy tăng trưởng, ngay lập tức nền kinh tế gặp bất ổn về kinh tế vĩ mô.

Từ sau Đại hội Đảng XI, nền kinh tế nước ta bước vào một giai đoạn cần sự đổi mới toàn diện. Đổi mới là một quy luật, nhưng đổi mới lần này khác hẳn đổi mới hồi cuối thập niên 80. Hồi đó, quy mô nền kinh tế còn nhỏ nhoi, không mấy phức tạp và hầu như chưa bước chân ra hội nhập với bên ngoài.

Chỉ cần một số thay đổi theo hướng cởi trói cho các thành phần kinh tế, nước ta đã “gặt hái” những thành quả đáng kể về sức sản xuất và năng suất lao động. Nhờ đó nước ta đã đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao với lạm phát thấp và tỷ giá ổn định. Giờ đây, “cơ thể” kinh tế đã lớn lên nhiều và đã hội nhập tương đối toàn diện vào kinh tế toàn cầu. Dư địa để tiến hành các cải cách nho nhỏ dường như đã hết đất. Muốn kinh tế lớn mạnh và “cường tráng” hơn, không chỉ “thay áo” mới, mà quan trọng là đổi mới trong đầu, tức là đổi mới về tư duy quản trị nền kinh tế.

Theo các chuyên gia kinh tế, hoạt động kinh tế ở bất kỳ quốc gia nào, thể chế chính trị nào đều phải tuân theo luật và công bằng. Nhà nước phải là nơi mà mọi doanh nghiệp có thể tin cậy rằng mình được đối xử công bằng theo luật định: công bằng về vốn, về cơ hội kinh doanh, về đóng góp cho Nhà nước. Chính tính chất phức tạp của thể chế kinh tế thị trường khiến cho Nhà nước không thể can thiệp trực tiếp vào những đối tượng cụ thể, ngay cả các doanh nghiệp nhà nước.

Bởi vì bất kỳ sự can thiệp trực tiếp nào cũng làm cho một bộ phận của nền kinh tế được hưởng lợi, trong khi một bộ phận khác bị thiệt thòi và thiệt hại. Cần phải chấp nhận một thực tế là, thiếu động cơ làm kinh tế thì dù có tài giỏi đến mấy cũng không thể giúp doanh nghiệp làm ăn thịnh vượng được. Bởi thế, tất cả các công việc kinh doanh theo hướng lợi nhuận nên để cho khu vực tư nhân như mấy năm gần đây Nhà nước đã mở cửa cho tư nhân đầu tư cơ sở hạ tầng theo nhiều mô hình. Bản thân lĩnh vực đầu tư công cũng cần phải đổi mới tư duy.

Chỉ những loại hình dịch vụ mà hầu hết mọi người dân đều được hưởng mới cần thiết đầu tư công. Còn lại các lĩnh vực khác như cầu, đường, điện, nước, giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao… không nhất thiết phải đầu tư công làm gì. Trong các lĩnh vực này, đầu tư nên dừng ở cấp hệ thống quốc gia.

Còn những con đường, cây cầu cụ thể, trường học hay bệnh viện cụ thể thì hoàn toàn có thể dành lại cho tư nhân theo hình thức xã hội hóa đã và đang thực hiện. Tương tự, giáo dục bậc cao, nghiên cứu khoa học và công nghệ cũng cần một tư duy mới, điều duy nhất mà Nhà nước cần làm là tạo ra một hành lang pháp lý và một hệ thống hỗ trợ. Một số chuyên gia có chung một nhận định rằng cần một tư duy mới về một hệ nguyên lý mới điều hành nền kinh tế.

Đại hội Đảng XI sẽ tạo ra một sự đổi mới toàn diện, trong đó đổi mới tư duy chính trị có ý nghĩa quyết định nhất. Bởi chính trị giúp cho xã hội dung hòa các mục đích khác nhau trong những vấn đề phát sinh cụ thể trong cuộc sống hàng ngày.

Đã “bắt trúng” bệnh nền kinh tế, hướng điều trị cũng đã xác định là ổn định kinh tế vĩ mô, phát triển bền vững. Vấn đề còn lại là giải pháp và quyết tâm.

Đan Thanh