Cứu khí hậu Trái đất trước khi quá muộn

ANTD.VN - Tất cả các quốc gia trên thế giới cần quyết tâm hành động để cứu khí hậu cũng như môi trường sống trên Trái đất khi mà lượng khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính năm 2017 lần đầu tiên tăng trở lại sau 3 năm.

Cứu khí hậu Trái đất trước khi quá muộn ảnh 1Hội nghị Liên hợp quốc lần thứ 23 về chống biến đổi khí hậu (COP 23) đang diễn ra tại thành phố Bonn (Đức) kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng hành động cứu khí hậu Trái đất 

Phát biểu tại Hội nghị Liên hợp quốc lần thứ 23 về chống biến đổi khí hậu (COP 23) đang diễn ra tại thành phố Bonn (Đức), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres cảnh báo những hậu quả xấu khi thế giới có nguy cơ không đạt được mục tiêu về giảm khí thải. Tổng Thư ký Guterres đã dẫn báo cáo mới nhất của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc cho thấy những cam kết giảm phát thải sẽ chỉ thực hiện được 1/3 số lượng cần thiết để giữ cho nền nhiệt độ của Trái đất ở ngưỡng an toàn theo Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.  

Trong đó, điều rất đáng quan ngại là năm 2017 sẽ lần đầu tiên chứng kiến mức tăng lượng khí thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính sau 3 năm liên tiếp duy trì ổn định. Do đó, theo người đứng đầu Liên hợp quốc, “cửa sổ” cơ hội để đạt được mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ Trái đất không quá 2 độ C có thể sẽ khép lại trong vòng 20 năm tới, hoặc thậm chí ít hơn.

Số liệu đưa ra tại COP 23 cho thấy, lượng khí CO2 phát thải ra môi trường, nguyên nhân gây ra tình trạng nóng lên toàn cầu, sẽ lên tới khoảng 41 tỷ tấn trong năm 2017, tăng 2% trong năm nay sau 3 năm chững lại. Với tốc độ tăng trở lại này, con người có thể không đủ thời gian để kiềm chế mức tăng nhiệt độ Trái đất không quá 2 độ C, chứ chưa nói đến 1,5 độ C, so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp (thập niên 50 của thế kỷ XIX).

Trung Quốc là quốc gia thải nhiều khí CO2 nhất năm nay, chủ yếu là từ nhiên liệu hóa thạch (than đá tăng 3%, dầu mỏ - 5% và khí đốt tự nhiên - 12%). Lượng khí CO2 phát thải của Trung Quốc chiếm gần 30% lượng khí thải CO2 toàn cầu; tiếp đó là Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Ấn Độ. 

Nhằm thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu, tại COP 23, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres kêu gọi cộng đồng quốc tế nỗ lực hơn nữa trong 5 lĩnh vực hành động gồm: khí thải, thích nghi, tài chính, quan hệ đối tác và lãnh đạo. Cùng với việc cho rằng khẩn cấp hành động để giảm lượng khí thải, ông Antonio Guterres nhấn mạnh các quốc gia cần phải thích nghi với biến đổi khí hậu và tăng cường khả năng ứng phó. Ngoài ra, các công ty và Chính phủ cần phải tính đến những “cú sốc” khí hậu trong các chính sách, kế hoạch và hoạt động.   

Nhân tố quan trọng để chống biến đổi khí hậu, theo Tổng Thư ký Antonio Guterres, là Liên hợp quốc cần phải huy động được khoản ngân sách thường niên 100 tỷ USD mỗi năm để hỗ trợ các nước đang phát triển đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, song đây hiện đang là vấn đề khó khăn. Khi ký Hiệp định Paris năm 2015, các nước phát triển đã cam kết tới năm 2020 đóng góp cho Quỹ chống biến đổi khí hậu 100 tỷ USD để giúp các nước đang phát triển đương đầu với tình trạng nóng lên toàn cầu.

Tổng Thư ký Antonio Guterres cho rằng, để đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, còn phải chú trọng đến quan hệ đối tác bởi quan hệ đối tác - với khu vực tư nhân, các chính quyền địa phương và khu vực, cũng như xã hội dân sự - sẽ quyết định thành bại của việc thực hiện Hiệp định Paris. Đặc biệt, cách duy nhất để duy trì mức tăng nhiệt độ Trái đất không quá 2 độ C và tiến sát xuống ngưỡng 1,5 độ C là huy động khu vực tư nhân thực hiện tiến trình chuyển đổi năng lượng. Tổng Thư ký Antonio Guterres cũng nhấn mạnh tới nhân tố tầm quan trọng của lãnh đạo chính trị, vì thế đã kêu gọi các Chính phủ thực thi chính sách giảm thiểu khí CO2 và ứng phó với biến đổi khí hậu hiệu quả để làm gương cho các công ty và xã hội dân sự.