Cuộc phiêu lưu của “mèo rừng châu Phi”

ANTĐ - Chiến dịch quân sự mang tên Serval - Mèo rừng châu Phi mà Pháp tiến hành tại Mali đang tiến triển tốt đẹp. Nhưng liệu cuộc can dự quân sự này có diễn ra như Paris mong đợi?

Quân đội Pháp đang được tăng cường đến Mali

Đã 4 ngày qua, không lực Pháp liên tiếp tiến hành không kích nhằm vào các mục tiêu của phiến quân Hồi giáo ở Mali. Dưới sự yểm trợ của quân Pháp, quân đội Mali đã tái chiếm được thị trấn Konna, đẩy lùi mũi tiến công của các tay súng Hồi giáo hướng về thị trấn trọng yếu Mopti, nơi được coi là cửa ngõ quan trọng đi về phía Nam và tiến vào Thủ đô Bamako.

Kể từ khi lực lượng Hồi giáo tiến hành cuộc đảo chính hồi tháng 3 năm ngoái và giành quyền kiểm soát hoàn toàn miền Bắc Mali, tình hình ở quốc gia Tây Phi này mới phần nào được kiểm soát. Ngoài việc dùng không quân hỗ trợ cho quân đội Mali, Pháp cũng đã cho triển khai nhiều đơn vị quân đội tại Thủ đô Bamako, trên danh nghĩa là để đảm bảo an ninh cho khoảng 6.000 công dân Pháp. 

Xét từ góc độ lợi ích, việc Pháp can dự vào Mali không phải không có cơ sở. Nằm ở trung tâm Tây Phi và được bao bọc bởi nhiều nước có quan hệ hữu hảo với Paris, Mali được coi là nước thuộc khu vực ảnh hưởng truyền thống của Pháp. Mali rơi vào tầm kiểm soát của các lực lượng Hồi giáo cực đoan sẽ đe dọa lợi ích của Pháp trong khu vực. 

Quan trọng hơn là rối ren ở Mali có thể biến vùng sa mạc rộng lớn của nước này thành một trung tâm huấn luyện cho các chiến binh Hồi giáo cực đoan, thậm chí là căn cứ của các tổ chức khủng bố. Trên Đài truyền hình Pháp hôm 12-1, Thủ tướng Pháp Jean Marc Ayrault cho biết, chiến dịch quân sự có mục đích “ngăn chặn mối đe dọa khủng bố” ngay tại cửa ngõ nhiều nước châu Phi và của cả “nước Pháp và châu Âu”.

Tuy nhiên, vì là “quốc mẫu” cũ của Mali nên việc Pháp tiến hành chiến dịch can thiệp quân sự vẫn gây sự nghi ngờ của dư luận. Nhiều nhà phân tích bày tỏ lo ngại rằng, đằng sau kế hoạch can dự này là sự khởi đầu của một âm mưu “lấy lại tầm ảnh hưởng” ở khu vực vốn là thuộc địa của Pháp nhằm từng bước tái xây dựng “đế chế” của Pháp tại Lục địa đen trong bối cảnh sự cạnh tranh địa-chính trị tại khu vực này đang ngày càng trở nên khốc liệt giữa các cường quốc. 

Thêm vào đó, việc quân đội Pháp “mải mê” viễn chinh ở châu Phi đang tạo ra nguy cơ với nước Pháp. Tại quê nhà, Tổng thống Pháp F. Hollande vừa phải chỉ thị Thủ tướng  Jean-Marc Ayrault nâng mức báo động khủng bố trong nước lên màu đỏ, đồng thời ra lệnh tăng cường các biện pháp an ninh tại các tòa nhà công cộng và hệ thống giao thông. Mệnh lệnh của Tổng thống F. Hollande được đưa ra sau khi người phát ngôn của nhóm Hồi giáo Ansar Dine ở Mali đe dọa sẽ “trả đũa nước Pháp”, cảnh báo công dân Pháp trên khắp thế giới Hồi giáo sẽ gánh chịu hậu quả do việc can thiệp quân sự vào Mali.

Theo phân tích của trang mạng Daily Marverick (Nam Phi), việc can thiệp quân sự vào Mali không phải là một ý tưởng hay bởi điều đó có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng và gây nên hiệu ứng lan tỏa không chỉ ảnh hưởng đến Mali mà còn đối với cả khu vực Sahel và lục địa châu Phi. Theo trang mạng này, những sự kiện bi kịch vừa qua tại Mali chỉ là một trong những hậu quả của cuộc nội chiến tại Libya và điều này chắc chắn sẽ còn tái diễn. 

Trước mắt, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian thừa nhận chiến dịch can thiệp quân sự ở Mali sẽ phải kéo dài vì đà tiến của các nhóm vũ trang Hồi giáo chưa “hoàn toàn được ngăn chặn”. Cuộc phiêu lưu của “mèo rừng châu Phi” còn chưa kết thúc.