Cựu lãnh đạo công ty chứng khoán chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cần tiền trả nợ và ăn tiêu, nhóm người ở công ty chứng khoán đã lợi dụng chức năng lưu ký chứng khoán của doanh nghiệp mình để chiếm đoạt gần 300 tỷ đồng.

Sau nhiều lần điều tra bổ sung, trong các ngày mùng 9 và 10-5, TAND TP Hà Nội tiếp tục đưa các bị cáo từng là lãnh đạo Công ty CP Chứng khoán SMES (gọi tắt là Công ty Chứng khoán SMES) ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo đó, Phạm Minh Tuấn (SN 1974, cựu Tổng giám đốc SMES); Phan Huy Chí (SN 1975, cựu Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc SMES); Nguyễn Huy Sơn (SN 1981, nhân viên SMES); Nguyễn Phương Lan (SN 1980, nhân viên SMES); Nguyễn Thanh Nam (SN 1975, cựu Giám đốc SMES Chi nhánh TP.HCM) và Cao Tuấn Nghĩa (SN 1974, cựu Giám đốc CTCP Tư vấn Anh) cùng bị truy tố về tội "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản".

Các bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử tại phiên tòa.

Các bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử tại phiên tòa.

Liên quan, các bị cáo Chu Xuân Lai (SN 1967, cựu Tổng giám đốc PVFI); Lê Xuân Tân (SN 1979, cựu Phó tổng giám đốc PVFI); Vũ Xuân Công (SN 1980, cựu Phó Ban dịch vụ tài chính PVFI) và Vũ Thị Hồng Lan (SN 1978, cựu Trưởng ban dịch vụ tài chính PVFI) cùng bị xem xét về tội "Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng".

Theo cáo trạng truy tố, Công ty Chứng khoán SMES được thành lập từ năm 2006, vốn điều lệ 255 tỷ đồng.

Từ tháng 4-2010 đến tháng 3-2011, do cần huy động tiền để trả các khoản nợ đến hạn phải thanh toán và ăn tiêu cá nhân nên các bị cáo trong vụ án đã lợi dụng chức năng lưu ký chứng khoán của Công ty Chứng khoán SMES để chiếm đoạt tiền của hàng loạt doanh nghiệp.

Cụ thể, các bị cáo đã tạo dựng ra một số nhà đầu tư chứng khoán, rồi “tiến cử” họ ký kết các hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán niêm yết, hợp đồng ủy thác đầu tư chứng khoán với các công ty tài chính và ngân hàng. Sau đó, lợi dụng chức năng của Công ty Chứng khoán SMES, nhóm lãnh đạo công ty này đứng ra ký kết các hợp đồng 3 bên nhằm ràng buộc trách nhiệm giữa nhà đầu tư chứng khoán với công ty tài chính và ngân hàng.

Tuy nhiên trên thực tế, các nhà đầu tư chứng khoán do nhóm này “tiến cử” liên kết làm ăn với các công ty tài chính chỉ là “ảo”. Trong khi ấy, quá trình các bên ký kết hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp đồng ủy thác đầu tư chứng khoán, các cựu lãnh đạo của Công ty Chứng khoán SMES không ngần ngại xác định và phong tỏa khống số dư chứng khoán có tính thanh khoản cao của những nhà đầu tư “ảo”.

Cơ quan tố tụng xác định, các bị cáo chiếm đoạt của Công ty CP Bảo hiểm dầu khí Việt Nam (PVI) số tiền 107 tỷ đồng; chiếm đoạt của Công ty CP Tài chính công đoàn dầu khí Việt Nam (PVFI) hơn 111 tỷ đồng và chiếm đoạt của Ngân hàng Habubank 80 tỷ đồng.

Tài liệu truy tố xác định, trong vụ án này, các bị cáo thuộc PVFI đã không thực hiện đúng, đầy đủ trách nhiệm quy trình hợp tác đầu tư chứng khoán niêm yết dẫn đến PVFI bị thiệt hại 109 tỷ đồng.

Theo cáo trạng, các bị cáo này là những người có chức trách nhiệm vụ bảo toàn và phát triển vốn của nhà nước tại doanh nghiệp. Tuy nhiên các bị cáo không làm đầy đủ nhiệm vụ được giao, không làm đúng, đủ quy trình hợp tác đầu tư chứng khoán niêm yết của PVFI.

Khi ký kết hợp đồng và niêm yết chứng khoán không có mặt các bên tham gia, không thực hiện đúng nội dung hợp đồng, để cho Phan Huy Chí và đồng phạm lợi dụng chiếm đoạt tiền.

Quá trình điều tra, bị cáo Phan Huy Chí đã trả cho PVI hơn 65,6 tỷ đồng. Gia đình bị cáo Chí đã khắc phục thêm 15 tỷ đồng, Phạm Minh Tuấn khắc phục hơn 2,3 tỷ đồng…

Trình bày tại tòa, bị cáo Phan Huy Chí khẳng định ‘không chiếm đoạt tiền”, không lừa đảo và hợp đồng hợp tác đầu tư chứng khoán thực chất là để “đảo nợ”. Bị cáo khai, giữa SMES và PVFI có quan hệ hợp tác kéo dài nhiều năm, gồm nhiều hợp đồng, hợp đồng sau gối hợp đồng trước. Bản chất là vay tiền dưới dạng ủy thác vốn.

Còn đại diện PVFI cho hay, hiện SMES đang sở hữu hơn 3 triệu cổ phiếu PVFI. Trên sổ cổ đông của PFVI có thể hiện SMES là cổ đông. PVFI đã từng khởi kiện ra TAND TP Hà Nội về số cổ phiếu này. Tuy nhiên, hiện trạng số cổ phiếu này được SMES cầm cố cho ngân hàng. TAND TP Hà Nội đang tạm đình chỉ vụ kiện này để chờ kết quả điều tra của cơ quan công an.

Sau 2 ngày mở tòa xem xét tội trạng của các bị cáo, HĐXX sơ thẩm TAND TP Hà Nội một lần nữa lại quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung do nhiều tình tiết của vụ án vẫn chưa thể làm rõ.