Cước viễn thông “lội ngược” giá
(ANTĐ) - Liên tục khuyến mãi “khủng”, công bố các đợt giảm cước mạnh, tung ra các gói cước mới có mức giá hấp dẫn để thu hút khách hàng khiến mặt bằng chung của giá cước viễn thông tại Việt Nam ổn định, thậm chí giảm nhẹ, góp phần giảm áp lực chi tiêu đối với người tiêu dùng.
Cạnh tranh đã khiến giá cước di động liên tục giảm Ảnh minh họa |
Chị Kim Thoa - nhân viên kinh doanh của một công ty sách cho biết: “Giá nhiều loại hàng hoá đã thiết lập mặt bằng mới cao hơn mặt bằng cũ, nhất là sau mỗi lần điều chỉnh tăng giá xăng dầu, điện… Chỉ riêng có cước viễn thông là giảm trong những năm qua”.
Hơn 10 năm trước, nếu như khách hàng của các mạng di động phải chi tiêu khoảng 400.000 đồng/tháng tiền thuê bao cho một máy điện thoại di động thì hiện nay, cước thuê bao chỉ phổ biến ở mức gần 50.000 đồng/tháng/máy. Nhìn vào rổ hàng hoá tính chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của cả nước năm 2010, bưu chính - viễn thông là nhóm hàng duy nhất có chỉ số giảm nhẹ (dưới 0,5%) hoặc giữ ổn định qua các tháng. 2 tháng đầu năm 2011, CPI của nhóm hàng này giảm tương ứng 0,06% và 0,01% so với các tháng liền trước. Điều này chứng tỏ giá cả nhóm bưu chính viễn thông vận động ngoài “guồng quay” giá cả nhiều loại hàng hoá, dịch vụ khác ở thời điểm hiện tại.
Cuối năm 2010, các doanh nghiệp viễn thông trong nước cho rằng, giá cước điện thoại di động tại Việt Nam đã tiệm cận giá thành nên năm 2011, giá cả nhóm hàng này khó có thể tiếp tục giảm sâu. Bên cạnh đó, để đảm bảo cho thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh, Bộ TT-TT đã có văn bản quy định về mức khuyến mãi trong lĩnh vực này, nhằm hạn chế ảnh hưởng đến các doanh nghiệp nhỏ hơn trong ngành. Tuy nhiên, thực tế từ đầu năm nay cho thấy, nhiều chương trình khuyến mãi vẫn tiếp diễn.
Cụ thể, ngày 2-3-2011, mạng đi động Vinaphone công bố chương trình “khuyến mãi khủng” của năm có tên gọi “Thỏa sức Alo”, cho phép thuê bao của mạng này gọi miễn phí với gói cước rẻ chỉ còn 30.000 đồng/tháng. Chương trình được áp dụng cho các thuê bao trả sau hòa mạng mới trong khoảng thời gian từ 7 đến 31-3-2011.
Các thuê bao trả sau hòa mạng mới bao gồm: Thuê bao trả sau phát triển mới; Thuê bao trả sau đang tạm khóa 2 chiều khôi phục sử dụng dịch vụ và thuê bao trả trước chuyển sang trả sau. Ước tính, có hàng triệu thuê bao được hưởng chương trình khuyến mãi này.
Tương tự, mạng di động Viettel cũng công bố chương trình tặng 100% giá trị thẻ nạp cho các thuê bao trả trước đang hoạt động, bao gồm tất cả thuê bao: di động trả trước (trừ gói tourist sim), thuê bao D-com trả trước (trừ Laptop easy XNK 2 và Laptop easy VIP - dành cho cán bộ lãnh đạo cấp cao) và thuê bao Homephone trả trước từ 0h ngày 2-3 đến hết 24h ngày 4-3-2011. Như thường lệ, để giữ chân khách hàng cũ và thu hút thêm khách hàng mới, các mạng di động lớn còn lại thường công bố các chương trình khuyến mãi, các gói cước mới “khủng” hơn. Các mạng di động nhỏ hơn như: S-Fone, Vietnamobile… lại đưa ra những tiện ích, ứng dụng mới cho thuê bao của mình.
“Bất cứ mặt hàng, sản phẩm nào cũng chỉ cần giữ ổn định giá là người tiêu dùng như chúng tôi đã thấy yên tâm rồi. Nếu được giảm giá thì càng tốt. Như hiện giờ, cước điện thoại di động rẻ nên trong bao nhiêu nỗi lo chi tiêu thì phần chi trả tiền điện thoại vẫn “dễ chịu” hơn cả” - chị Kim Thoa chia sẻ.
Lãnh đạo một doanh nghiệp viễn thông cho rằng, chính sự cạnh tranh khốc liệt của các doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã khiến giá cước viễn thông tại Việt Nam giảm trong năm qua. Trong các phương thức cạnh tranh, cạnh tranh bằng giá tác động trực tiếp đến lợi ích của người sử dụng và dễ mang lại hiệu quả hơn cả.
Người dùng điện thoại di động tại Việt Nam hiện nay so sánh về giá cước từng cuộc gọi cho thuê bao trả trước và thuê bao trả sau để lựa chọn mạng, sau đó là lựa chọn chất lượng dịch vụ của các doanh nghiệp. Khuyến mãi nhiều thì doanh thu tính trên từng thuê bao di động có thể giảm, nhưng nhà mạng được bù đắp bằng việc “lôi kéo” thêm nhiều thuê bao mới hoà mạng, hoặc chính mỗi thuê bao tăng lưu lượng sử dụng. Và vì thế, mặc dù cạnh tranh khốc liệt song các “đại gia” trong lĩnh vực này vẫn “sống khoẻ”, thậm chí có doanh nghiệp còn đủ tiềm lực đầu tư ra nước ngoài như trường hợp của Viettel năm 2010.
Trong bối cảnh giá cả nhiều mặt hàng “tăng tốc” với lý do giá xăng dầu, giá điện, giá than, nguyên liệu đầu vào… tăng, thì câu chuyện cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông dường như rất có ý nghĩa để bình ổn thị trường.
Vân Hằng