Cựu giám đốc chi nhánh ngân hàng vào tù vì "thổi giá" tài sản bảo đảm

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mặc dù giá trị tài sản đảm bảo chỉ hơn 7 tỷ, nhưng cựu giám đốc chi nhánh ngân hàng đã "thổi giá" lên thành hơn 43 tỷ đồng khiến tổ chức tín dụng bị thệt hại số tiền lớn.

Sau 2 ngày xét xử, chiều 22-12, TAND TP Hà Nội quyết định tuyên phạt Lại Hồng Thái (SN 1980, cựu Giám đốc chi nhánh một ngân hàng tại Hà Nội) 13 năm tù về tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng". Về trách dân sự, Tòa tuyên buộc bị cáo Thái phải bồi thường cho ngân hàng hơn 12 tỷ đồng.

Quá trình xét xử, Tòa án Hà Nội làm rõ Lại Hồng Thái được bổ nhiệm Giám đốc chi nhánh của ngân hàng từ ngày 11-6-2013 đến 20-7-2015. Trong thời gian quản lý, điều hành, bị cáo đã nhận hồ sơ đề nghị vay vốn của khách hàng, chỉ đạo nhân viên lập 68 hồ sơ đề nghị vay vốn của khách hàng là cá nhân vay vốn dưới hình thức vay tiêu dùng, thế chấp bằng quyền sử dụng đất.

Cựu Giám đốc chi nhánh ngân hàng Lại Hồng Thái bị đưa ra xét xử tại phiên tòa.

Cựu Giám đốc chi nhánh ngân hàng Lại Hồng Thái bị đưa ra xét xử tại phiên tòa.

Ngân hàng nơi Thái làm giám đốc chi nhánh sau đó đã giải ngân cho 68 khách hàng vay hơn 30 tỷ đồng. Sau khi nhận đủ số tiền giải ngân, toàn bộ 68 khách hàng này đều chỉ thực hiện thanh toán tiền gốc và tiền lãi cho ngân hàng trong thời gian ngắn, rồi không trả nợ gốc và lãi theo kỳ hạn quy định.

Phát hiện nhiều khoản vay chuyển thành nợ quá hạn ở chi nhánh do Thái làm giám đốc, cơ quan thanh tra nội bộ của ngân hàng này đã kiểm tra 27/68 hồ sơ cấp tín dụng và phát hiện một số vi phạm.

Cụ thể, định giá tài sản có dấu hiệu được nâng khống cao gấp nhiều lần giá trị của tài sản bảo đảm trên thực tế. Phần lớn các khách hàng ký hợp đồng vay vốn và được nhận tiền giải ngân của ngân hàng chỉ là người đứng tên để vay hộ.

Thậm chí, các tài sản thế chấp do khách hàng vay vốn đứng tên, nhưng trên thực tế không phải là tài sản của họ.

Khách hàng vay vốn không biết tài sản bảo đảm ở đâu, giá trị bao nhiêu. Các thông tin cá nhân về khách hàng như chứng minh nghề nghiệp, thu nhập của khách hàng vay vốn không có trên thực tế.

Sau khi phát hiện các hồ sơ vay vốn nói trên có dấu hiệu vi phạm quy định về hoạt động cho vay, ngân hàng đã gửi đơn tố giác đến cơ quan điều tra.

Quá trình điều tra, dù bị cáo Thái không thừa nhận hành vi phạm tội và khẳng định đã trực tiếp cùng cán bộ quản lý khách hàng xuống khảo sát thực tế, thu thập thông tin thị trường khu vực có tài sản bảo đảm, thông tin từ sàn giao dịch bất động sản theo đúng quy trình và phương pháp thẩm định giá của ngân hàng. Tuy nhiên, bị cáo không cung cấp được thông tin, tài liệu chứng minh đã thực hiện đúng quy trình định giá.

Cơ quan tố tụng cho rằng căn cứ vào lời khai của các nhân viên ngân hàng, khách hàng đứng tên vay vốn, chứng thư thẩm định giá và kết quả định giá tài sản đảm bảo có đủ căn cứ xác định bị cáo đã nâng khống giá trị tài sản đảm bảo lên nhiều lần, để có thể giải ngân ở mức cao nhất.

Theo kết quả định giá của Hội đồng định giá trong tố tụng hình sự, tổng giá trị 59 tài sản đảm bảo trong 59 hợp đồng tín dụng tại thời điểm cho vay chỉ là hơn 7 tỷ đồng. Nhưng được Thái nâng khống giá trị lên thành hơn 43 tỷ đồng để cho vay hơn 25 tỷ.

Các khách hàng sau khi được giải ngân chỉ trả được lãi, gốc trong thời gian rất ngắn, sau đó không thực hiện việc trả nợ theo hợp đồng, giá trị tài sản đảm bảo không đủ phần vốn vay, gây thiệt hại cho ngân hàng hơn 13 tỷ đồng.

Tại phiên tòa, đại diện ngân hàng yêu cầu những người liên quan phải bồi thường số tiền 52 tỷ đồng cả gốc và lãi, đồng thời đề nghị được xử lý các tài sản bảo đảm để thu hồi nợ.

Trước khi tuyên phạt Lại Hồng Thái mức án cùng trách nhiệm bồi thường nêu trên, HĐXX sơ thẩm nhận định, quá trình điều tra, truy tố, mặc dù bị cáo không thừa nhận hành vi phạm tội, nhưng căn cứ vào lời khai nhân viên cấp dưới, các tài liệu chứng cứ thu thập được đủ cơ sở xác định bị cáo đã phạm tội như cáo trạng truy tố.

Hành vi của bị cáo là rất nguy hiểm đối với xã hội, đặc biệt là đối với tổ chức tín dụng, do đó cần phải áp dụng hình phạt tù nghiêm khắc, tương xứng với tính chất, mức độ tội phạm mà bị cáo gây ra.