Chuyện về tên cướp "độc nhãn" tác quái với súng và chó săn (3):

Cuộc nhậu có một không hai với... sát thủ

ANTĐ - Trong suốt cuộc nhâu, Xê luôn giữ chặt khẩu súng AK. Nốc cả can rượu, rồi cả thuốc mê mà hắn tình như sao. Quá khuya, một tay cầm AK, một tay chộp lấy túi hành lý bên cạnh lao thẳng ra phía cửa, biến mất vào rừng...

MƯỜI MỘT LẦN “THƯỢNG SƠN”

Được sự hỗ trợ đắc lực của đồng bọn và năm con chó săn tinh khôn, từ đầu tháng 1 đến cuối tháng 7-1992, tên cướp “độc nhãn” Hồ Văn Xê tiếp tục dùng ba khẩu súng bắn bị thương hai người, thực hiện trót lọt 40 vụ cướp. Trước tình thế khẩn cấp,  lãnh đạo Công an huyện Hiệp Đức đã ra lệnh cho trinh sát “thượng sơn” vây bắt hung thủ 11 lần, nhưng...

Biết rõ sát thủ Hồ Văn Xê là tên cướp bắn súng thiện xạ và rất liều lĩnh, nguy hiểm nên quá trình truy bắt đối tượng này cùng đồng bọn của y được Công an huyện Hiệp Đức thực hiện một cách thận trọng, từng bước một. Nhằm nhanh chóng bắt được hung thủ, hạn chế thấp nhất những tổn thất về người và của có thể xảy ra, Công an huyện Hiệp Đức đã đưa ra hai phương án đặc biệt: vừa đẩy mạnh công tác vận động đối tượng ra đầu thú vừa cài cắm trinh sát khắp địa bàn hai xã Phước Trà, Phước Gia (huyện Hiệp Đức) - nơi Xê thường lui về thăm gia đình để ra tay bắt gọn.

Sau ba tháng kiên trì vận động, bằng các biện pháp nghiệp vụ, một ngày đầu tháng 4-1992, Hồ Văn Dũng (trợ thủ đắc lực của Xê) biết không thể thoát tội nên đã ra đầu thú. Được sự phân tích, giáo dục của Công an huyện Hiệp Đức, Dũng nhận ra tội lỗi của mình, khai báo thành khẩn và cùng phối hợp với các trinh sát vận động Hồ Văn Xê tiếp tục quy hàng. Nhưng là đối tượng hết sức ngoan cố, đã gây ra tội ác tày trời, Xê vẫn cố thủ trong rừng sâu. Có trong tay ba khẩu súng và năm con chó săn đã qua huấn luyện, Xê tuyên bố sẽ chống trả quyết liệt một sống một chết với lực lượng công an.

Qua trình báo của nhiều nạn nhân, công an biết được những ngày lẩn trốn ở rừng sâu giáp ranh địa bàn hai xã Phước Gia, Phước Trà, Hồ Văn Xê tiếp tục gây án và không hề có thái độ quy hàng. Bàn tay y tiếp tục vấy máu của người dân lương thiện.

Cuộc nhậu có một không hai với... sát thủ ảnh 1
Lực lượng công an tuyên truyền, vận động người dân và gia đình hai anh em “sát thủ” Hồ Văn Xê, Hồ Văn Dũng đưa các đối tượng ra đầu thú

Thượng tá Lê Trung Hoàng - Trưởng công an huyện Hiệp Đức - kể lại: “Hơn 8 tháng đầu năm 1992, dù lãnh đạo BCA đã chỉ đạo các trinh sát  giỏi võ, dày dạn kinh nghiệm, thông thạo địa bàn 11 lần “thượng sơn” (lên núi) vây bắt Hồ Văn Xê nhưng cũng không có kết quả. Như một bóng ma thoắt ẩn thoắt hiện trong rừng già, tên cướp “độc nhãn” tiếp tục quấy nhiễu, gieo rắc nỗi kinh hoàng cho người dân địa phương và gây nhiều khó khăn cho lực lượng công an”.

Ngày 14-7-1992, phát hiện Xê đang nằm ngủ dưới tán một cây cổ thụ ở rừng già Nà Pang (giáp ranh thôn 3, xã Phước Gia), hàng chục trinh sát trẻ đã bí mật tiếp cận vây bắt. Nhưng chưa kịp ra tay thì đàn chó săn của Xê đã ngửi thấy hơi người lạ nên sủa om sòm cả khu rừng. Tỉnh dậy, linh cảm thấy điều bất an, Xê nhanh chóng trốn sâu vào rừng.

Những cuộc “thượng sơn” vây bắt Hồ Văn Xê thật gian nan, nguy hiểm nhưng các trinh sát trẻ Công an huyện Hiệp Đức vẫn thay ca nhau quyết tâm bám chắc địa bàn.

Để giữ bình yên cho người dân, các chiến sĩ công an đã phải trèo đèo lội suối bất kể ngày đêm truy bắt hung thủ. Rừng núi Hiệp Đức những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX thật âm u, hiểm trở. Bất kỳ mùa nào, ở đó người ta cũng cảm thấy rùng mình vì rét lạnh đến thấu xương. Đó là chưa kể đến mưa rừng, lũ cuốn, vắt rừng và muỗi vằn lúc nào cũng chực chờ hút máu.

Mấy năm nằm vùng truy bắt Hồ Văn Xê, trên người mỗi chiến sĩ Công an huyện Hiệp Đức người nào cũng dính đầy vết vắt cắn, muỗi và ong độc chích. Nhưng những khổ cực đó vẫn chưa thấm vào đâu so với lần đụng đầu sát thủ hoặc dẫm đạp, nằm đè lên rắn độc ở rừng sâu. Có đồng chí suýt mất mạng vì bị Xê ẩn nấp trong rừng sâu bắn lén nhưng không trúng. Và có người đã bị rắn hổ mang chúa cắn vào bắp chân ngất xỉu tại chỗ. Dù được đồng đội chuyển nhanh xuống trạm y tế huyện cấp cứu (ngày đó huyện Hiệp Đức chưa có bệnh viện) nhưng vẫn hôn mê nửa tháng trời...

Ngồi nhớ lại chuyên án truy bắt Xê, thượng tá Hoàng không thể quên được cuộc vây bắt lần thứ 11. Bởi lần này các trinh sát Công an huyện Hiệp Đức gần như đã bắt được đối tượng, nhưng cuối cùng vẫn bị hụt vì sự khôn ngoan, tinh quái của y.

Trưa 12-8-1992, một thông tin quan trọng của trinh sát báo về là Hồ Văn Xê vừa mới xuất hiện ở thôn 4, xã Phước Trà. Biết rõ mục đích của Xê là trở về nhà thăm vợ rồi lấy lửa lên rừng nấu cơm, thức ăn để nằm lại lâu dài gây án và đối phó với lực lượng công an, lãnh đạo Công an huyện Hiệp Đức quyết định cho trinh sát tiếp cận nhà Xê để bắt gọn y ngay tại nhà. Nhưng để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân và các trinh sát, lãnh đạo BCA ra sức thuyết phục và được anh Nguyễn Văn Hùng (SN 1950, trú thôn 3, xã Quế Bình, huyện Hiệp Đức) một người giỏi võ, quen với Xê tham gia phá án.

Biết Xê là đối tượng nguy hiểm nhưng nghiện rượu nặng nên 3 giờ chiều 12-8-1992, trong vai đoàn người đi làm gỗ, các trinh sát cùng với anh Hùng mang theo một can rượu trắng 5 lít lên nhà Xê giả vờ xin nước uống rồi tiện thể mời y uống. Dự định là khi đối tượng đồng ý chung vui, lợi dụng lúc hắn không để ý, anh Hùng sẽ cho một ít thuốc ngủ vào ly rượu. Khi Xê đã ngủ say, các trinh sát chớp lấy “khoảnh khắc vàng” ra tay tóm gọn kẻ thủ ác.

Đúng như những gì đã vạch sẵn, tối đó, bên chén rượu nồng và ít mồi cá khô nướng thơm phức, anh Hùng cùng hai trinh sát trẻ Nguyễn Văn Mừng, Phạm Đình Diên đã ngồi quây tròn lai rai với sát thủ “độc nhãn” tại nhà y.  

Cuộc nhậu có một không hai với... sát thủ ảnh 2
Hai đồng chí Nguyễn Văn Mừng, Phạm Đình Diên đóng giả người đi làm gỗ cùng anh Hùng vào nhà Xê xin nước, ngồi uống rượu để bắt hung thủ 

NGHẸT THỞ TRƯỚC HỌNG SÚNG AK

Nhưng đến tận 11 giờ khuya, dù đã uống hết nửa can rượu 5 lít, Hồ Văn Xê vẫn rất tỉnh táo và đề cao cảnh giác khiến anh Hùng không thể ra tay. Ngồi bệt xuống nền nhà uống rượu nhưng Xê chỉ dùng bàn tay trái nâng chén, còn ngón trỏ trên bàn tay phải của hắn luôn kề sẵn vào cò khẩu súng AK đặt trên đùi phải. Bên cạnh Xê là năm con chó săn nằm trong tư thế sẵn sàng đợi lệnh chủ.

Rượu vào Xê bộc bạch: “Vì lũ “cớm” (công an) vây ráo riết nhiều tháng nay nên tao phải lẩn trốn như con chuột giữa rừng. Có vàng, tiền và gạo lấy được (cướp được) của nhiều người, nhưng khốn nỗi là thiếu lửa để nấu. Chết tiệt thật!”. Sau tiếng thở dài, hắn cầm ly rượu lên miệng tu một hơi đến cạn rồi tiếp tục gằn giọng uất hận: “Cứ đà này sắp tới, sau khi lấy hết tiền, vàng của lũ khốn (ý nói các nạn nhân), tao sẽ bắn chết ít thằng nữa để bọn chúng (công an) biết tay”.

Đồng hồ chỉ sang 12 giờ đêm, ngồi uống rượu với Hồ Văn Xê đã bốn tiếng đồng hồ nhưng hắn vẫn tỉnh táo như không. Điều này càng làm anh Hùng và hai trinh sát trẻ ngồi bên cạnh lòng như có lửa đốt.

Bỏ ly rượu vừa uống cạn xuống nền nhà, anh Hùng “khà” lên một hơi kéo dài rồi buông lời hỏi: “Chà! Rượu nặng thật, uống vào cháy cổ, khát quá... Có nước uống không Xê?”.

Như hiểu ý khách, Xê đứng dậy vào bếp lấy nước mời. Cùng thời điểm đó, lợi dụng hắn không có mặt, anh Hùng đã che người rồi nhanh tay pha thuốc ngủ vào ly rượu đặt trên bàn nhậu. Lúc Xê vừa đi ra, bằng động thái vô tư, anh Hùng cầm lấy ca nước từ tay y rót một cốc uống ừng ực.

Ngồi một lúc, thấy Xê đã uống cạn ly rượu vừa pha sẵn, dù giả vờ say mà trong lòng anh Hùng và các chiến sĩ công an vui như mở cờ trong bụng. Trong tâm trí của người đang nhận nhiệm vụ đặc biệt nguy hiểm, họ hồi hộp chờ đợi hung thủ ngấm thuốc, ngủ say để ra tay bắt gọn.

Nhưng oái oăm thay, dù đợi mãi đến tận khuya, can rượu trắng đã rót đến ly cuối cùng mà Hồ Văn Xê vẫn không hề có trạng thái bất bình thường. Hắn vẫn tỉnh táo nói chuyện nhưng có phần đề phòng và hung hãn hơn. Khi cuộc nhậu sắp tàn, Xê lăm lăm tay súng, hất hàm nói thẳng với hai anh Nguyễn Văn Mừng và Phạm Đình Diên (hai trinh sát trẻ ngồi uống rượu đối diện): “Tao không quan tâm hai đứa mày là bạn hay “cớm”. Nhưng nếu “cớm” thì chúng bay cũng không dễ bắt tao đâu. Nếu giở trò tao bắn vỡ sọ...”. Dù có phần nôn nóng và tức giận nhưng anh Hùng cùng hai trinh sát vẫn giữ được sự bình tĩnh của người dày dạn kinh nghiệm.

Không khí trong căn nhà nhỏ giữa rừng núi càng về khuya càng ngột ngạt, nóng hẳn lên bởi mùi rượu, mùi thức ăn và khói thuốc xộc thẳng lên mũi. Để trấn an, xóa tan sự hiềm nghi của sát thủ, anh Hùng tiếp lời: “Sao mi cứ đa nghi như Tào Tháo vậy Xê. Đó là hai đứa em của tao, chúng đi làm gỗ về kiếm gạo cho vợ con. Chẳng lẽ mi không tin tao? Đã lâu rồi tao với mi mới có cuộc nhậu vui thế này, vậy mà...”.

Sau câu nói phân bua của anh Hùng, có lẽ vì tâm trạng cảm thấy bất an nên Xê bất ngờ đứng phắt dậy, mặt mũi nhăn nhó như khỉ ăn phải ớt. Xê buông lời thẳng thắn: “Thôi bỏ đi. Coi như tao hiểu nhầm. Nhưng bây giờ chào ba người, tao phải trở vào rừng đây vì “cớm” có thể sẽ ập vào truy bắt bất cứ lúc nào”. Miệng nói nhưng tay phải Xê vẫn giữ chặt khẩu súng AK, tay trái chộp lấy túi hành lý bên cạnh lao thẳng ra phía cửa.

Biết là phương án truy bắt Xê lần thứ 11 này gần như đã thất bại, anh Hùng cùng hai trinh sát trẻ Nguyễn Văn Mừng, Phạm Đình Diên ngồi bên cạnh định xông theo quật ngã hắn xuống đất. Nhưng làm như thế quá nguy hiểm, ít hiệu quả và có thể sẽ phải đổ máu một cách vô ích nên các anh đã kiềm chế hết mức. Trong tích tắc, như một con thú hoang, Xê chạy thẳng vào rừng sâu.

8 giờ sáng hôm sau, trên bàn họp án Công an huyện Hiệp Đức, sau khi phân tích kỹ lưỡng mọi tình huống có thể xảy ra, lãnh đạo BCA vẫn hết sức phân vân, ngạc nhiên không hiểu vì sao Hồ Văn Xê uống thuốc ngủ rồi mà vẫn tỉnh táo? Sau này khi bắt được đối tượng, các trinh sát mới được y tiết lộ một sự thật rằng: vì là người rất khôn ngoan và ma mãnh nên trước lúc nhận lời uống rượu với anh Hùng cùng hai người lạ mặt, Xê đã nhai hết một cây giải dài 2m (một loại thân cây mọng nước, có tác dụng giải độc và chống say) để đề phòng.  

Không thể hạ gục được Xê ở lần “thượng sơn” thứ 11. “Hổ” lại về rừng... và điều gì sẽ xảy ra?

(Còn tiếp)