Cựu Phó tổng giám đốc Vinalines lĩnh án

ANTD.VN - Sau khi bị hủy án, trong các ngày 29 và 30-12, TAND TP Hà Nội đã đưa Bùi Quốc Anh – cựu Phó tổng giám đốc Vinalines cùng đồng phạm ra xét xử lại, theo một tội danh về tham nhũng.

Theo đó, tại phiên tòa, Bùi Quốc Anh (SN 1959, trú ở phường Láng Hạ, Đống Đa, Hà Nội) – nguyên Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) bị xét xử về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, theo Điều 281-BLHS.

Liên quan, Đỗ Thị Bích Thủy (SN 1962) – cựu Phó tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Vận tải Biển Đông (gọi tắt là Công ty Biển Đông); Ngô Văn Nhuận (SN 1970) – cựu Phó kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước Khu vực 7 và Nguyễn Thị Lệ Thủy (SN 1977) - cựu thủ quỹ Công ty Biển Đông cũng lần lượt bị xem xét về tội danh như Bùi Quốc Anh.

Cựu Phó tổng giám đốc Vinalines - Bùi Quốc Anh (bên trái) cùng các bị cáo liên quan

Theo đó, cáo trạng truy tố cùng các lời khai tại phiên tòa cho thấy, từ chủ trương của Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Tổng Công ty CNTT Việt Nam, sau đổi thành Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam - Vinashin) về việc mở rộng, khai thác và nâng cao năng lực cạnh tranh toàn diện trong lĩnh vực vận tải biển, Công ty Biển Đông được phê duyệt 5 dự án mua tàu gồm: tàu Enefgy, tàu Victory, tàu Vạn Hưng, tàu Melody và tàu Biển Đông Stas.

Cụ thể, năm 2006, Tổng công Công ty CNTT Việt Nam có quyết định phê duyệt dự án mua tàu chở dầu cũ với tổng mức đầu tư gần 38.000.000 USD (tương đương hơn 599 tỷ đồng). Trong đó, chỉ tính riêng hạng mục lập báo cáo nghiên cứu khả thi đã lên tới 94.180 USD.

Thực hiện dự án mua tàu biển nêu trên, Bùi Quốc Anh đã ký hợp đồng kinh tế với Công ty VFC (đơn vị chuyên tư vấn về tàu biển) về việc doanh nghiệp này sẽ chịu trách nhiệm lập báo cáo tiền khả thi cho Công ty Biển Đông khi mua tàu biển mang tên Energy với chi phí là hơn 1,5 tỷ đồng.

Sau đó, mặc dù Công ty VFC không hề nghiên cứu và lập báo cáo cho Công ty Biển Đông nhưng Bùi Quốc Anh và đại diện doanh nghiệp tư vấn về tàu biển vẫn ký biên bản nghiệm thu và quyết toán khống số tiền hơn 1,5 tỷ đồng. Đổi lại, sau khi “rút ruột” được ngân sách Nhà nước, Công ty VFC phải “cắt” lại 50% giá trị hợp đồng lập báo cáo tiền khả thi cho một số cá nhân thuộc Vinalines.

Tháng 12-2006, sau khi nhận được số tiền hơn 1,5 tỷ đồng khống, đại diện Công ty VFC đã bàn bạc với Bùi Quốc Anh và Đỗ Thị Bích Thủy hợp thức hóa 750 triệu đồng tiền “lại quả” bằng việc ký hợp đồng giả tạo với nhà thầu phụ trong việc lập báo cáo tiền khả thi đối với dự án mua tàu biển Energy. Thực hiện chỉ đạo của cựu Phó tổng giám đốc Vinalines, Bích Thủy sau đó đã nhờ Ngô Văn Nhuận thiết kế giúp.

Và thực tế là Nhuận sau đó đã nhờ một học trò cũ của đối tượng này lập khống toàn bộ hồ sơ giả, đồng thời mua hóa đơn trôi nổi để hoàn tất hồ sơ nhà thầu phụ “ma” để chiếm đoạt 750 triệu đồng.

Ngoài lập khống hồ sơ, quyết toán đối với việc lập báo cáo tiền khả thi khi mua tàu chở dầu Energy, Bùi Quốc Anh cùng các bị cáo liên quan còn ký khống 4 hợp đồng kinh tế tương tự khi thực hiện chủ trương mua sắm các tàu biển là Victory, Vạn Hưng, Melody và tàu Biển Đông Stas với Công ty TNHH Tân Minh Nguyệt.

Trong quá trình thực hiện việc mua sắm các tàu biển nêu trên, Bùi Quốc Anh còn chỉ đạo Đỗ Thị Bích Thủ và Nguyễn Thị Lệ Thủy chi tiền “ngoại giao” cho nhiều người. Với các hành vi đó, Bùi Quốc Anh cùng các bị cáo liên quan đã gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 4,7 tỷ đồng.

Quá trình xét xử, các bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội như nội dung bản cáo trạng truy tố. Và sau khi xem xét toàn diện nội dung vụ án cùng các chứng cứ, tài liệu có trong hồ sơ, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội đã quyết định tuyên phạt cựu Phó tổng giám đốc Vinalines - Bùi Quốc Anh 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Đối với 3 bị cáo liên quan, mặc dù xác định đã phạm vào tội danh như cáo trạng xác định, song Tòa án Hà Nội chỉ lần lượt quyết định tuyên phạt các cựu cán bộ của Công ty Biển Đông từ 2 năm tù cho hưởng án treo đến 3 năm tù giam.