Cuốn nhật ký trở về sau 41 năm lưu lạc…
(ANTĐ) - Trong nhiều kỷ vật được quân đội Mỹ trao tặng cho Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đầu năm 2010, có một cuốn nhật ký của người lính Việt Nam gây sự chú ý đặc biệt với công chúng. Trở về sau 41 năm lưu lạc, cuốn nhật ký không chỉ “kể” cho người nghe những câu chuyện lịch sử xúc động mà còn thể hiện thái độ trân trọng và thiện chí giữa hai người lính ở hai bờ chiến tuyến …
Tác phẩm "Người lính" |
“Đất nước ơi! người đẹp quá!”
Cuốn nhật ký giờ đây đã được đặt ở vị trí trang trọng tại bảo tàng, nhằm giúp các thế hệ con cháu Việt Nam hiểu và trân trọng những giá trị lịch sử mà cha anh đã dày công vun đắp. Cũng như bao người lính cùng thế hệ, hoạ sỹ Lê Đức Tuấn ra trận chỉ với ý nghĩ quyết tâm quét sạch quân thù để đem lại thanh bình cho đất nước. Ông vẽ với hy vọng một ngày trở về sẽ dùng những tư liệu ghi chép được để sáng tác.
Sau khi tốt nghiệp khoá I trường Trung học Mỹ thuật công nghiệp (nay là trường Đại học Mỹ thuật công nghiệp), hoạ sỹ Lê Đức Tuấn nhập ngũ vào Tiểu đoàn Quyết thắng. Hành trang lên đường của ông năm ấy có thêm cây bút chì và quyển sổ. Mà thời ấy, giấy rất hiếm nên một người bạn làm ở Bảo tàng Mỹ thuật đã tập hợp những tờ bo tranh để đóng thành một quyển sổ tặng ông. Ngoài ra ông còn mang theo một cuốn sổ thơ Puskin để thỉnh thoảng lấy ra đọc cho bạn bè, đồng đội nghe. Đó cũng là cách để ông nuôi dưỡng tâm hồn mình theo năm tháng của cuộc kháng chiến.
Trước khi tiến quân ra mặt trận, hoạ sỹ Lê Đức Tuấn đã tham gia những khoá huấn luyện tại nhiều tỉnh, thành và địa phương. Đây là khoảng thời gian ông cho ra đời rất nhiều ký hoạ chân dung về những đồng đội. Rời Hà Nội để tới những vùng nông thôn, những vùng xa hơn nữa, người lính trẻ năm ấy đã được tận mắt nhìn ngắm “dung nhan” những vùng đất khác nhau trên đất nước mình. Người lính trẻ khi ấy trước phong cảnh quê hương với cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, với rừng cây xanh rì bát ngát… thấy cây bút của mình dường như không đủ sức để diễn tả hết vẻ đẹp làng quê Việt. Và ông chỉ biết thốt lên: “Đất nước ơi! Người đẹp quá!”. Chẳng thế mà bên cạnh những bức ký hoạ chân dung, ông còn những bức tranh phong cảnh làng quê Việt với nhiều cung bậc xúc cảm đặc biệt.
Khi bước vào trận chiến đấu đầu tiên, tư trang của người lính đều để lại hậu phương. Cũng trong trận càn quét của địch, cuốn nhật ký mà ông vô cùng yêu quý đã bị lấy đi cùng với các tư trang hành lý khác. Ngày ấy, ông đã rất trống trải khi mất đi cuốn nhật ký bằng tranh của mình…
“Đồng Viên - Phù Đổng - Gia Lâm 1967” |
“Quá bất ngờ đối với tôi!”
Người đã nhặt được cuốn nhật ký bằng tranh có 112 bức mà giờ chỉ còn lại 109 bức ấy là thiếu tá R.Simson (Mỹ). Năm 1968, trong một trận hành quân “tìm diệt” đánh phá hành lang căn cứ cách mạng ở Pleiku - KonTum, vùng biên giới Việt Nam-Campuchia (Tây Bắc Tây Nguyên), đồng đội của R.Simson đã định đốt cuốn nhật ký nhưng ông ngăn lại rồi dịch những câu chú thích ngắn ngủi sang tiếng Anh và sau đó đem tặng viên tướng chỉ huy mặt trận Đắc Tô, Tân Cảnh thời đó - Tướng William R. Peers. Chính viên tướng này đã cất giữ cuốn nhật ký suốt mấy chục năm qua. Trước khi qua đời vào năm 1984, ông có ước nguyện chuyển lại cuốn nhật ký cho người thân của tác giả bởi người tướng Mỹ năm ấy vẫn nghĩ rằng, Lê Đức Tuấn đã hy sinh.
Bản thân Lê Đức Tuấn, ông không tin rằng có một ngày mình sẽ được nhận lại đứa con tinh thần của mình. Bởi dưới sức ép của bom đạn, đến một ngọn cây, nhành cỏ còn tan nát thì cuốn nhật ký cũng khó mà thoát nổi. Nhưng nhờ vào cuộc vận động sưu tầm và giới thiệu kỷ vật kháng chiến, cuốn nhật ký được phía Mỹ trao lại cho Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam. Lúc đó, người họa sỹ cũng chưa biết cuốn nhật ký đã trở về Việt Nam. Tình cờ, người em gái của ông khi đến thăm quan bảo tàng đã phát hiện ra cuốn nhật ký có chữ ký “L.Đ.Tuấn” giống hệt bút danh mà anh trai mình thường sử dụng khi sáng tác tranh. Nhờ đó, ông đã gặp lại đứa con tinh thần sau 41 năm lưu lạc. Ông nói: “Tìm lại được cuốn nhật ký là điều quá bất ngờ đối với tôi. Tôi không nghĩ rằng mình còn gặp lại cuốn nhật ký mà lại do phía bên kia lưu giữ. Họ đã giữ quá cẩn thận. Sau 41 năm mà không hề thay đổi chút nào. Có khác chăng chỉ là những trang nhật ký đã ngả màu theo thời gian”.
Hoạ sỹ Lê Đức Tuấn cứ tiếc mãi vì người lính Mỹ giữ cuốn nhật ký đã qua đời. Ông luôn nghĩ giá như người lính ấy còn sống và 2 người được gặp lại nhau thì cuộc gặp mặt có lẽ sẽ rất thân tình. Bởi khi ấy, đi qua thời gian lẫn bom đạn, 2 người lính năm nào sẽ xích lại gần nhau bằng sự trân trọng và hiểu biết lẫn nhau, lòng thù hận ở hai bên chiến tuyến giờ đây đã lùi xa vào dĩ vãng….
Phạm Thu Hương