Chuyện về tên cướp "độc nhãn" tác quái với súng và chó săn (2)

Cuộc đấu súng với tên sát thủ "độc nhãn"

ANTĐ - Bị công an truy đuổi ráo riết nên vừa chạy được khoảng 100m là Hồ Văn Xê đã quay đầu lại cầm hai tay hai súng bắn trả hàng chục phát đạn, tạo điều kiện cho em trai tẩu thoát.

Một ngày cuối tháng 9-1991 các trinh sát Công an huyện Hiệp Đức đã lần mò, điều tra ra được tung tích của kẻ thủ ác. Hồ Văn Xê  (29 tuổi, trú thôn 4, xã Phước Trà, huyện Hiệp Đức, Quảng Nam) chính là sát thủ đã dùng súng bắn chết hai chú cháu Nguyễn Đức Sơn, Nguyễn Đức Danh rồi ra lệnh cho em ruột của mình là Hồ Văn Dũng (26 tuổi) cướp toàn bộ tài sản, bỏ trốn vào rừng sâu tiếp tục gây án.

NGHI VẤN VỀ KẺ NGHIỆN RƯỢU

Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ XX, địa bàn huyện Hiệp Đức nói riêng và các huyện miền núi của tỉnh Quảng Nam nói chung đặc biệt phức tạp. “Cơn lốc vàng” sa khoáng đã đưa hàng chục ngàn người từ khắp mọi miền đất nước đổ xô về đây mưu sinh. Ngoài ra, lợi dụng địa thế hiểm trở, phức tạp, bọn tội phạm nguy hiểm cũng về đây hội tụ, xem các hang đá, hầm vàng, lán trại ở rừng sâu là nơi trú ẩn an toàn. Cảnh tranh giành, hỗn chiến, chém giết lẫn nhau trên bãi bờ vì vàng sa khoáng, ma túy và gái mại dâm xảy ra như cơm bữa. Nhiều thanh niên, trung niên và thậm chí là người già, trẻ em vô tình trở thành miếng mồi béo bở cho bọn bất lương bóc lột, cướp giật, lôi kéo vào con đường phạm pháp.

Ở các “địa ngục vàng” nằm giáp ranh hai huyện Hiệp Đức, Phước Sơn thời bấy giờ nổi lên nhiều băng cướp rất tàn bạo, độc ác, giết người không ghê tay như băng cướp của hai anh em ruột Nguyễn Thùy, Nguyễn Thương cầm đầu đã ra tay sát hại anh Đào Đức Đồng (SN 1971, quê Thanh Hóa) rồi sau đó bày ra “độc chiêu” phi tang xác nạn nhân xuống bãi vàng Năm Tiên.

Hay băng cướp do Nguyễn Văn Dũng (SN 1969, trú phường Hòa Hiệp, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) đã giết hại chị Trà Thị Thủy (SN 1954, trú huyện Tiên Phước, Quảng Nam) cướp 4,5 triệu đồng, dây chuyền vàng... rồi chặt đứt cánh tay, vứt xác nạn nhân xuống một khe suối ở rừng sâu. Băng cướp Vinh tóc dài, Phan Văn Tư (tức Tư heo), Nguyễn Văn Hùng (biệt hiệu Tây điên), Thanh sứt...

Nhưng “nổi danh” hơn cả ở vùng vàng vẫn là băng cướp do Nguyễn Hữu Cường (tức Cường con, SN 1970, trú huyện Thăng Bình, Quảng Nam) cầm đầu đã dùng mã tấu, bom bi gây ra hàng chục vụ cướp của, giết người rất tàn bạo. 

Cuộc đấu súng với tên sát thủ "độc nhãn" ảnh 1
Các đồng chí trong ban chuyên án truy bắt anh em sát thủ Hồ Văn Xê

Địa bàn miền núi heo hút, phức tạp khiến cho việc truy tìm tung tích kẻ thủ ác sát hại hai chú cháu Sơn, Danh ở khe suối Ba Loy (xã Phước Gia) gặp rất nhiều khó khăn. Tuy vậy, với kinh nghiệm làm trinh sát lâu năm, đại úy Huỳnh Trung Nguyên (nguyên Phó công an huyện Hiệp Đức, nay là đại tá - Phó giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam), người trực tiếp chỉ đạo BCA, đã sáng suốt phân loại đối tượng, loại trừ dần những kẻ tình nghi có liên quan. Sau khi tổng hợp, thu thập tất cả bằng chứng, nhân chứng đắt giá, BCA thấy hai anh em ruột Hồ Văn Xê, Hồ Văn Dũng (trú thôn 4, xã Phước Trà, huyện Hiệp Đức) là nghi can số một nên tập trung điều tra.

Hồ Văn Xê (tức Xê một mắt) là kẻ có thân hình cao lớn, khỏe mạnh, tóc dài và đặc biệt rất liều lĩnh. Hắn từng bị Công an xã Phước Trà đưa vào “sổ đen” vì hành vi chống người thi hành công vụ, gây thương tích cho người khác vào năm 1989. Xê là con thứ hai trong một gia đình đông anh em trai ở xã Phước Trà. Anh trai đầu của Xê là Hồ Văn V., năm lên 28 tuổi đã chết vì dùng thuốc nổ tháo từ bom bi đánh cá. Ba người em kế tiếp Xê là Hồ Văn Dũng, Hồ Văn C., Hồ Văn T. vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên thất học từ nhỏ và ngang bướng khác thường. Đặc biệt, vợ chồng ông Hồ Văn Xíu, bà Hồ Thị Nơi (cha mẹ ruột Xê) dù biết các con không ngoan nhưng cũng không chịu khuyên răn, dạy bảo mà thậm chí còn bao che cho hành vi sai trái của chúng.

Qua công tác điều tra, các trinh sát biết được từ cuối năm 1991 việc tiêu xài tiền bạc, sinh hoạt của hai anh em Hồ Văn Xê, Hồ Văn Dũng có nhiều biểu hiện bất minh, rất đáng ngờ. Ít học, không việc làm, nghiện rượu và mỗi ngày chỉ biết... uống rượu rồi chửi bới vợ, cha mẹ già nhưng Xê luôn tỏ ra là người có của ăn của để. Lúc rượu vào lời ra, đã có lúc Xê từng “khoe” với làng xóm rằng nhà hắn “gạo trắng mấy chum đầy ắp, cá khô phơi chật giàn bếp và đặc biệt là quần áo, vải, xoong nồi, dụng cụ đào đãi vàng sa khoáng thì nhiều vô kể”. Vì quá dư thừa nên nhiều lần Xê đem tiền bạc, của cải phân phát cho gia đình Dũng, cha mẹ già và những người hàng xóm được Xê tin cẩn.

Dấu hiệu đáng ngờ nhất của hai anh em Xê - Dũng chính là liên tục vắng mặt vào những giờ “G” ở địa phương. Hàng ngày, thường từ 10 giờ đến 14 giờ, 17 giờ đến 22 giờ, Xê đều nói với gia đình và làng xóm là mang súng, cung, bẫy và bầy chó săn năm con vào rừng săn thú. Nhưng khi ra về thì “chiến lợi phẩm” lại là... tiền, gạo và dụng cụ sinh hoạt. Dù cố tình che đậy nhưng những hành vi bất minh của Hồ Văn Xê và Hồ Văn Dũng không thể qua được con mắt nhà nghề của các trinh sát trẻ Công an huyện Hiệp Đức.

Từ bằng chứng có được cộng với quyết tâm bằng mọi giá phải nhanh chóng bắt được hung thủ, vén màn bí mật những vụ cướp của, giết người đặc biệt nghiêm trọng trên địa bàn, lãnh đạo BCA đã nhiều lần họp rồi đi đến quyết định quan trọng: bắt anh em Xê, Dũng để tiếp tục điều tra mở rộng. Tuy nhiên, trinh sát Công an huyện Hiệp Đức chưa kịp ra tay thì Xê và Dũng đã cầm 1 khẩu súng AK, 2 khẩu AR15, lựu đạn, dao bỏ trốn vào rừng sâu tiếp tục gây án.

Cuộc đấu súng với tên sát thủ "độc nhãn" ảnh 2
“Sát thủ người rừng” Hồ Văn Xê 

CUỘC ĐẤU SÚNG SINH TỬ

Sáng 4-9-2011, ngồi tiếp chuyện chúng tôi, thượng tá Lê Trung Hoàng - Trưởng công an huyện Hiệp Đức (là trinh sát mũi nhọn trong BCA bắt Hồ Văn Xê trước đây) vẫn không thể quên được những vụ cướp táo bạo, liều lĩnh của “sát thủ độc nhãn”. Đặc biệt, anh còn nhớ như in cuộc đấu súng nghẹt thở trong rừng sâu giữa các trinh sát Công an huyện Hiệp Đức với kẻ thủ ác vào ngày 2-1-1992.

Bên chén trà nóng cạnh bàn làm việc, anh Hoàng nhớ lại: Sau khi lẩn trốn vào rừng sâu, anh em Hồ Văn Xê, Hồ Văn Dũng chọn hang Dơi (thuộc địa bàn giáp ranh giữa hai xã Phước Gia, Phước Trà, huyện Hiệp Đức) làm nơi ẩn náu. Ngoài ra Xê còn dựng thêm một lán trại nằm cách thôn 4, xã Phước Trà khoảng 4km làm nơi lui tới, chặn đường cướp tài sản của nhân dân trong vùng và những người qua lại buôn bán mây, trầm, vàng...

Phương thức cướp tài sản của Xê là ẩn nấp trong bụi rậm, chờ “con mồi” đi ngang qua. Nếu thấy trên người mang theo nhiều hành lý, tiền bạc là nhảy phốc ra dùng súng AK khống chế cướp tài sản. Tiếp tay và đóng vai trò hỗ trợ đắc lực cho Xê là Hồ Văn Dũng và một bầy chó săn năm con đã qua huấn luyện rất tinh khôn. Bất kỳ đi đâu, Xê và Dũng đều dẫn đàn chó săn theo và tuyệt đối không tiếp xúc với người lạ mặt.

Nắm rõ được tung tích và thủ đoạn gây án của hai anh em sát thủ, BCA quyết định tung nhiều trinh sát giỏi võ, dày dạn kinh nghiệm cải trang làm người đi làm trầm, vàng vào “vòng lửa” để truy bắt hung thủ.

Khoảng 17 giờ ngày 2-1-1992, tại một cánh rừng nằm giáp ranh với xã Phước Gia, huyện Hiệp Đức, một thanh niên đột nhiên từ trong bụi rậm lao ra chặn ngang đường đi của “đoàn người làm trầm” rồi quát lớn: “Hàng, tiền, vàng bạc và toàn bộ hành lý của chúng mày mang theo trên người phải bỏ xuống đất. Đứa nào không tuân theo tao sẽ bắn vỡ sọ”.

Sau khi phát lệnh đe dọa, tên cướp lạnh lùng dùng miệng huýt lên một tiếng sáo rồi ra hiệu cho đồng bọn cùng bầy chó săn lao ra ép thế nạn nhân. Vì đã lường trước được tình huống có thể xảy ra lúc gặp băng cướp “độc nhãn” nên đồng chí Lê Trung Hoàng (trong vai trò trưởng đoàn làm trầm) đã cố tỏ vẻ ngạc nhiên, sợ hãi khác thường nhưng vẫn kịp nháy mắt ra hiệu cho bốn đồng nghiệp bên cạnh phải giữ bình tĩnh để chuẩn bị hành động nếu “cơ hội vàng” đến.

- Dạ! Mong các anh tha mạng. Tụi em chỉ là những người dân nghèo đi làm trầm mưu sinh mà thôi. Ngoài hành lý là gạo, nước mắm và chăn màn ra chẳng có gì khác cả - tiếng của trinh sát trẻ Nguyễn Quốc Sơn đứng bên cạnh cất lên yếu ớt để “bẫy” kẻ cướp. 

Theo như phương án đã vạch ra, nếu Xê mất cảnh giác, tay phải rời khỏi cò súng để cùng với Dũng áp sát cướp hành lý là đồng chí Hoàng sẽ ra ám hiệu cho các trinh sát ra tay quật ngã cả hai đối tượng rồi thừa cơ bắt gọn chúng. Nhưng Hồ Văn Xê rất khôn ranh và ma mãnh. Lúc tên đồng bọn vừa kịp bước đến bên một trinh sát nhưng chưa kịp ra tay cướp tài sản thì Xê đứng từ xa cầm khẩu AK bắn liền hai phát đạn về phía các trinh sát rồi hét lớn ra lệnh “rút... rút... nhanh... cớm!”.  Tiếng hét của anh trai - cũng là kẻ cầm đầu băng cướp có một sức mạnh kỳ lạ, đập mạnh vào bộ não của Hồ Văn Dũng khiến hắn bật người quay đầu lại chạy thục mạng... Chỉ trong tích tắc, Xê bắn thêm một phát đạn nữa rồi chạy vào rừng sâu để lại đàn chó săn chưa kịp nhận thức được ý chủ, đứng ngơ ngác.

Bị công an truy đuổi ráo riết nên vừa chạy được khoảng 100m là Hồ Văn Xê đã quay đầu lại cầm hai tay hai súng bắn trả hàng chục phát đạn, tạo điều kiện cho em trai tẩu thoát. Cùng lúc đó, sau tiếng huýt gió lạnh lùng của Xê vọng ra từ nơi ẩn nấp, đàn chó săn năm con liền xông vào hướng các trinh sát đang vây bắt mà tấn công, cắn xé, sủa loạn xạ.

Trước sự liều lĩnh chống trả quyết liệt của “sát thủ độc nhãn”, năm trinh sát Công an huyện Hiệp Đức buộc lòng phải nổ súng tấn công nhưng Xê vừa bắn trả vừa lùi sâu vào rừng mất hút cùng với bầy chó săn. Muốn truy bắt bằng được hai anh em Hồ Văn Xê, Hồ Văn Dũng nhưng vì trời đã nhá nhem tối, địa hình rừng núi hiểm trở rất nguy hiểm nên buộc lòng đồng chí Lê Trung Hoàng phải ra lệnh cho các trinh sát rút xuống núi để tránh những tổn thất đáng tiếc có thể xảy ra.

Ngay tối hôm đó, tại một gian phòng làm việc chật chội của Công an huyện Hiệp Đức, lãnh đạo BCA đã họp án, đề ra một phương án mới quyết tâm bắt bằng được kẻ thủ ác.

(Còn tiếp)