Cuộc chiến với những “viên đạn bọc đường”

(ANTĐ) - Trước khi có điều kiện gặp gỡ, trò chuyện cùng các chiến sĩ trong lực lượng Công an, hình dung của tôi cũng như nhiều bạn viết khác về họ thường có chung một khuôn mẫu. Đó hẳn là những người kiệm lời, khó gần, thậm chí không muốn nói là hơi khô khan, cứng nhắc theo kiểu hành chính mệnh lệnh. Bởi lẽ có thể trong vài lần giao tiếp thuần túy công việc, hành chính sự vụ, họ tạo cho người khác cảm giác ấy.

Cuộc chiến với những “viên đạn bọc đường”

(ANTĐ) - Trước khi có điều kiện gặp gỡ, trò chuyện cùng các chiến sĩ trong lực lượng Công an, hình dung của tôi cũng như nhiều bạn viết khác về họ thường có chung một khuôn mẫu. Đó hẳn là những người kiệm lời, khó gần, thậm chí không muốn nói là hơi khô khan, cứng nhắc theo kiểu hành chính mệnh lệnh. Bởi lẽ có thể trong vài lần giao tiếp thuần túy công việc, hành chính sự vụ, họ tạo cho người khác cảm giác ấy.

Thế nhưng khi có điều kiện gặp gỡ họ tôi mới nhận ra rằng thực ra phía sau công việc căng thẳng, phức tạp, cần sự tỉnh táo và kiên quyết của một người lính làm nhiệm vụ giữ bình yên cho cuộc sống người dân - họ cũng là những người giàu tình cảm, vui tính và dễ gần.

Trong dịp đến làm việc tại Phòng PC15, Công an thành phố Hà Nội, tôi có phần hơi ngỡ ngàng khi gặp những cán bộ Công an - những người đang nắm trọng trách của phòng, của các đội chuyên trách hầu hết đều có vóc dáng rất… thư sinh!

Nếu ra ngoài tình cờ gặp Thành Kiên Trung - người cao gầy, có tài pha trò, chẳng ai lại nghĩ anh đang là Đội trưởng Đội chống buôn lậu, và là nỗi khiếp sợ của cánh tội phạm bấy lâu nay. Đội chống buôn lậu của anh đang được làm thủ tục đề nghị phong tặng danh hiệu đơn vị Anh hùng do những thành tích xuất sắc của mình trong thời gian qua. Thượng tá Nguyễn Văn Nông, Trưởng phòng PC15 - trong trang phục áo sơ mi trắng, sơ vin gọn ghẽ - trông anh có dáng vẻ của một nhà doanh nghiệp thành đạt.

Trung tá Đậu Văn Liên - Đội trưởng Đội chống tội phạm trong lĩnh vực Công - Nông nghiệp - Xây dựng, vóc dáng gầy gò, da trắng, hơi giống một giáo viên dạy văn vui vẻ tâm sự: “Trông chúng tôi thư sinh thế thôi chứ hàng ngày phải đấu tranh với tội phạm không biết mệt mỏi. Tôi có cậu con trai chuẩn bị thi đại học, nó ngỏ ý muốn theo nghề bố, tôi phải gạt ngay vì nghề này quá vất vả. Mỗi khi tôi đi làm về, vợ tôi còn không dám hỏi chuyện vì biết chồng quá đủ căng thẳng rồi”.

Một cán bộ trong phòng lên tiếng: “Có người vẫn nghĩ lực lượng Công an chống tội phạm về kinh tế là lực lượng “Công an hoàng gia”, nhưng thực ra chúng tôi có những đặc thù riêng và có những khó khăn mà các phòng ban khác không có”.

Câu chuyện giữa chúng tôi được bắt đầu một cách vui vẻ, thẳng thắn và hết sức cởi mở.

Nếu như cuộc chiến chống các tội phạm về ma túy hay tội phạm hình sự là cuộc đấu tranh trực diện, việc nhận biết tội phạm không mấy khó khăn; thì cuộc chiến chống các tội phạm về kinh tế là một cuộc chiến mưu trí đầy cam go. Đó là cuộc chiến với những đối tượng “cổ cồn trắng”, có học thức, tinh vi, xảo quyệt, có quan hệ rộng và có quyền. Không ít trường hợp có đối tượng phạm tội khi cơ quan Công an về địa phương xác minh đều nhận được những lời nhận xét rất tốt về đối tượng mình đang điều tra, ví dụ như việc đối tượng thường xuyên ủng hộ các quỹ, các phong trào vì người nghèo, vì đồng bào bão lụt hay tích cực đóng góp tiền bạc xây dựng cơ sở hạ tầng cho địa phương.

Các chiến sỹ Phòng PC15 - CATP Hà Nội cùng QLTT kiểm tra một vụ làm hàng giả
Các chiến sỹ Phòng PC15 - CATP Hà Nội cùng QLTT kiểm tra một vụ làm hàng giả

Thế nhưng đó cũng là những đối tượng đang phạm pháp, rút ruột công trình Nhà nước, tham nhũng tiền bạc của nhân dân. Đấu tranh với loại tội phạm này, nếu người Công an không tinh nhậy, không có bản lĩnh vững vàng thì sẽ dễ nao núng khi bị đối tượng quay lại đe dọa, gây áp lực với bản thân và gia đình hoặc tìm cách mua chuộc. Vì vậy nếu cuộc chiến với các đối tượng tội phạm khác như ma túy, hình sự, người chiến sĩ Công an phải đối mặt với súng nổ, máu rơi thì trong cuộc chiến với tội phạm kinh tế họ phải đối mặt với những “viên đạn bọc đường”, tinh vi và xảo quyệt khôn lường.

Hậu họa mà loại tội phạm này đem đến cho xã hội là hết sức nghiêm trọng. Một ví dụ rất nhỏ như việc đưa mặt hàng dây cáp điện giả ra thị trường, nếu xử phạt có thể kẻ phạm tội chỉ phải chịu phạt vài trăm triệu đồng, nhưng nếu không phát hiện kịp thời thì kèm theo đó là sự an nguy cho tính mạng của không biết bao nhiêu con người do sử dụng mặt hàng này.

Đại tá Phan Trọng Lượng, Phó Trưởng phòng PC15 tâm sự: Tội phạm kinh tế hiện nay ngày càng diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn mới, vì vậy cuộc chiến với loại tội phạm này là cuộc chiến cam go, phức tạp và bản thân người chiến sĩ Công an nhân dân cũng luôn phải học hỏi, rèn luyện để nâng cao trình độ của bản thân.

Lời tâm sự của anh khiến tôi bỗng nhớ lại vụ rút ruột công trình xây dựng tại nhà A2 Kim Giang diễn ra năm 2005. Vụ việc khi đó đã gây xôn xao dư luận, được nhiều báo đài đưa tin. Nội dung vắn tắt xin điểm lại như sau: Trong thời gian thi công 53 cọc khoan nhồi (từ ngày 27-1-2005 đến ngày 2-3-2005), thuộc hạng mục cọc khoan nhồi của công trình nhà ở di dân phục vụ GPMB nhà A2 (phường Kim Giang, quận Thanh Xuân);

Hoàng Thành Uyên (đội trưởng đội xây dựng số 8 - Công ty cổ phần xây dựng số 1 thuộc Tổng Công ty VINACONEX) với nhiệm vụ tổ chức thi công công trình đã trực tiếp thực hiện và chỉ đạo Nguyễn Thanh Bình (cán bộ kỹ thuật của đội xây dựng số 8) thống nhất với Nguyễn Mạnh Thắng là kỹ sư giám sát xây dựng “rút ruột” hơn 14.000kg thép chủ làm lồng thép và gần 6.000kg thép ống siêu âm của các cọc móng. Số tiền chiếm đoạt trái phép tương ứng với số thép bị bớt xén là hơn 181 triệu đồng và nguy hiểm hơn là gây hậu quả nghiêm trọng tới chất lượng công trình.

Nếu sự việc không kịp thời phát hiện và có biện pháp khắc phục thì nó sẽ đe dọa trực tiếp đến sự an nguy của hàng trăm nghìn người dân sống tại khu nhà cũng như nhiều hệ lụy khác.

Vụ việc này có thể nói là một cuộc “ghi điểm” ngoạn mục của Đội 2, Phòng PC15 Công an Hà Nội, bởi lẽ bắt đầu từ đây một loại tội phạm mới tinh vi và nguy hiểm đã bị phát hiện và lôi ra ánh sáng. Các quy định pháp luật và chế tài xử phạt của Nhà nước cũng đã kịp thời được bổ sung để đối phó với loại tội phạm này. Khái niệm về loại tội phạm “tham ô rút ruột công trình” cũng được định danh từ đây.

Từ “phát súng đầu tiên” ở công trình nhà A2 Kim Giang, lực lượng Công an thuộc Phòng PC15 đã tiếp tục lập công với nhiều vụ việc khác, tiêu biểu  như các vụ rút ruột công trình xây dựng tại: nhà 39 Ngô Quyền, công trình 1A Yết Kiêu, trường Tiểu học Trưng Trắc, đường cao tốc cầu Chợ Đêm (đoạn Km 8+200 - Km 9+380), thuộc Dự án đường cao tốc TP.HCM - Trung Lương…

Trước thắc mắc của chúng tôi rằng tại sao Công an Hà nội lại “vươn dài cánh tay” vào tận TP.HCM, Trung tá Đậu Văn Liên - Đội trưởng đội 2, Phòng PC15 giải thích: do CATP Hà Nội vừa là lực lượng đầu tiên phát hiện, đấu tranh với loại tội phạm mới này nên có kinh nghiệm hơn các địa phương khác. Vụ việc ở cầu Chợ Đêm, TP.HCM chỉ là một trong nhiều vụ việc mà PC15 Hà Nội kết hợp với công an các địa phương khác cùng giải quyết; vừa là trao đổi nghiệm vụ, vừa là học hỏi thêm.

“Công việc thì căng thẳng, giờ giấc làm việc thì kín mít, hẳn các anh chẳng còn thời gian để đọc văn chương, báo chí?”

Đáp lại câu hỏi này, Trung tá Thành Kiên Trung - Đội trưởng đội 7 - chuyên chống tội phạm về buôn lậu cười rất tươi: “Khi nào có thời gian rảnh là tôi lại tìm đọc các sách văn học đấy nhé”. Để minh chứng cho lời nói của mình, anh kể vanh vách các tác phẩm của nhà văn Ma Văn Kháng và Y Ban, hai nhà văn mà anh yêu thích cũng có mặt trong buổi gặp mặt. Anh còn “đòi” nhà văn Y Ban hôm nào tặng cho anh một cuốn sách xuất bản đã lâu của chị mà ngoài hiệu sách đã hết.

Quả thực, chúng tôi - những người làm văn chương, trong cuộc trò chuyện với những chiến sĩ Công an dạn dày trận mạc, đã đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Vì tôi biết ở đội 7 của anh Trung - mọi người vẫn nói đùa là không có thời gian nhìn mặt vợ con - thì còn thời giờ đâu mà quan tâm đến văn chương, báo chí.

Đội chống buôn lậu của anh Trung là lực lượng chống tội phạm phải làm việc với giờ giấc đặc biệt: khi nhà nhà tắt đèn đi ngủ thì các anh lên đường làm nhiệm vụ. “Thì có dân buôn lậu nào giữa thanh thiên bạch nhật bày ra cho mình biết đâu. Chúng phải hoạt động về đêm. Muốn phát hiện và truy bắt tội phạm thì lực lượng công an phải bám sát giờ giấc hoạt động của bọn chúng”.

Vậy là ngày thì vẫn phải đảm bảo giờ giấc cơ quan, ban đêm các anh lại lặng lẽ hòa mình vào bóng đêm làm nhiệm vụ cao cả của một người lính.

Từng có lần đội chống buôn lậu của các anh phải đấu tranh cam go, quyết liệt với những kẻ lợi dụng danh nghĩa thương binh chuyên chở hàng buôn lậu. Nếu đấu tranh với những kẻ phạm tội bình thường khác thì không sao, đằng này mình đang phải đấu tranh với những người từng đổ máu ngoài chiến trường, từng hy sinh tuổi xanh của mình cho đất nước. Giờ đây, vì miếng cơm manh áo, họ đang thực hiện những hành vi phạm pháp, bởi vậy đấu tranh với đối tượng này vừa phải mềm dẻo, lấy vận động, thuyết phục là chính vừa phải kiên quyết đấu tranh để họ hiểu và nghiêm chỉnh chấp hành luật pháp.

Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, các loại tội phạm về kinh tế ngày càng diễn biến phức tạp với những áp lực ngày càng tăng. Từng có lần trong cuộc chiến với loại tội phạm về tham nhũng, những chiến sĩ Công an đã bị đe dọa trực diện: “Có muốn ngày mai mất việc không?”. Rồi các loại tội phạm mới trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, đất đai. Ai biết đằng sau sự nở rộ của hàng loạt các công ty chứng khoán là những gì bất cập, thậm chí những nguy cơ hình thành tội phạm mới? Ai biết đằng sau sự biến động của thị trường nhà đất là bao nhiêu hợp đồng ma, dự án khống? Ai biết đằng sau những công trình xây dựng mọc lên khắp nơi, có bao nhiêu công trình đảm bảo chất lượng? Ai biết có những dự án chỉ được phê duyệt trong vòng 30 phút?...

Rất nhiều, rất nhiều vấn đề phức tạp đặt ra trong sự vận động không ngừng của nền kinh tế. Những người chiến sĩ Công an trên mặt trận kinh tế đã và không bao giờ được phép chủ quan, lơ là. Họ vừa phải rèn luyện nâng cao về chuyên môn nghiệp vụ, vừa phải bổ sung kiến thức cho mình để nắm bắt kịp thời với sự phát triển của các lĩnh vực kinh tế. Cuộc đấu tranh với những “viên đạn bọc đường” có thể không có đổ máu, nhưng những sự hy sinh mất mát, những áp lực mà hàng ngày họ phải chịu đựng thì không hề nhỏ. Đó cũng là trách nhiệm, là sứ mạng, và đồng thời cũng là niềm vinh quang thầm lặng mà các anh mang bên mình.

Bút ký dự thi của Phong Điệp