- Grab, be thu phụ phí cao điểm nghỉ lễ Quốc khánh, khách thấy phản cảm
- Người dùng bức xúc vì cước xe công nghệ vẫn cao ngất ngưởng dù xăng đã giảm giá sâu
- Grab phụ thu phí “thời tiết nắng nóng” hay tận thu từ người dùng?
Cước taxi vẫn cao ngất ngưởng
Tính đến chiều 12/9, giá xăng RON95 đã về mức 23.210 đồng/lít, mức này còn thấp hơn mức giá xăng vào cuối tháng 12/2021, ở mức 23.295 đồng/lít. Xăng sinh học E5 hiện nay giá còn thấp hơn hồi cuối tháng 12 năm ngoái.
Bộ GTVT, Sở GTVT Hà Nội đều liên tục có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hàng hóa, vận tải khách như xe khách cố định, xe hợp đồng phải tính toán lại mức cước để điều chỉnh kịp thời theo diễn biến của giá xăng dầu.
Chấp hành chỉ đạo của Trung ương và TP Hà Nội, một số doanh nghiệp xe khách liên tỉnh, vận tải hàng hóa đường bộ đã giảm cước tương ứng với giá xăng dầu. Trong dịp cao điểm nghỉ lễ Quốc khánh vừa qua, Công ty CP Bến xe Hà Nội cho biết, đã có một số doanh nghiệp thông báo giảm giá cước.
|
Giá cước 1 cuốc xe công nghệ cho quãng đường di chuyển dài 3,26km ở TP Hà Nội vào chiều 12/9 |
Trong khi đó, báo cáo mới nhất của Bộ GTVT cho thấy, kết quả tổng hợp báo cáo từ các cơ quan, đơn vị việc điều chỉnh giảm giá cước đối với đường bộ, hiện tại, khoảng 63,98% các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe taxi sau khi kê khai tăng giá đã giảm hoặc đã thực hiện kê khai giảm giá (từ 800 đến 1.000 đồng/km) tương đương từ 4,5-12%.
Dù vậy, đến những ngày đầu tháng 9/2022, người tiêu dùng phản ánh, cước taxi và xe công nghệ trên địa bàn một số TP lớn như Hà Nội, TP.HCM vẫn đứng ở mức cao ngất ngưởng, không phù hợp với giá xăng, bất chấp chỉ đạo của Bộ GTVT và Sở GTVT các địa phương.
Khảo sát trong nhiều ngày qua đối với cước taxi truyền thống và taxi công nghệ của phóng viên cho thấy, phản ánh của người tiêu dùng là hoàn toàn có cơ sở.
Cụ thể, vào khung giờ được các hãng xe công nghệ tự mặc định là khung giờ cao điểm của taxi, lúc 12h30 trưa 12/9, di chuyển từ phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm đi Huỳnh Thúc Kháng, quận Đống Đa với quãng đường được báo là 3,26km, GrabCar báo cước là 71.000 đồng/cuốc di chuyển; beCar báo cước là 68.000 đồng/cuốc di chuyển và GoCar Protect là 72.000 đồng/cuốc di chuyển, chưa áp dụng khuyến mại.
|
Giá cước taxi G7 và GoCar Proctect cho quãng đường di chuyển 3,26km chiều 12/9 ở Hà Nội |
Tiếp đó, vào khung giờ hơn 14h chiều 12/9, khảo sát của phóng viên cho thấy, mức cước có hãng giảm, có hãng lại tăng nhẹ so với cao điểm trưa.
Cụ thể, với GrabCar vào khung giờ này cũng quãng đường di chuyển 3,26km như trên được báo giá 71.000 đồng; beCar tăng lên 75.000 đồng; GoCar Protect giảm nhẹ còn 64.000 đồng chưa áp dụng khuyến mại. Cao nhất vào khung giờ này là hãng taxi G7 báo cước 82.000 đồng.
Còn với taxi truyền thống, giá cước cũng không hề rẻ. Cụ thể như, với Vinasun taxi, một trong những hãng taxi có thị phần lớn ở TP.HCM và khu vực phía Nam giá mở cửa là 11.000 đồng/500m đầu tiên và những km tiếp theo là 17.600 đồng/km. Mức giá này theo thông báo được áp dụng từ ngày 9/5/2022.
Với taxi Mai Linh, giá mở cửa là 20.000 đồng/1,28km đầu tiên, các km tiếp theo giá cước là 17.000 đồng. Đây là mức cước với taxi 5 chỗ, loại 7 chỗ giá cao hơn.
Xe công nghệ nằm... ngoài luật?
Như vậy có thể thấy, giá cước taxi truyền thống và xe công nghệ vẫn ở mức rất cao, dù Bộ GTVT đã có nhiều văn bản chỉ đạo về việc các doanh nghiệp phải tính toán lại giá cước theo biến động của nhiên liệu.
Đặc biệt, trong bối cảnh giá xăng dầu giảm mạnh nhưng cước taxi, xe công nghệ vẫn án binh bất động, bất chấp chỉ đạo. Rõ ràng, các doanh nghiệp taxi và xe công nghệ không sòng phẳng với người tiêu dùng khi mà xăng dầu tăng cao thì tăng cước, nhưng khi xăng dầu giảm mạnh thì thờ ơ.
Đó là chưa kể xe công nghệ như Grab, Gojek còn áp dụng cước phí giờ cao điểm, thời tiết (mưa)… thì mức cước phí có thể tăng lên 2-3 lần so với bình thường. “Tăng cước phí giờ cao điểm có phải mỗi chúng tôi được hưởng đâu, các hãng như Grab hay Gojek cũng được hưởng chứ. Vì mỗi cuốc xe chúng tôi bị chiết khấu 30-35% tùy hãng. Vấn đề là giờ tắc đường, mưa gió chỉ lái xe phải chịu vất vả chứ các hãng thì vất vả gì mà lại được hưởng phí cao hơn?”, một lái xe GrabCar cho hay.
Chị Nguyễn Thu Hà ở Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội phản ánh, đang công tác tại một cơ quan trên địa bàn phường Mộ Lao, Hà Đông nên hay sử dụng taxi công nghệ và taxi truyền thống để di chuyển. Nhưng, cước taxi và xe công nghệ tại thời điểm những ngày vừa qua vẫn cao ngất ngưởng, dường như bất động với đà giảm sâu của giá xăng.
“Cước xe công nghệ như Grab, be hay Gojek vẫn rất cao, trong khi giá xăng liên tiếp giảm và đã về mức như năm 2021. Dù vậy, cước taxi đã điều chỉnh tăng thì không có giảm. Bộ GTVT và các Sở GTVT cần kiểm tra, xử lý các doanh nghiệp cố tình chây ỳ, không giảm cước taxi theo chỉ đạo”- chị Hà kiến nghị.