Cuộc đấu trí căng thẳng vạch trần hành vi sát hại vợ của giám đốc một bệnh viện

ANTD.VN - Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, Bộ Công an giờ đây đã ở cái tuổi xưa nay hiếm nhưng những vụ án kinh điển ông từng trực tiếp điều tra, làm rõ thì vẫn nguyên trong trí nhớ của vị Tướng này. Một trong những câu chuyện ông kể với chúng tôi đó là vụ án giết người cách đây đã gần 60 năm, gây chấn động ngành y học khi thủ phạm là một bác sĩ, Giám đốc Bệnh viện Nhi.

Cho đến bây giờ, những người đã từng chứng kiến vụ án đó vẫn còn chưa hết ngỡ ngàng bởi những thủ đoạn che giấu tội ác vô cùng tinh vi của kẻ sát nhân.

Cuộc đấu trí căng thẳng vạch trần hành vi sát hại vợ của giám đốc một bệnh viện ảnh 1Để không bị nghi ngờ, Vưu Hữu Chánh đã pha loãng thạch tín để vợ uống đến khi tử vong

Cái chết bất ngờ của nữ y tá trẻ

Sinh ra trong một gia đình có điều kiện của xã hội Việt Nam những năm 1960 của thế kỷ trước, chị Nguyễn Thị N, y tá của Bệnh viện Nhi Trung ương đã kết hôn với bác sĩ Vưu Hữu Chánh, Giám đốc Bệnh viện nơi chị công tác - một người vừa đi tu nghiệp ở Liên Xô trở về, một chuyên gia đầu ngành về Nhi khoa, đã cứu sống hàng trăm bệnh nhi thoát khỏi bệnh hiểm nghèo. 

Cuộc sống của cặp đôi trai tài gái sắc trôi qua trong êm đềm nhưng khi chị N sinh con xong, bỗng nhiên chị đổ bệnh khiến người gầy rộc đi nhanh chóng. Và sau 20 ngày, dù đã sử dụng nhiều loại thuốc và các biện pháp tiên tiến nhất, chị N đã qua đời, để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho gia đình, bạn bè và đồng nghiệp.

Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng lúc đó phụ trách Phòng Bảo vệ Y tế, Cục Bảo vệ cơ quan và văn hóa, Bộ Nội vụ (sau này là Bộ Công an) cũng có mặt trong đám tang của nữ y tá Nguyễn Thị N. Dội vào tiềm thức Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng nhiều nhất là sự đồn thổi, bàn tán về cái chết của chị N, số đông trong số đó là những bác sĩ, y sĩ.   

Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng cho biết, một số anh em làm trong lĩnh vực y tế chuyên về nhiễm trùng, truyền nhiễm cũng trao đổi với ông rằng, cái chết của chị N khá lạ vì dù là vi trùng Cô-li hay Samunela, thậm chí là vi trùng Vibrio của tả đi nữa thì cũng không thể nào khiến chị N tử vong trong thời gian ngắn như vậy được. 

“Về nguyên tắc, mỗi người chết ở bệnh viện đều phải làm giải phẫu bệnh lý, xem nguyên nhân tử vong vì cái gì, nhưng khi hỏi về việc giải phẫu bệnh lý với chị N thì lại không có”, Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng cho biết - “Được biết khi chị N chết, Vưu Hữu Chánh đã đến nói với Giám đốc bệnh viện nơi vợ mình điều trị rằng: “Vợ tôi mới mất đã đau đớn lắm rồi, xin không mổ xẻ để toàn thân được yên lành” - Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng kể. 

Liệu có điều gì mờ ám sau việc đi ngược lại quy định của tất cả các bệnh viện đối với các trường hợp bệnh nhân tử vong tại viện như chị N hay không? Trong khi đó, Vưu Hữu Chánh vẫn tỏ ra vô cùng thương tiếc người vợ trẻ, chỉ ngày cách ngày anh ta lại mang hương hoa đến nghĩa trang thắp hương người vợ quá cố. Mối nghi ngờ càng thêm thúc giục Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng cùng đồng đội phải tìm ra lời giải đáp tại sao Vưu Hữu Chánh lại kiên quyết không giải phẫu bệnh lý vợ mình trong khi anh ta là một bác sĩ tài năng, hiểu sâu sắc về ý nghĩa của việc giải phẫu tử thi để tìm ra chính xác nguyên nhân cái chết.

Những nghi vấn đầu tiên

“Thế này thì gay go rồi, không biết chị N chết vì nguyên nhân gì? Vì vậy các trinh sát của đơn vị phải đi theo để nắm tình hình vì có nhiều nghi vấn, lực lượng công an phải làm cho rõ. Sau đó, chúng tôi đã tung trinh sát đi khắp nơi xem có vấn đề gì liên quan đến Vưu Hữu Chánh không” - Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng nhớ lại. 

Các mối quan hệ của Vưu Hữu Chánh được đưa vào tầm kiểm soát, đặc biệt là tại các bệnh viện. Quả nhiên tại Bệnh viện Đại học Y - Dược Trung ương, thông tin về Chánh được cung cấp. Một dược sĩ tại đây cho biết, vừa rồi Chánh có đến đây xin 3gram thạch tín về để điều chế thuốc cho bệnh nhân. Trinh sát Văn Công Thượng, Phòng Bảo vệ Y tế đã đề nghị được xem giấy ký nhận bàn giao số thạch tín kia. Điều trùng khớp là ngày Vưu Hữu Chánh đến xin thạch tín chỉ cách ngày chị N qua đời đúng 7 ngày. 

Sau tất cả những chứng cứ ban đầu, Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng thấy có cơ sở để nghi ngờ việc Vưu Hữu Chánh sát hại vợ. Một mạng lưới cơ sở ở khắp các địa điểm được coi là có quan hệ với Chánh được các cán bộ của Phòng Bảo vệ y tế xây dựng. Từng lời nói, hành động của Vưu Hữu Chánh thông qua mạng lưới cơ sở đã đến với cơ quan công an. Qua đó được  biết, Vưu Hữu Chánh nghi ngờ công an đã biết việc mình xin thạch tín có liên quan đến cái chết của người vợ trẻ. 

Một chiều muộn, Chánh lấy xe đi gặp nhiều bạn bè thân thiết. Hôm sau, tất cả những người Chánh gặp đều có mặt ở nhà anh ta ăn cơm. Tất cả mọi người dường như tham gia vào một câu chuyện hệ trọng. Chánh đã nói với những người bạn rằng anh ta có xin thạch tín để bào chế dung dịch nhưng trên đường về đánh rơi mất. Công an đang nghi ngờ Chánh lấy thạch tín về giết vợ, anh ta khẳng định vợ chồng rất yêu thương nhau, làm thế nào để có thể chứng minh anh ta là người vô tội. 

Những người bạn đã hiến kế, nếu Công an có hỏi thì nói là xin 3gram thạch tín để điều chế ra dung dịch Liqueur Fowler dùng điều trị cho bệnh nhân. Bên cạnh việc này, Chánh sẽ đi xin các anh em trong ngành mỗi người một ít để bù vào. Chánh còn đến gặp Giám đốc Bệnh viện Việt Xô thời điểm đó và được bác sĩ này ký cấp cho 10cc Liqueur Fowler. Song từ 3gram thạch tín này có thể điều chế ra một số lượng lớn Liqueur Fowler nên Chánh còn đến rất nhiều chỗ khác để xin nhưng cũng không thể đủ. Việc Chánh đến đâu, xin ai đều được lực lượng trinh sát nắm rất rõ. Mọi giấy tờ Chánh ký nhận Liqueur Fowler đều được trinh sát thu thập lại một cách đầy đủ.

Vì không thể gom đủ số lượng dung dịch Liqueur Fowler nên Chánh đã nghĩ ra một cách là kê vào đơn thuốc của các bệnh nhân đến khám tại bệnh viện có thành phần dung dịch này để rồi sau đó thu lại. 

Để thực sự yên tâm với việc lấy lại dung dịch Liqueur Fowler mà không bị ai phát hiện, Chánh chỉ cho thành phần này vào những đơn thuốc của bệnh nhân tỉnh xa thuộc những vùng cao như Cao Bằng, Lạng Sơn, Lào Cai… Nhưng tất cả việc làm này đã không thể qua được mắt lực lượng trinh sát. Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng lúc đó đã phải huy động lực lượng cả phòng đi đến tận những tỉnh xa nơi có bệnh nhân được Chánh kê đơn thuốc, sau đó điều tra về việc họ có được nhận Liqueur Fowler hay không? Tất cả đều khẳng định rằng Chánh đã thu lại số Liqueur Fowler mà bệnh viện đã phát. Đơn thuốc cũng như cam kết của tất cả các bệnh nhân đều được lực lượng trinh sát thu thập đầy đủ. Khi một số tình tiết đã dần hé mở, tất cả các thông tin và các bằng chứng, hồ sơ về một vụ án giết người đã được xây dựng lên khá công phu chi tiết với nghi vấn số 1 là bác sĩ Vưu Hữu Chánh. 

Nhận thấy quá trình điều tra vụ án này còn có một số vấn đề vướng mắc, Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng đã quyết định báo cáo với Bộ trưởng Bộ Nội vụ Trần Quốc Hoàn. Sau khi được nghe trình bày và nghiên cứu kỹ các bằng chứng trong bộ hồ sơ, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn quyết định để Phòng Bảo vệ Y tế do Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng phụ trách trực tiếp điều tra vụ án. Tiếp sau đó, Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng đã sang Viện kiểm sát nhân dân Tối cao để báo cáo Viện trưởng lúc đó là Hoàng Quốc Việt. Với những bằng chứng rất rõ ràng, Viện trưởng Hoàng Quốc Việt đã quyết định khởi tố vụ án.

Tuy nhiên, do Vưu Hữu Chánh là một Giám đốc bệnh viện tuyến Trung ương, việc điều tra có sự nhạy cảm nên Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng đã trực tiếp đến gặp Bộ trưởng Bộ Y tế lúc đó là Phạm Ngọc Thạch để báo cáo. Buổi họp kín hôm đó thành phần gồm có Bộ trưởng Phạm Ngọc Thạch, Thứ trưởng Đinh Thị Cẩn và Thứ trưởng Vũ Văn Cẩn, lúc đó còn kiêm chức Cục trưởng Cục Quân y. Lãnh đạo Bộ Y tế chấp thuận cho điều tra vụ án, nhưng phải hết sức bí mật.

Bí mật khai quật tử thi

Yếu tố căn bản của vụ án này là phải chứng minh được trong cơ thể chị N có chất Acxenic, điều đó đồng nghĩa với việc phải khai quật tử thi nạn nhân. Vì Chánh ngày nào cũng đến thăm mộ vợ nên việc khai quật tử thi hết sức khó khăn. Cơ hội đã đến khi Bệnh viện Quảng Ninh mở một hội nghị về y khoa, trong đó có cả một phần về nhi khoa, hơn nữa lại kéo dài trong 5 ngày, khoảng thời gian vừa đủ để công tác khai quật tử thi cũng như “giải quyết hậu trường” hoàn thành. Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng đã bàn với Thứ trưởng Đinh Thị Cẩn về việc sẽ điều Chánh đi cùng bà xuống Quảng Ninh dự hội nghị. Thứ trưởng Cẩn đồng ý và còn hứa sẽ “giữ chân” Chánh ở dưới Quảng Ninh đúng 5 ngày.

Sau khi Chánh xuống Quảng Ninh, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao đã quyết định cho phép khai quật tử thi, Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng bàn với Thứ trưởng Bộ Y tế Vũ Văn Cẩn về công tác khai quật và khám nghiệm tử thi của chị N. Thứ trưởng Cẩn đã điều Đại úy Quân y - một trong những chuyên gia khám nghiệm tử thi về giúp Ban chuyên án.

Tất cả các mẫu phẩm như tóc, móng tay, lục phủ ngũ tạng, não bộ… của chị N cho đến đất ở trên nắp ván thiên hay nước trong quan tài cũng đều được lấy làm mẫu vật xét nghiệm. Các mẫu phẩm đều được đánh mã số X-715 và có chú thích cụ thể. Khi niêm phong mỗi bình mẫu vật, để đảm bảo tính an toàn và minh bạch, đại diện của các cơ quan có mặt ở đó đều phải ký tên mình lên đó.

Cục Quân y đã trực tiếp xét nghiệm các mẫu phẩm X-715, sau khi thử nghiệm với những chất độc bay hơi rồi đến mã tiền, thủy ngân… đều không thấy có trong các mẫu phẩm. Bằng phương pháp tiên tiến nhất, các bác sĩ đã tìm thấy trong tất cả các mẫu phẩm đều có chứa hàm lượng rất cao chất Acxenic. Kết luận xét nghiệm đã khẳng định, trong thi thể của nạn nhân chứa rất nhiều thạch tín và là nguyên nhân dẫn đến cái chết của chị N. Xâu chuỗi lại tất cả các chứng cớ cũng như tài liệu đã thu thập được, lúc này Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng đã chính thức khẳng định Chánh đã đầu độc vợ mình bằng Acxenic. 

Sau khi có kết luận xét nghiệm, hồ sơ vụ án đã được chuyển sang Viện kiểm sát nhân dân Tối cao và đến tận tay Viện trưởng Hoàng Quốc Việt. Tiếp đó, hồ sơ vụ án được chuyển sang Tòa án nhân dân và Vưu Hữu Chánh được triệu tập ngay lập tức. Trước khi vụ án được đưa ra xét xử, công tố viên Nguyễn Quang Dụ, thuộc Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đã gặp trước Chánh. Lúc đầu Chánh khăng khăng chối tội, khẳng định rằng lượng Liqueur Fowler đã được cấp phát cho bệnh nhân ở các tỉnh. Tuy nhiên, với những chứng cứ mà Thiếu tướng Nguyễn Quang Phòng và đồng đội thu thập được, Chánh đã phải nhận tội giết vợ bằng thạch tín. Vưu Hữu Chánh sau đó đã bị tuyên án tử hình.