Cuộc chiến thiện - ác

ANTĐ - Kết quả điều tra của Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo phát triển cộng đồng, cho biết, về chi phí không chính thức trong dịch vụ y tế cho thấy, tỷ lệ người dân đi khám chữa bệnh tại bệnh viện sử dụng “phong bì” trong dịch vụ y tế tăng đều hàng năm. Càng lên cao thì độ dày của chiếc “phong bì” mà người bệnh đưa cho cán bộ y tế càng tăng thêm. Nếu như ở tuyến cơ sở, tiền bệnh nhân “dúi” cho bác sĩ, y tá, cán bộ y tế chỉ từ 5.000 - 50.000 đồng thì lên tới tuyến Trung ương “phong bì” phải ít nhất là 50.000 đồng cho tới vài triệu, thậm chí là hàng trăm USD. 

Việc bệnh nhân phải đưa “phong bì” cho y, bác sĩ mỗi khi đi viện hay chuyện cán bộ y tế vòi vĩnh tiền của người bệnh ngoài tiền thuốc men, viện phí đã trở nên khá phổ biến. Cũng thấy được là hành vi tiêu cực này có tác động tới chất lượng điều trị, sự công bằng trong khám chữa bệnh khi việc đối xử, chăm sóc, chữa trị cho bệnh nhân được đo bằng... độ dày của chiếc phong bì chứ không phải thực trạng bệnh tật của người bệnh.

Công bằng mà nói sự xuống cấp y đức, tiêu cực trong khám chữa bệnh không phải xảy ra ở tất cả bệnh viện hay mọi cán bộ y tế. Tuy nhiên, thực tế tình trạng người dân đi khám chữa bệnh tại nhiều bệnh viện công lập đưa “phong bì” cho y, bác sĩ đã trở nên khá phổ biến. Cho dù, ngành y tế lâu nay đã thực hiện nhiều biện pháp, từ tuyên truyền giáo dục nâng cao y đức cho cán bộ y tế, tổ chức một số bệnh viện cam kết nói không với phong bì, cho tới việc tăng viện phí để tăng nguồn thu cho bệnh viện, giúp cán bộ y tế bớt đi khó khăn nhưng tham nhũng, tiêu cực y tế và xuống cấp y đức vẫn cứ xảy ra tràn lan, thậm chí nghiêm trọng hơn. Đến nay đã là “căn bệnh mãn tính” bởi thực trạng này đã kéo dài lâu nay và ngày càng trở nên trầm trọng hơn, gây bức xúc, khổ sở cho người dân mỗi khi đi khám chữa bệnh. 

Bộ trưởng Bộ Y tế phải thừa nhận, tình trạng xuống cấp y đức và tiêu cực trong lĩnh vực y tế đang diễn ra rất phức tạp, chẳng khác gì cuộc đấu tranh dai dẳng giữa cái thiện và cái ác. Những bệnh nhân đang mong chờ Bộ Y tế sẽ quyết liệt triển khai những biện pháp, hành động cụ thể để đẩy lùi tình trạng bức xúc trên, trả lại niềm tin của người dân vào y đức, để trong mắt người dân, lương y là “từ mẫu”.